Lời kể nạn nhân trong vụ động đất thảm khốc ở Thổ Nhĩ Kỳ: Chúng tôi chỉ biết nằm yên và đợi cho hết rung chuyển
Lực lượng cứu hộ đang chạy đua để tìm kiếm những người sống sót bị mắc kẹt dưới đống đổ nát ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, khi số người chết đã vượt quá 500 người.
Khoảng 4h (giờ địa phương) rạng sáng 6/2, một vụ động đất mạnh 7,8 độ richter đã làm rung chuyển cả một vùng đất ở phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Đài CNN, hơn 500 người đã thiệt mạng ở 2 quốc gia Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây được đánh giá là một trong những trận động đất mạnh nhất trong hơn 100 năm xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, gây rung chuyển khắp khu vực, làm sập các tòa nhà và buộc nhiều người dân phải tháo chạy ra đường.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, ít nhất 284 người thiệt mạng và hơn 2.300 người bị thương, theo Phó Tổng thống Fuat Oktay. Tại nước láng giềng Syria, ít nhất 237 người chết và hơn 630 người bị thương, hãng thông tấn nhà nước Syria SANA dẫn lời một quan chức Bộ Y tế. Các trường hợp tử vong được báo cáo ở Aleppo, Latakia, Hama và Tartus. Vì vậy, con số người tử vong đã vượt qua 500 người, tính ở 2 quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Hiện trường tang thương
Mối lo ngại ngày càng tăng khi vẫn còn nhiều người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Hàng nghìn nhân viên cứu hộ đang nỗ lực chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người sống sót trong các tòa nhà bị phá hủy.
Số người chết trên toàn khu vực bị ảnh hưởng dự kiến sẽ tăng lên khi các đội cứu hộ làm việc suốt cả ngày để tìm kiếm những người bị mắc kẹt dưới các tòa nhà bị sập.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết: "Các đội tìm kiếm và cứu hộ đã ngay lập tức được điều động tới các khu vực bị trận động đất tàn phá.
"Hy vọng rằng chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua thảm họa này càng sớm càng tốt và ít thiệt hại nhất", Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu bày tỏ, đồng thời kêu gọi mọi người không vào các tòa nhà bị hư hại để tìm người thân. "Ưu tiên của chúng tôi là đưa những người bị mắc kẹt dưới các tòa nhà đổ nát ra ngoài và nhanh chóng đưa họ đến bệnh viện", ông nói.
Ít nhất 1.000 nhân viên cứu hộ đã được triển khai đến hiện trường giải cứu người bị nạn.
Hình ảnh được đăng tải trên đài truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy lực lượng cứu hộ đào bới đống đổ nát của các tòa nhà bị san phẳng ở thành phố Kahramanmaras và vùng lân cận Gaziantep, nơi toàn bộ các công trình bị phá hủy.
Các tòa nhà cũng đổ sập ở các thành phố Adiyaman, Malatya và Diyarbakir. Các phóng viên AFP cũng nhìn thấy dòng người hoảng loạn lao ra đường.
Thống đốc tỉnh Kahramanmaras, ông Omer Faruk Coskun, cho biết còn quá sớm để ước tính số người chết vì quá nhiều tòa nhà bị phá hủy. "Không thể đưa ra con số người tử vong và bị thương vào lúc này vì rất nhiều tòa nhà đã bị phá hủy", Coskun nói. "Thiệt hại là nghiêm trọng".
Một nhà thờ Hồi giáo nổi tiếng có từ thế kỷ 13 đã bị sập một phần ở tỉnh Maltaya, nơi một tòa nhà 14 tầng với 28 căn hộ cũng bị sập.
Ở các thành phố khác, lực lượng cứu hộ đang nỗ lực để tiếp cận những người sống sót bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. "Chúng tôi nghe thấy tiếng kêu cứu ở đây, và ở đằng kia nữa", một nhân viên cứu hộ nói trên kênh truyền hình NTV trước một tòa nhà bị san phẳng ở thành phố Diyarbakir. "Có thể có 200 người dưới đống đổ nát".
Hình ảnh từ Diyarbakir cho thấy hàng trăm nhân viên cứu hộ và dân thường xếp hàng ngang qua những đống đổ nát khổng lồ. Họ chuyền những mảnh bê tông và vật dụng gia đình ra chỗ khác để tìm kiếm những người sống sót.
Lời kể của nhân chứng
Tại thị trấn Gaziantep, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, cách biên giới với Syria khoảng 241km và cách tâm chấn trận động đất ở tỉnh Kahramanmaraş khoảng 80km, vài giờ sau đó, người dân đã cảm nhận được dư chấn vài giờ sau đó.
