Lợi ích từ chăn nuôi an toàn sinh học
Thời gian qua, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Trước thực trạng đó, việc nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) được xem là giải pháp hữu hiệu. Mô hình này còn mang lại 'lợi ích kép' cho người chăn nuôi bởi vừa tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ đàn vật nuôi, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trang trại gà tại xã Yên Tâm (Yên Định) sử dụng đệm lót sinh học bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.
Để phát triển chăn nuôi theo hướng ATSH, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khuyến cáo các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm túc các quy tắc trong chăn nuôi ATSH, như: khu vực chăn nuôi cách xa nhà ở, có hàng rào ngăn cách với các khu vực khác; hạn chế ra vào khu vực chăn nuôi; trước cổng khu vực chăn nuôi và ở mỗi dãy chuồng phải có hố sát trùng; phải thường xuyên, định kỳ tiêu độc, khử trùng dụng cụ chăn nuôi và khu vực chăn nuôi; chất thải chăn nuôi phải được thu gom và xử lý bằng các biện pháp thích hợp; chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý tốt đàn vật nuôi thông qua việc cung cấp đầy đủ thức ăn chất lượng tốt, nước uống sạch cho vật nuôi; chuồng nuôi đảm bảo đúng quy cách, mật độ nuôi hợp lý và vật nuôi được tiêm phòng định kỳ; con giống phải có nguồn gốc, giấy kiểm định chất lượng, trước khi nhập vật nuôi phải nuôi cách ly theo quy định... Thông qua việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng ATSH, nhiều hộ dân đã có cơ hội tiếp cận với phương thức chăn nuôi tiên tiến, áp dụng khoa học - kỹ thuật và nâng cao kiến thức chăn nuôi.
Đơn cử như gia đình ông Lê Đình Khánh, ở xã Yên Tâm (Yên Định), là một trong những hộ có nhiều năm kinh nghiệm phát triển trang trại chăn nuôi gà, luôn coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Theo ông Khánh, chăn nuôi theo phương pháp truyền thống gà rất dễ bị bệnh về đường hô hấp, đường ruột, tăng trọng thấp... Tuy nhiên, nếu tuân thủ theo quy trình chăn nuôi ATSH thì con nuôi có sức đề kháng tốt hơn, giảm tỷ lệ mắc các bệnh đường tiêu hóa, nâng cao tỷ lệ nuôi sống một cách đáng kể. Trước khi xuất bán 1 tháng, đàn gà được sử dụng thức ăn từ ngô và lúa lên men sinh học, không để tồn dư lượng thức ăn công nghiệp. Chuồng trại được xây dựng thông thoáng và mái che được thiết kế cách nhiệt, giúp nhiệt độ trong chuồng luôn ổn định theo mùa. Nền trại được rải một lớp trấu dày, hằng ngày đảo trấu kết hợp với rải vôi bột xử lý phân gà, nhờ đó hạn chế tối đa việc gà bị dịch bệnh. Sau quá trình chăn nuôi, có thể thấy rõ hiệu quả trong việc chăn nuôi theo hướng ATSH, như: tỷ lệ gà nuôi sống đạt 95%; chi phí thức ăn, kháng sinh giảm, hạn chế nhiễm dịch bệnh, mẫu mã và chất lượng sản phẩm được nâng cao... và giá bán luôn cao hơn giá gà công nghiệp từ 15 đến 20%.
Đối với chăn nuôi lợn, người dân đã chú trọng áp dụng chăn nuôi theo hướng ATSH hơn khi nhiều lần dịch bệnh tả lợn châu Phi bùng phát. Người chăn nuôi đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, như: con giống có nguồn gốc rõ ràng, trước khi nhập đàn phải được nuôi cách ly theo quy định; định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, các chuồng nuôi; phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh; xây dựng hầm chứa chất thải hoặc xử lý bằng hóa chất; có quy trình chăn nuôi phù hợp tùy theo giai đoạn phát triển, bổ sung men vi sinh kích thích quá trình tiêu hóa, tăng khả năng hấp thụ thức ăn...
Được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 90.000 hộ đang áp dụng chăn nuôi theo hướng ATSH, do phương pháp này mang lại nhiều lợi ích rõ rệt, như giảm tỷ lệ dịch bệnh khi có những biện pháp xử lý chuồng trại, thú y, thức ăn... Từ đó hạn chế sử dụng kháng sinh, giúp đảm bảo sức khỏe đàn vật nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao thu nhập cho người nuôi. Bên cạnh đó, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này, các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh cần tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả của việc chăn nuôi theo hướng ATSH. Đồng thời, tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi ATSH cho người sản xuất; chú trọng phát triển chăn nuôi theo chuỗi từ chăn nuôi đến giết mổ, tiêu thụ sản phẩm theo hướng an toàn, bền vững.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/loi-ich-tu-chan-nuoi-an-toan-sinh-hoc/164804.htm