Lợi ích từ việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, một số bệnh viện trên cả nước đã áp dụng hình thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Việc này không chỉ đem lại thuận lợi trong công tác quản lý mà còn tạo điều kiện để người dân được hưởng nhiều lợi ích.

lBộ trưởng Bộ Y tế tại Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong ngành y tế. Ảnh: Trần Ngọc Kha

lBộ trưởng Bộ Y tế tại Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong ngành y tế. Ảnh: Trần Ngọc Kha

Phản ứng của người dân khi thăm khám và điều trị tại bệnh viện

Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt là yêu cầu cấp thiết hiện nay, đang được Bộ Y tế chú trọng triển khai trên toàn quốc. Theo thống kê của ngành y tế, hiện nay có khoảng hơn 30 bệnh viện đã triển khai các giải pháp, các phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, và đạt được những kết quả tương đối khả quan.

Đưa người nhà đi khám tại bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, chị Nguyễn Thị Vân cho biết: “Khi đến bệnh viện khám và chữa bệnh, mẹ tôi đã được hỗ trợ mở tài khoản miễn phí và đăng ký thẻ khám bệnh - thanh toán viện phí. Một điều làm tôi rất tâm đắc là thẻ này vừa là thẻ ATM, có thể dùng để thanh toán trực tuyến trên hệ thống vừa là hồ sơ khám bệnh điện tử.

Do đó nên mẹ tôi đã được vào khám nhanh hơn mà thủ tục bớt rườm rà, trước thì phải mua phiếu khám bệnh rồi mỗi lần khám lại phải ra quầy thanh toán để trả phí rồi chờ lấy hóa đơn cho từng dịch vụ khám,.. giờ có hình thức dùng thẻ này giúp tiết kiệm thời gian và tiện lợi hơn rất nhiều”.

Anh N.V.T – bệnh nhân đang nằm điều trị tại viện Ung Bướu Hà Nội chia sẻ: "Tôi thấy hình thức thanh toán bằng thẻ này rất tiện lợi. Vì chiếc thẻ khám chữa bệnh này còn tích hợp với thẻ ngân hàng nên ngoài thanh toán viện phí; thanh toán tiền thuốc; nạp tiền và rút tiền; còn có thể thanh toán tại hệ thống cửa hàng tiện lợi… vì vậy tôi không cần mang giấy tờ gì hay tiền trong người mà vẫn có thể khám hay sử dụng bất kì dịch vụ nào khi ở trong viện. Điều này giúp tôi tránh phải trường hợp để quá nhiều tiền hay giấy tờ trong người có thể dễ bị mất cắp hay rơi rớt."

Cũng đi khám tại bệnh viện Ung bướu Hà Nội, chị H.T (47 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ: “Tôi đi khám, chỉ mất có vài phút là tôi thanh toán xong tiền khám bệnh, thuốc men. Tuy nhiên lúc đầu tôi còn gặp đôi chút khó khăn trong việc làm thẻ vì tuổi cũng không còn trẻ, không sành về công nghệ như giới trẻ nữa nên cũng bỡ ngỡ khi phải dùng đến công nghệ.

Qua đó tôi thấy, các cơ quan chức năng hay các cơ sở y tế cần có biện pháp làm đơn giản hóa hơn nữa hoặc có những chính sách hỗ trợ giúp những người già, những người ở nông thôn, vùng sâu vùng xa để họ có thể tiếp nhận được hình thức thanh toán viện phí mà không dùng tiền mặt này một cách dễ dàng. Tránh làm họ cảm thấy hoang mang hay ngại đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện hay cơ sở y tế…”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt: tạo điều kiện cho người dân được hưởng lợi ích

Trả lời báo chí, PGS - TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế cho biết, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt bao gồm dịch vụ thanh toán qua tài khoản thanh toán và một số dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng. Trong đó, hiện nay dịch vụ thanh toán điện tử là phổ biến trên thế giới và ở nước ta.

Thanh toán điện tử là việc ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện chi trả các hoạt động giao dịch mua bán mà không dùng tiền mặt thông qua các hình thức như chuyển khoản, thẻ tín dụng, thẻ nội địa, ví điện tử, ứng dụng di động (mobile banking), … đã được chứng thực và được sự bảo đảm của các ngân hàng.

Hiện nay, việc thanh toán viện phí tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ta hầu hết là thu tiền mặt. Một số bệnh viện cũng đã áp dụng triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt nhưng chưa đạt được hiệu quả cao do chưa có tính đồng bộ, giải pháp thanh toán còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của người dân.

Chúng tôi đã trực tiếp quan sát và nhận thấy quy trình khám bệnh, chữa bệnh và thu lệ phí, viện phí đang áp dụng hiện nay gồm 6 bước. Nếu chỉ tính riêng thời gian chờ đợi, xếp hàng để được nộp tiền viện phí, tiền chi phí xét nghiệm, tiền chi trả các hoạt động cận lâm sàng… khoảng 30 phút. Đó là thời gian trung bình. Còn những hôm đông bệnh nhân, có lẽ thời gian sẽ kéo dài hơn.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong ngành y tế ngày 20/9/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán điện tử nói riêng là xu thế tất yếu của thời đại, thể hiện một xã hội văn minh, hiện đại, đem lại nhiều lợi ích to lớn, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế”.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến rất đặt niềm tin vào việc triển khai thành công thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt, bởi lẽ thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều lợi ích như an toàn, nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian hơn thanh toán tiền mặt; đồng thời cho phép các giao dịch mua bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ một cách trực tuyến ở mọi lúc, mọi nơi; cho phép người dân tiếp cận và thanh toán không chỉ trong nước mà ngay cả với thị trường toàn cầu.

Qua đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị trong ngành đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt nhấn mạnh công tác truyền thông, phổ biến để người dân thay đổi thói quen không dùng tiền mặt trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cũng cho biết, thực tế thời gian qua ở các bệnh viện có hai điểm nghẽn chính trong thanh toán diện tử ở các bệnh viện cần khắc phục trong thời gian tới là: Phí dịch vụ thanh toán điện tử còn cao, Bộ Y tế sẽ đề nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam xem xét nội dung này; người dân chưa có thói quen thanh toán điện tử, do đó cần đẩy mạnh truyền thông về tiện lợi của thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt đến nhân dân.

Thảo Anh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/song-khoe/loi-ich-tu-viec-thanh-toan-vien-phi-khong-dung-tien-mat-472948.html