Ông Sinan nói thêm: “Tôi đã ở Istanbul khi trận động đất lớn xảy ra vào năm 1999, trận này còn nghiêm trọng hơn thế”. Sinan bật khóc khi một cơn dư chấn khác ập đến.
Một vài video và hành ảnh được đăng tải trên tờ tin tức Milliyet của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy trận động đất ảnh hưởng như thế nào đối với tòa lâu đài lịch sử của thành phố Gaziantep, một cấu trúc bằng đá cổ kính và hùng vĩ nằm trên đỉnh một ngọn đồi được sử dụng làm điểm quan sát trong thời La Mã.
Cơ quan quản lý thiên tai của Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) cho biết có ít ít nhất 66 cơn dư chấn đã xảy ra sau trận động đất.
Trên các phương tiện truyền thông và cả mạng xã hội, tràn ngập video và hình ảnh hiện trường tang thương, đổ nát. Một video được quay ở thành phố Azaz (Syria) cho thấy một người cứu hộ đang chạy với một đứa trẻ bị thương trên tay, trong khi một video khác cho thấy sự sụp đổ hoàn toàn của một tòa nhà ở Sanlıurfa, Thổ Nhĩ Kỳ.
Ở Syria, tại một thị trấn biên giới Azaz, một phóng viên AFP nhìn thấy lực lượng cứu hộ kéo những người sống sót cũng như 5 thi thể ra khỏi đống đổ nát của một tòa nhà 3 tầng đã đổ sập hoàn toàn.
Các nhân viên cứu hộ và người dân sử dụng đèn pin để tìm kiếm trong đống kim loại và bê tông vỡ vụn. Mọi người trên đường la hét lo lắng cho những người đang còn mắc kẹt bên trong một tòa nhà chung cư bị lật đổ một phần, đã nghiêng sang một bên và có thể đổ sập bất kỳ lúc nào.
Tại thành phố Adana của Thổ Nhĩ Kỳ, một người dân cho biết 3 tòa nhà gần nhà anh đã bị sập. "Tôi không còn sức nữa", một sinh viên ngành báo chí tên Muhammet Fatih Yavus kể lại lời người sống sót khi anh này nghe thấy tiếng kêu cứu từ bên dưới đống đổ nát.
Nhà báo Eyad Kourdi, sống ở Gaziantep và đang ở với bố mẹ khi trận động đất xảy ra. Anh cho biết: “Khi đó, tôi có cảm giác như nó sẽ không bao giờ kết thúc”.
Khi cơn rung chuyển dừng lại, Kourdi và bố mẹ anh bước ra khỏi nhà, vẫn mặc bộ đồ ngủ.
Với lớp tuyết dày vài cm trên mặt đất, họ đứng đợi ngoài mưa khoảng 30 phút trước khi Kourdi có thể quay vào trong để lấy áo khoác và ủng.
Kourdi cho biết đã có tới 8 cơn dư chấn “rất mạnh” trong vòng chưa đầy một phút sau khi trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra, khiến đồ đạc trong nhà anh rơi xuống đất. Anh cho biết nhiều người hàng xóm của mình đã rời bỏ nhà cửa sau trận động đất.
Trận động đất hiếm thấy trong lịch sử
Theo USGS, trận động đất này được cho là trận mạnh nhất tấn công Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1939. Năm đó, một trận động đất có cường độ tương tự đã giết chết 30.000 người.
Các trận động đất có cường độ như thế này thường rất hiếm, trung bình có ít hơn 5 trận xảy ra mỗi năm ở bất cứ đâu trên thế giới. 7 trận động đất có cường độ 7,0 độ richter trở lên đã tấn công Thổ Nhĩ Kỳ trong 25 năm qua – nhưng trận hôm 6/2 là mạnh nhất.
Karl Lang, trợ lý giáo sư tại Trường Khoa học Trái đất và Khí quyển của Đại học Công nghệ Georgia, nói với CNN rằng khu vực bị trận động đất hôm 6/2 tấn công là nơi rất dễ xảy ra hoạt động địa chấn.
“Đó là một vùng đứt gãy rất lớn, nhưng đây là trận động đất lớn hơn bất kỳ lần nào họ từng trải qua trong những năm gần đây”, ông Lang nói.
Theo các nhà khí tượng học của CNN, một cơn bão mùa đông xảy ra ở khu vực đang làm trầm trọng thêm thảm họa.
Nguồn CNN, Daily Mail