Lợi ích và thách thức của ChatGPT với giáo dục

ChatGPT dù rất mới nhưng đã gây tiếng vang lớn trong thế giới công nghệ về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). ChatGPT là một ứng dụng chatbot hỗ trợ AI do OpenAI phát triển, công cụ này có khả năng tạo văn bản giống con người và đây là một trong những mô hình AI xử lý ngôn ngữ lớn nhất cho đến nay.

Để tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên Báo Phú Thọ đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Ánh Hoàng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Phú Thọ về những lợi ích mà trí tuệ nhân tạo, trong đó có ChatGPT có thể mang lại cho hoạt động dạy, học. Dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện.

TS. Nguyễn Ánh Hoàng.

Phóng viên: Thưa TS. Nguyễn Ánh Hoàng, chúng ta không thể không thừa nhận những lợi ích mà trí tuệ nhân tạo, trong đó có ChatGPT có thể mang lại cho hoạt động dạy, học. Theo đồng chí, ChatGPT mang đến những lợi ích căn bản nào?

TS. Nguyễn Ánh Hoàng: Mặc dù ChatGPT chưa được sử dụng chính thức tại Việt Nam nhưng qua các thông tin, tính năng của nó cho thấy thực sự sẽ mang lại lợi ích căn bản cho cả người dạy và người học, có thể trở thành “trợ thủ” đắc lực cho cả giáo viên và học sinh nếu được tận dụng đúng cách, đúng mục đích. Đối với người dạy, ChatGPT không chỉ là công cụ giúp giáo viên tìm kiếm các nguồn tư liệu đa dạng, phong phú phục vụ cho bài học mà còn có thể giúp giáo viên phân tích, so sánh, tổng hợp kiến thức một cách dễ dàng, nhanh chóng so với việc phải dành nhiều thời gian như bây giờ. Đây thực sự là công cụ góp phần tăng hiệu quả làm việc, giảm bớt thời gian lao động cho giáo viên. Đối với người học, ChatGPT cũng là công cụ hỗ trợ học sinh tìm kiếm thông tin, hỗ trợ hoàn thành nhiệm vụ học tập một cách hữu hiệu. ChatGPT có thể hỗ trợ người học đưa ra các câu trả lời nhanh chóng với độ chính xác cao. Điều này giúp giảm tải khối lượng kiến thức cần phải ghi nhớ hay thuộc lòng, thay vào đó người học có thể tập trung vào các mục tiêu giáo dục ở cấp nhận thức cao hơn là tổng hợp, phân tích, đánh giá và sáng tạo.

Phóng viên: Nhiều người lo lắng giáo dục chịu tác động lớn khi ChatGPT phát triển, điển hình như học sinh dùng nó để gian lận thi cử... Quan điểm của đồng chí về vấn đề này như thế nào?

TS. Nguyễn Ánh Hoàng: Nhiều cơ sở giáo dục ở một số quốc gia trên thế giới đã cấm học sinh sử dụng ChatGPT, bên cạnh đó lại có cơ sở giáo dục cho phép học sinh sử dụng nhưng phải trích dẫn nguồn. Rất khó để có thể kiểm soát học sinh có sử dụng ChatGPT làm bài tập thay thế mình. Do đó, theo tôi thay đổi cách thức kiểm tra, thi cử cũng là một yêu cầu tất yếu. Nội dung kiểm tra thay vì tập trung kiểm tra kiến thức phải chuyển mạnh sang kiểm tra kỹ năng để phát huy được tư duy sáng tạo, phản biện của học sinh.

Phóng viên: Theo đồng chí, học sinh và giáo viên nên tận dụng ChatGPT thế nào để là công cụ thúc đẩy giáo dục phát triển? Chúng ta nên chuẩn bị những gì để hoạt động giáo dục có thể tận dụng được lợi ích của ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đồng thời giảm thiểu nguy cơ?

T.S Nguyễn Ánh Hoàng: Giáo viên có thể sử dụng ChatGPT trong một số hoạt động dạy học mang tính gợi mở, khám phá thông tin sơ bộ. Có thể tận dụng ChatGPT thiết kế các câu hỏi ngắn để kiểm tra kiến thức bài trước. Điều này giúp giáo viên tiết kiệm thời gian để đầu tư vào những hoạt động tạo cảm hứng, thúc đẩy tư duy chiều sâu và sáng tạo cho người học. Đối với học sinh, đây không chỉ là công cụ tìm kiếm thông tin nhanh mà còn thúc đẩy khả năng tự học, tự nghiên cứu khi các em phải tự đặt câu hỏi, chắt lọc nguồn thông tin được cung cấp, tóm tắt hoặc tổng hợp kiến thức cho lĩnh vực mình tìm kiếm.

Để có thể sử dụng hiệu quả ChatGPT, việc chúng ta cần làm là có thái độ, cách sử dụng thông minh và trung thực. Các cơ sở giáo dục cần tìm hiểu và sớm có các quy định cụ thể về cách thức sử dụng đối với người học để hỗ trợ hoàn thành các nhiệm vụ học tập. Nhà trường và cha mẹ học sinh cần phối hợp có những định hướng để học sinh có thể chắt lọc được các nguồn thông tin chính xác, phù hợp.

Phóng viên: Vậy vai trò và vị trí của người thầy sẽ như thế nào trong nền giáo dục có sự tham gia của trí tuệ nhân tạo, ChatGPT, thưa đồng chí?

TS. Nguyễn Ánh Hoàng: Phải khẳng định rằng, không có phần mềm nào có thể thay thế được vị trí người thầy trong giáo dục nhưng chắc chắn ChatGPT sẽ làm thay đổi phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá trong giáo dục hiện nay. Trong dạy học, chúng ta không đơn thuần là dạy kiến thức mà còn tìm ra khả năng, năng lực cá thể của từng người học, phát triển những phẩm chất, năng lực người học, trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 là năm phẩm chất và 10 năng lực mà giáo dục hướng đến cho người học, điều mà máy tính không thể thay thế con người. Trong bối cảnh đó, người thầy sẽ phải là người chuyển giao vai trò từ người truyền đạt trực tiếp tri thức thành người định hướng học sinh sử dụng trí tuệ nhân tạo sao cho phù hợp mục tiêu giáo dục. Như vậy đòi hỏi người thầy cần phải nâng cao kỹ năng giảng dạy của mình để có thể tận dụng được các công cụ trợ giúp của trí tuệ nhân tạo và ChatGPT một cách hiệu quả.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Hạnh Thúy (thực hiện)

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//giao-duc/loi-ich-va-thach-thuc-cua-chatgpt-voi-giao-duc/191411.htm