Lời kể gây sốc của nạn nhân vụ chìm xuồng thảm khốc ở eo biển Manche
Lời kể gây sốc của nhân chứng vụ chìm xuồng bơm hơi thảm khốc khiến 27 người thiệt mạng ở eo biển Manche cho thấy, họ cầu cứu các nhà chức trách Pháp và Anh nhưng cả hai bên đều từ chối trách nhiệm giải cứu.
Ít nhất 27 người di cư, trong đó có 5 phụ nữ và một bé gái đã chết đuối do xuồng bị chìm khi họ cố vượt qua eo biển Manche đến nước Anh hôm 24-11. Mohammed Shekha, 21 tuổi, đến từ miền Bắc Iraq, một trong 2 nhân chứng may mắn sống sót đã kể về những giây phút cuối của những người trên xuồng với đài truyền hình Rudaw của người Kurd ở Iraq.
Họ nắm tay nhau đến phút cuối cùng
Theo Shekha, 33 người đã đến bờ biển gần Dunkirk, miền Bắc nước Pháp tối 23-11. 29 người sau đó lên một chiếc xuồng bằng cao su. Mọi việc êm xuôi nhưng đến sáng sớm, nước từ phía sau tràn vào. Họ đã cố đổ hết nước ra khỏi chiếc xuồng.
Trên xuồng khi đó có một cậu bé 16 tuổi người Iraq tên là Mubin Hussein, đi cùng mẹ Kazhal Ahmed 45 tuổi, chị gái Haida 22 tuổi và em gái Hasti 7 tuổi. Họ đều sợ chết nên Mubin đã gọi điện cầu cứu. “Chúng tôi đã gọi cho cảnh sát Pháp và họ bảo gửi vị trí định vị. Rồi họ nói: “Các anh đang ở trong lãnh thổ của nước Anh, chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì”. Sau đó chúng tôi gọi cho người Anh, nhưng họ nói “Không, hãy gọi cho người Pháp”, Shekha kể.
Sau những cuộc gọi điên cuồng với nhà chức trách, chiếc xuồng hơi bẹp xuống. Mọi người bắt đầu rơi xuống nước. “Tất cả nắm lấy tay nhau, suốt vài giờ đồng hồ. Nhưng chúng tôi không thể trụ được lâu hơn nữa trong nước biển băng giá”. Shekha cũng có một người bạn thân trong chuyến đi này. “Đó là cậu bạn đến từ Ranyia, khu vực người Kurd ở Iraq. Chúng tôi đã hứa sẽ ở bên nhau cho đến giây phút cuối cùng. Tôi đã nắm tay cậu ấy nhưng cậu ấy không chịu được nữa, nhất định bảo tôi hãy buông tay ra. Lúc tôi dừng nắm tay là không thể gặp được cậu ấy nữa. Cậu ấy đã chết”.
Thanh niên người Iraq này cuối cùng đã được lực lượng tuần duyên Pháp giải cứu sau khi ngư dân lên tiếng báo động. Anh là một trong 2 người duy nhất sống sót sau thảm kịch, người còn lại là Omer, người Somalia. Cả hai được kéo lên khỏi mặt nước vì bị hạ thân nhiệt và kiệt sức. Phần lớn những người trên thuyền là người Kurd ở Iraq, nhưng cũng có nhiều người từ nước khác như Somalia, Iran, Ai Cập. Tàu cứu hộ trên biển của Pháp đã chở thi thể của những người di cư trên con xuồng đắm đó ở ngoài khơi bờ biển Calais về bờ.
Bi kịch trên đường tìm kiếm cơ hội đổi đời
Cảnh sát cũng đã bắt giữ 4 nghi phạm buôn người liên quan đến thảm kịch. Shekha không thể tiết lộ nơi ẩn náu hiện nay vì những kẻ buôn người tàn nhẫn giờ muốn giết anh. “Tính mạng của tôi đang bị đe dọa. Họ nói nếu bắt được, họ sẽ không để cho tôi sống”.
Gia đình Shekha từ Iran chuyển đến Iraq 10 năm trước. Thanh niên này đến Pháp qua Đức. Trước đó anh ở một tuần trong khu rừng giữa biên giới Belarus - Ba Lan, vốn là điểm nóng về người tị nạn hiện nay. Shekha muốn kiếm được 60.000 USD để chi trả ca phẫu thuật cho em gái mình,
Fatima. Khi được hỏi liệu có còn muốn đến Anh hay không, Shekha nói: “Tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết cho em gái tôi. Tôi hy vọng sẽ được nước Anh tiếp nhận để tôi có thể kiếm tiền, sau đó về nhà với gia đình”.
Cha của Mubin, ông Rizgar Hussein, là một cảnh sát vẫn đang ở Darbandikhan, Iraq. Mẹ Mubin cùng các con đã rời nhà cách đây 4 tháng. Ông Hussein nói với truyền thông địa phương: “Tôi nhận được một cuộc gọi từ con gái lúc 10h tối hôm đó. Con bé bảo đã ở trên xuồng được 5 phút. Đó là lần cuối cùng chúng tôi nói chuyện với nhau. Tôi đã không thể liên lạc với họ kể từ đó”. Người đàn ông này kể, để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn, gia đình họ đã trả cho những kẻ buôn người 5.000 USD sau khi buộc phải bán ngôi nhà của mình ở Iraq được 30.000 USD.
Bộ trưởng phụ trách vấn đề di cư của Pháp, Đức, Bỉ và Hà Lan cùng các quan chức EU trong cuộc họp khẩn tại thành phố Calais, miền Bắc nước Pháp hôm 28-11 đã nhất trí về các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư. Theo đó, các nước đồng ý hạn chế buôn bán các loại xuồng bơm hơi và cử một máy bay để giám sát eo biển Manche; chia sẻ thông tin và phối hợp chặt chẽ để chống tội phạm buôn người.