Lợi ích lớn từ mở rộng phối hợp thu ngân sách
Thời gian qua, việc phối hợp thu ngân sách nhà nước giữa hệ thống kho bạc nhà nước với các ngân hàng thương mại đạt nhiều kết quả tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ ngân sách, góp phần tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực Nhà nước. Với những lợi ích đó, việc phối hợp thu được coi là bước khởi đầu thuận lợi để ngành Kho bạc Nhà nước thực hiện toàn bộ các giao dịch thu, chi ngân sách theo phương thức điện tử.
Đã phối hợp thu với 16 ngân hàng thương mại
Ông Lưu Hoàng - Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, việc phối hợp thu ngân sách nhà nước (NSNN) được KBNN thực hiện từ năm 2014, với 4 hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM): Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank. Năm 2017, KBNN tiếp tục tổ chức phối hợp thu với Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).
Việc phối hợp thu ngân sách với 5 hệ thống NHTM thời gian này được coi là bước chuyển mạnh mẽ của kho bạc trong việc thu, nộp NSNN. Theo đó, với tài khoản chuyên thu của KBNN tại mỗi ngân hàng đã giúp người nộp thuế dễ dàng thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách 24/7 tại bất kỳ thời gian, địa điểm nào.
Thời gian thực hiện giao dịch thu ngân sách còn dưới 5 phút/giao dịch. Tốc độ luân chuyển thông tin thu giữa KBNN, cơ quan thuế, hải quan và NHTM gần như tức thì. Việc hiện đại hóa và đa dạng phương thức thu đã giúp giảm thiểu chi phí tổ chức thu ngân sách.
Từ đó đến nay, KBNN đã tiếp tục mở rộng phối hợp thu với các NHTM có đủ điều kiện theo quy định. Cho tới hiện tại, KBNN đã phối hợp thu, ủy nhiệm thu NSNN tại 16 NHTM, với 3.300 tài khoản chuyên thu và tài khoản thanh toán song phương điện tử (gồm cả tài khoản bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ), đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ với NSNN.
Theo thống kê trên TCS (Hệ thống thu thuế trực tiếp), số tiền thu NSNN qua NHTM tăng đều qua các năm. Tính riêng từ đầu năm 2023 đến hết tháng 8/2023, số thu NSNN qua NHTM xấp xỉ 1,2 triệu tỷ đồng, đạt trên 98% tổng số thu NSNN.
Ông Lưu Hoàng cho biết, việc mở rộng phối hợp thu ngân sách với các NHTM thời gian qua đã giúp khách hàng ngày càng thuận lợi trong việc thực hiện nghĩa vụ với NSNN. Đồng thời, quy trình phối hợp thu NSNN đã thống nhất và đối chiếu đầy đủ, kịp thời thông tin, dữ liệu về thu NSNN giữa KBNN với cơ quan thu và NHTM, phục vụ hiệu quả công tác quản lý NSNN. “Điều này cũng khẳng định, việc cải cách của KBNN đã theo đúng mục tiêu và yêu cầu đặt ra” - ông Lưu Hoàng nhấn mạnh.
Địa điểm thu nộp với mạng lưới rộng khắp
Từ những lợi ích của việc phối hợp thu mang lại, các đơn vị KBNN đã tích cực ký kết với các chi nhánh NHTM trên địa bàn để giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng thực hiện nghĩa vụ với NSNN, đồng thời giúp nguồn thu được tập trung nhanh, đầy đủ về cho NSNN.
Từ năm 2017 đến nay, KBNN Ninh Bình luôn duy trì phối hợp thu NSNN và thanh toán song phương điện tử với 9 chi nhánh NHTM trên địa bàn (Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank, VPbank, SHB, MSB, LPBank và MB), với 38 tài khoản thanh toán và chuyên thu.
Ông Đinh Văn Hợp - Giám đốc KBNN Ninh Bình cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 7.000 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đang hoạt động, cùng với đó là cơ quan thuế, hải quan nên số lượng chứng từ giao dịch thu NSNN rất lớn.
Do đó, các hệ thống ngân hàng có địa điểm thu nộp với mạng lưới rộng khắp, nhất là có hệ thống công nghệ thông tin hiện đại và đa dạng các loại hình thu nộp đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng nộp thuế. Hiện số món thu và số tiền thu NSNN qua NHTM trên địa bàn tỉnh đạt 90% tổng số thu ngân sách toàn địa bàn.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương, hơn 70% số thu NSNN thực hiện qua các NHTM được KBNN ủy nhiệm thu và 99% số thu NSNN qua KBNN được thực hiện theo phương thức điện tử. Kết quả này đạt được một phần nhờ vào sự nỗ lực mở rộng phối hợp thu NSNN, thanh toán song phương điện tử giữa KBNN Bình Dương với các NHTM.
