Lời kể của những người Việt thoát chết trong lễ hội Halloween ác mộng ở Hàn Quốc
Nhiều người Việt tham gia lễ hội Halloween ở Itaewon, Seoul vào tối 29.10 cho biết, họ đã thoát chết vì về sớm và vẫn chưa hết sợ hãi vì vụ việc.
Trước đó, thảm kịch giẫm đạp trong lễ hội Halloween xảy ra khoảng 22 giờ 22 ngày 29.10 (khoảng 20 giờ 22 giờ Hà Nội), tại con hẻm gần khách sạn Hamilton, khi 100.000 người đổ tới khu phố Itaewon, Seoul để tổ chức tiệc Halloween.
Thảm kịch giẫm đạp thảm khốc nhất trong lịch sử Hàn Quốc đã khiến ít nhất 151 người tử vong, 82 người bị thương.
Anh Trần Long, thợ cơ khí đã làm việc tại Hàn Quốc được 4 năm, vẫn chưa hết bàng hoàng. Kể lại trên Thanh Niên vào sáng 30.10, Long cho biết, tối 29.10, anh cùng một người bạn đã đi tàu 2 tiếng từ Namyang đến Itaewon để tham dự lễ hội Halloween. Anh cho biết, vì lễ hội này được tổ chức trở lại sau 3 năm đại dịch “nên tôi cũng muốn đến chơi để trải nghiệm không khí náo nhiệt". Long cũng rủ rủ thêm vài người bạn Hàn Quốc đi cùng nhưng họ đã từ chối vì thấy mọi người đổ về khu Itaewon quá đông.
Theo lời Long kể, ngay khi đến Itaewon vào lúc 20 giờ, anh đã cảm nhận được sức ép của đám đông. "Đường vào Itaewon là một con dốc, hai bên đầy quán nhậu san sát nhau, chỉ có một lối đi chính giữa thôi. Khi đó, tôi muốn leo dốc để đi lên. Phía trước tôi còn một người đàn ông Hàn Quốc rất cao to, vạm vỡ. Vậy mà chúng tôi không chịu nổi sức ép từ những người đang đi xuống dốc. Cứ tiến lên bao nhiêu là bị họ đẩy ngược về bấy nhiêu", anh Long nhớ lại.
"Mới ở lối vào thôi mà đã như thế thì có thể thấy càng leo lên cao, sức ép càng kinh khủng tới mức nào. May mà lúc đó tôi vẫn còn khỏe nên có thể chống đỡ để tiến lên", anh Long cho biết.
Theo anh Long, giới trẻ Hàn Quốc chủ yếu vui chơi vào ban đêm. Vì vậy, trời càng tối, số người tan làm rồi đổ đến Itaewon ngày một nhiều. Tuy vậy, cho đến khi gặp hai mẹ con người Hàn Quốc mắc kẹt trong đám đông, anh Long mới quyết định quay về.
"Đến khoảng 22 giờ, tôi đi ngang qua 2 mẹ con người Hàn Quốc, người mẹ khoảng 30 tuổi còn đứa bé chỉ tầm 10 tuổi. Xung quanh toàn người lớn và rất nhiều người hút thuốc nên đứa bé bắt đầu khó thở, khiến người mẹ hoảng loạn. Họ bị kẹt trong đám đông, lùi cũng không được mà tiến cũng không xong. Vì vậy, tôi quyết định giúp đưa họ ra đường lớn dù lúc đó vẫn còn muốn đi chơi tiếp", anh Long kể
"Ban đầu, tôi còn nghe thấy đứa bé nói chuyện. Chừng 10 phút sau, khi gần thoát ra khỏi đoàn người rồi, đứa bé ngộp đến độ không còn nói được nữa, chỉ có thể gật gật lắc lắc. Sau khi thoát ra ngoài thì họ cảm ơn tôi rối rít rồi về luôn. Tôi cũng không tưởng tượng nổi nếu họ kẹt trong đó thì sẽ xảy ra chuyện gì", anh Long nhớ lại.
Sau đó, anh Long cũng ra về "nhưng tới 3 giờ sáng tôi vẫn chưa ngủ được vì vừa ám ảnh, vừa sợ. Chỉ cần một phút bồng bột và ở lại chơi tiếp thôi thì tôi cũng không biết chuyện gì có thể xảy ra với mình", Long chia sẻ.
Một nhân chứng khác trở về từ cõi chết của thảm kịch giẫm đạp ở con phố Itaewon là Phạm Minh Trung (31 tuổi, kỹ sư IT), sinh sống tại Seoul.
Theo lời nam kỹ sư, tối 29.10, anh đến phố Itaewon hòa vào dòng người vui chơi đêm Halloween. Thời điểm đó, con phố khá đông nên mọi người di chuyển chậm.
Sau 15 phút, Trung đến ngã 3 phố, bị một "làn sóng" người đẩy mạnh về phía trước biển hiệu một quán cà phê. Dòng người đẩy càng lúc càng mạnh, ép chặt anh vào góc bảng hiệu.
"Bắt đầu có những tiếng gào khóc và tiếng hét. Mình lúc này đã bắt đầu không thở nổi nữa, tay không thể cử động, nhưng đằng sau dòng người vẫn ép”, anh Minh Trung nhớ lại.
