Lợi 'kép' từ điện mặt trời mái nhà
Chiều 23/11, tại TP Hồ Chí Minh, tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp với Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (HBA) tổ chức hội thảo 'Giải pháp cho điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp và thương mại tại Việt Nam'.
Đến dự có hơn 100 đối tác chính của GIZ trong lĩnh vực điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) và hơn 80 doanh nghiệp (DN) thuộc khối thương mại – công nghiệp (TM-CN), cùng với đại diện các Tổng Công ty Điện lực, các Trường Cao đẳng dạy nghề, các nhà đầu tư, nhà phát triển dự án…
Hội thảo giới thiệu tài liệu hướng dẫn đầu tư hệ thống ĐMTMN khu vực TM-CN tại Việt Nam do GIZ xây dựng và trao đổi những cơ hội đầu tư ĐMTMN cho khu vực này. Ra mắt vào tháng 10/2020, tài liệu “Hướng dẫn đầu tư hệ thống ĐMTMN khu vực TM-CN tại Việt Nam” mô tả 8 bước quan trọng của quá trình phát triển dự án ĐMTMN (Tính khả thi; Tổng quan về ký hợp đồng; Huy động vốn; Các loại giấy phép; Mua sắm, xây dựng và lắp đặt; Vận hành thử và đấu nối lưới điện; Vận hành và bảo trì; Kết thúc dự án).
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Thiên Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HBA, nhấn mạnh: “Các DN thuộc các Khu chế xuất - Khu công nghiệp và Khu công nghệ cao (KCX – KCN - KCNC) tại TP Hồ Chí Minh đang quan tâm đến ĐMTMN sau khi thấy được sự phát triển ấn tượng của thị trường này trong hơn một năm trở lại đây. Chương trình phát triển ĐMTMN và năng lượng tái tạo HBA được thành lập và triển khai từ tháng 10/2019 với mục đích hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam về đẩy mạnh việc sử dụng ĐMTMN tại các KCX – KCN - KCNC, nhằm tiết kiệm điện, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm tiêu thụ nguồn tài nguyên thiên nhiên và góp phần bảo vệ môi trường. Đặc biệt chúng tôi đánh giá cao GIZ xuất bản tài liệu hướng dẫn đầu tư ĐMTMN và tin tưởng rằng đây là một tài liệu giá trị, đáng tin cậy cho các DN tham khảo khi có ý định đầu tư vào ĐMTMN, hoặc đang triển khai mô hình này”.
Ông Sven Ernedal - Giám đốc Dự án Năng lượng Tái tạo và Hiệu quả Năng lượng (4E), Chương trình Hệ năng lượng GIZ (ESP) chia sẻ: “Với sự hợp tác thành công giữa GIZ với HBA, chúng tôi hy vọng đóng góp vào sự phát triển của điện mặt trời, đưa điện mặt trời trở thành một nguồn năng lượng đáng tin cậy, giá cả phải chăng và bền vững cho khối TM-CN tại Việt Nam. Chúng tôi mong muốn mở rộng hợp tác với HBA trong tương lai trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng nói chung và ĐMTMN khu TM-CN nói riêng”.
Còn theo Tiến sỹ Sebastian Paust, Tham tán thứ nhất và Vụ trưởng Vụ Hợp tác phát triển Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, nước Đức rất giàu kinh nghiệm trong việc phát triển năng lượng mặt trời với những công nghệ và bí quyết hàng đầu về ĐMTMN. Hơn 1,5 triệu hệ thống ĐMTMN đã được lắp đặt trên các mái nhà tại Đức trong 10 năm qua, cung cấp năng lượng sạch và đáng tin cậy cho hàng triệu nhà máy, siêu thị, tòa nhà công cộng và hộ gia đình. Với cuốn sổ tay hướng dẫn dành cho các nhà đầu tư và đơn vị phát triển dự án ĐMTMN, Đức muốn giúp Việt Nam trở thành nước dẫn đầu về ĐMTMN.
Bà Vũ Chi Mai – Trưởng hợp phần năng lượng tái tạo dự án năng lượng tái tạo và 4E GIZ, cho biết Đức phát triển ĐMTMN khoảng 15 năm qua, bên cạnh là Ấn Độ và Trung Quốc cũng phát triển năng lượng này. Các nước này cũng dành nhiều thời gian, kinh phí đầu tư nghiên cứu làm thế nào xử lý rác thải từ điện mặt trời và có kết quả tốt. Vì vậy Việt Nam là nước đi sau, có thể tận dụng những kinh nghiệm của họ để áp dụng. Đối với điện mặt trời và điện gió có vòng đời từ 20-25 năm, nếu bây giờ chúng ta bắt đầu xây dựng những chính sách để khi các chủ đầu tư hoàn công thì trách nhiệm của chủ đầu tư hoặc đơn vị cung cấp thiết bị phải có trách nhiệm trong 25 năm tới như thế nào vấn đề môi trường sẽ được giải quyết. Hiện nay trong vòng tính của chi phí đầu tư dự án đã tính đến chi phí xử lý phần rác thải. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý Nhà nước cần theo dõi chặt chẽ để 20 năm sau chủ đầu tư phải thực hiện việc xử lý tốt môi trường.
Cũng theo bà Mai, mỗi công trình ĐMTMN có tổng công suất lắp đặt dưới 1mKp, thì sẽ hưởng những thủ tục hành chính đơn giản so với các dự án quy mô lớn. Điện mặt trời thường thấy xuất hiện ở các hộ dân, các KCN, thương mại, là những nơi dùng điện rất nhiều. Mục đích đầu tiên Nhà nước khuyến khích tự sản xuất và tự tiêu thụ. Khi đó điện không phải truyền lên lưới quốc gia nên sẽ giảm gánh nặng cho lưới điện rất nhiều. Tiếp theo điện mái nhà phát công suất đỉnh từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều/ngày, là giờ cao điểm sử dụng điện. Giờ này khi sản xuất ĐMTMN, người dân có thể vừa sử dụng vừa bán lại lượng điện dư, dẫn đến chi phí tiền điện của gia đình hạ xuống. Hiện nay giá đầu tư trung bình 1 kWp là 14 triệu đồng, diện tích mái nhà 100m2, đầu tư khoảng 70 triệu đồng. Nếu 1 hộ dân trước kia dùng mỗi thàng khoảng 1,5 triệu đồng tiền điện, thì khi có ĐMTMN chỉ còn 500-700 nghìn đồng/tháng, ngoài ra còn thu thêm tiền bán điện lên lưới, như vậy sẽ không tốn tiền điện và chỉ sau 5-6 năm sẽ thu hồi lại vốn đầu tư.
Còn theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, đến đầu tháng 11/2020, tại TP có hơn 11.200 công trình ĐMTMN nối lưới điện quốc gia, tổng công suất trên 192 MWp, tổng công suất điện phát lên lưới điện quốc gia trong 10 tháng đầu năm 2020 đạt gần 52 triệu kWh. Trước những lợi ích kinh tế, trong 3 năm trở lại đây nhiều trụ sở Nhà nước tại TP Hồ Chí Minh đã lắp đặt ĐMTMN trên nóc nhà và làm lợi nhiều trăm tỷ đồng. Do đó Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã đề xuất và được UBND TP Hồ Chí Minh thuận chủ trương lắp đặt hệ thống ĐMTMN trên nóc các trụ sở hành chính trên địa bàn TP với tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/loi-kep-tu-dien-mat-troi-mai-nha-402550.html