Cụ thể, KBNN Bình Dương đã phối hợp thu với 11 NHTM trên địa bàn (Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, MB, LPBank, SHB, VPBank, MSB, TPbank, OCB). Việc ký kết phối hợp thu đã bảo đảm hoạt động thu NSNN được nhanh chóng, chính xác, an toàn. Qua phối hợp thu, toàn bộ các khoản thu NSNN được ghi nhận trực tiếp vào hệ thống tài khoản chuyên thu của KBNN, thay vì phải mất thời gian chuyển tiếp qua tài khoản của KBNN tại hệ thống ngân hàng khác như trước đây.
Kho bạc Nhà nước đã phối hợp thu, ủy nhiệm thu NSNN tại 16 NHTM với 3.300 tài khoản chuyên thu và tài khoản thanh toán song phương điện tử (gồm cả tài khoản bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ) đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ với NSNN.
Đặc biệt, theo KBNN Bình Dương, thông qua phối hợp thu, các cơ quan thu và KBNN đối chiếu được đầy đủ, kịp thời thông tin, dữ liệu, số đã thu NSNN; khắc phục được cơ bản tình trạng sai thông tin, thiếu chứng từ thu NSNN chuyển từ ngân hàng về KBNN. Các ngân hàng thông qua cung cấp dịch vụ công cho Chính phủ có thể mở rộng phân khúc khách hàng và nâng cao vị thế trên thị trường…
Ngày 4/11/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 2222/QĐ-BTC ban hành Chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Theo đó, Bộ trưởng giao Tổng cục Thuế định danh các khoản thu NSNN do cơ quan thuế quản lý; giao Tổng cục Hải quan định danh các khoản thu NSNN do cơ quan hải quan quản lý; giao KBNN định danh các khoản thu khác không do cơ quan thuế, cơ quan hải quan quản lý.
Nhiệm vụ này sẽ góp phần đơn giản hóa quy trình phối hợp thu NSNN đã được cải tiến, hoàn thiện theo hướng không phụ thuộc vào các thông tin dữ liệu thu NSNN truyền theo cấu trúc lệnh thanh toán và tạo thuận lợi nhất cho người dân khi thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách. Đây chính là cơ sở để nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp thu NSNN giữa các cơ quan liên quan.
Tuy nhiên, theo KBNN, hiện nay các khoản thu không do cơ quan thuế, cơ quan hải quan quản lý là các khoản thu có yêu cầu quản lý khác nhau, do các cơ quan thu khác nhau quản lý. Do đó, các cơ quan thu cần tích cực phối hợp để nâng cao hiệu quả trong quá trình triển khai, thu NSNN theo mã định danh khoản thu.
Ngân hàng Nhà nước cũng cần chỉnh sửa cấu trúc điện chuyển tiền theo hướng có 1 trường thông tin riêng cho mã định danh khoản phải nộp nhằm bảo toàn thông tin trong quá trình chuyển lệnh về NHTM nơi KBNN mở tài khoản.
Đồng thời, cần có quy trình phối hợp thu giữa KBNN, NHTM và cơ quan thu khác tương tự như cơ quan thuế, hải quan để quản lý chặt chẽ từ khoản phải thu đến khoản đã thu NSNN, đảm bảo an toàn tiền và tài sản nhà nước.
Về phía KBNN, theo Chiến lược phát triển đến năm 2030, đến năm 2025, cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi NSNN qua KBNN được thực hiện theo phương thức điện tử, trừ các giao dịch thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
Theo đó, KBNN cho biết, đơn vị đang chuẩn bị kỹ lưỡng các bước tiếp theo để ký kết hợp tác phối hợp thu với nhiều NHTM có đủ điều kiện hơn nữa để giúp KBNN thực hiện tốt hơn mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt, giảm đáng kể khối lượng công việc cho công chức KBNN. Đây cũng là cơ sở để KBNN thực hiện mục tiêu tinh giản bộ máy, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả hơn.
Phối hợp thu mang nhiều lợi ích cho người nộp thuế
Với việc phối hợp thu ngân sách nhà nước (NSNN) giữa KBNN và ngân hàng thương mại (NHTM), người nộp thuế có thể chủ động nộp thuế, nộp ngoài giờ hành chính vào thứ bảy hoặc chủ nhật hoặc 24/7 qua các dịch vụ thanh toán điện tử của hệ thống NHTM…
Người nộp thuế được lựa chọn dịch thu NSNN hiện đại, đa dạng như: Thực hiện nộp thuế qua cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế; qua dịch vụ thanh toán điện tử của NHTM như ATM, internet banking, mobile banking, POS… hoặc các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh đối với một số khoản thu NSNN.