Lần đầu tiên Trung phải hét lên vì tức ngực. Xung quanh tiếng mọi người la hét “cứu tôi với”, “gọi cảnh sát đi”, “tôi xin mọi người đừng đẩy nữa”… Nhưng tất cả đều trong vô vọng vì khu vực này quá ồn. Anh kể khi đó có người khóc, những bạn nữ ở giữa do bị ép và chiều cao thấp không đủ không khí để thở nên ngất.
May thay sau khoảng 30-40 phút thì cảnh sát đã xuất hiện, khoảng 20 cảnh sát chen lấn tìm cách giải quyết. 10 phút tiếp theo, phía sau thấy đám đông bắt đầu giãn cách. Mọi người không thể tự đứng được vì tất cả đang đổ về phía trước, cảnh sát phải kéo từng người ra một.
Đến đây, anh Minh Trung cảm thấy may mắn vì sống sót rồi, về đến nhà khi đã 11 giờ 30 đêm, anh vội vàng lên Facebook chia sẻ lại cảm nhận cá nhân sau trải nghiệm nhớ đời.
Sáng sớm thức dậy, Trung lấy điện thoại để xem xét tình hình trên mạng, top news tìm kiếm và hot search hiện ra hàng loạt từ khóa Halloween, Itaewon, dẫm đạp… với bạt ngàn tin tức về vụ việc xảy ra đêm qua. Anh kiểm tra tiếp tin nhắn Facebook thì hàng loạt tin chờ người thân, bạn bè gửi đến kèm theo hỏi thăm tình hình.
May mắn hơn Minh Trung, Thu Hà - nữ du khách Việt kịp thời thoát ra khỏi khu phố khi sự việc mới diễn ra.
Theo chia sẻ, Thu Hà sang Hàn Quốc du lịch được 3 ngày. Tối 29.10, Hà cùng nhóm bạn đến Itaewon để trải nghiệm sự sầm uất của con phố này đúng dịp ở đây đang tổ chức lễ hội Halloween. “Khi đó mọi con đường đổ về đây đều đông nghịt người không biết đường nào vào đường nào, ở phía ngoài thì cảnh sát phân luồng. Con đường chính ở Itaewon là một con đường thẳng, hẹp, lên dốc và không có các hẻm thông nhau, hàng nghìn người đổ vào, có người còn dẫn theo cả trẻ nhỏ, con phố đi bộ này còn nhỏ hơn Bùi Viện ở TP.HCM”, Thu Hà kể lại lúc mới đến.
“Chúng tôi chen vào được trong thì tất cả các quán ăn, nhà hàng đều đã kín người không còn chỗ. Đi được một lúc quá chán nản, chúng tôi mới bảo nhau ra về. Khi vừa ra khỏi khu phố thì thảm kịch xảy ra, tôi nghĩ rằng lúc đó có thể mọi người đã uống rượu, bia nên sẽ hoảng loạn, không kiểm soát được”, Thu Hà chia sẻ.
Tương tự Thu Hà, anh Võ Đức Phương, một khách du lịch Việt Nam kể trên Zing về cảm xúc của mình sau khi đọc được tin tức chấn động về một thảm kịch xảy ra ngay tại nơi anh vừa lui tới cách đó ít lâu: “Tim đập mạnh và run. Tôi không biết dùng từ nào để diễn tả cảm xúc lúc đó”.
Anh Phương kể rằng sau khi về khách sạn ngủ được một lúc thì bị “giật mình tỉnh dậy” bởi tiếng tin nhắn liên hồi, gồm tin nhắn cảnh báo an ninh công cộng ở Hàn Quốc và tin nhắn hỏi thăm của bạn bè. Lúc này anh mới bàng hoàng nhận ra mình may mắn vì vừa thoát khỏi một tử địa.
Anh ra khỏi Itaewon vào khoảng 22 giờ, tức chỉ hơn nửa giờ trước khi thảm kịch xảy ra.
Trên Tiktok, một du học học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc đã chia sẻ lại sự kinh hoàng của bản thân khi có mặt tại thảm kịch vào tối 29.10 và nói rằng: “Hàn Quốc có một đặc sản là những con dốc, mà những con dốc này cực kỳ cao, một con dốc đặc trưng như ở Đà Lạt đó, người ta xô đẩy nhau trên một con dốc như domino thì ở trên dốc nó sẽ dồn xuống dưới, những người ở chân dốc bị hàng trăm người đ.è như vậy thì không thể nào mà thở được.
Đa số những người nằm ở phía đầu dốc sẽ không qua khỏi dù được hô hấp sơ cứu. Thậm chí mình thấy những cảnh mà rơi nước mắt luôn, có những anh phải ngồi hô hấp cho người yêu mình trong vô vọng, nhìn rất là tội, mình nhìn chỉ muốn khóc luôn... cái cảm giác muốn cứu người mình thân yêu mà không thể nào cứu được…”.
Itaewon là một trong những khu phố nổi tiếng nhất ở Seoul, được biết đến với cuộc sống về đêm, tập hợp giới trẻ, khách du lịch nước ngoài và các nhà hàng sang trọng. Những con hẻm nơi đây vốn dốc và ngoằn ngoèo, nằm ở hai bên đường chính.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sáng 30.10 tuyên bố quốc tang cho các nạn nhân thiệt mạng trong thảm kịch đêm Halloween ở Itaewon, Seoul. Vụ giẫm đạp chết chóc ở Itaewon vào dịp Halloween là một trong những thảm họa tồi tệ nhất ở Hàn Quốc kể từ vụ chìm phà năm 2014.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc xác nhận một công dân Việt Nam đã thiệt mạng trong thảm họa giẫm đạp lên nhau ở Seoul.