Lời 'kêu cứu' của người bố trẻ bị cản trở quyền thăm nuôi con
Hôn nhân đổ vỡ khiến anh cô độc và đau khổ, điều duy nhất an ủi anh là được gặp gỡ, vui đùa cùng con gái nhỏ sau những giờ làm mệt mỏi. Thế nhưng giờ đây, với anh việc gặp con lại trở nên quá đỗi khó khăn do bị vợ cũ ngăn cấm, miệt thị, xua đuổi, thậm chí bị tạt cả nước bẩn vào người.
Anh Nguyễn Thành Tuấn trình bày, anh và chị K.Ch kết hôn năm 2013, có một con chung là bé N.P.L, sinh ngày 12/08/2014. Do mâu thuẫn vợ chồng, hai người sống ly thân từ đầu năm 2018. Theo quyết định của TAND TX Bến Cát (tỉnh Bình Dương), Tòa giải quyết cho hai người được ly hôn, anh Tuấn được giao quyền nuôi con chung là bé L.
Nhưng vì thương con gái bé bỏng, nghĩ con muốn được gần mẹ nên anh đã đồng ý cho con gái về sống với mẹ. Anh cứ nghĩ đơn giản rằng tình yêu thương đối với con thì cha mẹ nào cũng dạt dào, sâu nặng như nhau, ai chả mong muốn con mình được hưởng tình cảm của cả cha lẫn mẹ. Nhưng sự đời không như anh nghĩ. Thực tế anh đã bị vợ cũ tìm nhiều cách cản trở thăm gặp con gái và không cho cháu về thăm gia đình nhà nội ở Bình Dương; thậm chí anh còn bị vu khống, bôi nhọ bằng những hình ảnh xấu xa để con gái anh sợ hãi, xa lánh bố.
Anh Tuấn cho biết, trước kia vợ chồng anh sống với nhau tại căn hộ ở phường 12, quận 5, TP HCM. Từ khi ly thân rồi ly hôn cho đến nay, chị Ch. đưa bé L. về sống cùng ông bà ngoại tại phường 11, quận 6, TP HCM. Từ đó mỗi lần anh đến thăm gặp, chăm sóc con đều gặp khó khăn, cản trở.
Quá bức xúc, anh đã gửi đơn đến chính quyền mong được can thiệp, giúp đỡ để anh được thực hiện quyền thăm nuôi con mình. Anh cũng đã đến Văn phòng Thừa phát lại yêu cầu lập vi bằng để làm chứng cứ. Tại Vi bằng số 7550/2018/VB-TPLQ5 do Văn phòng Thừa phát lại quận 5 (TP HCM) lập ngày 7/8/2018 đã thể hiện rõ việc gia đình chị Ch. cản trở anh Tuấn đi lại thăm nom con.
Trước những hành động không chỉ vi phạm quy định của Luật Hôn nhân gia đình về quyền tự do thăm nuôi con sau khi ly hôn mà còn có thể làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý của con trẻ của vợ cũ, anh Tuấn đã lập Văn bản đề nghị thỏa thuận về việc được thực hiện quyền tự do thăm nuôi con gửi chị Ch, với những đề nghị chính đáng như: được gặp con tại trường học, được đưa con đi chơi, được đưa con gái về thăm bà nội ở Bình Dương mỗi tháng một lần.
Anh cũng cam kết trước khi gặp con sẽ điện thoại báo trước cho vợ cũ và chịu các chi phí phát sinh. Nếu được vợ cũ đồng ý, anh sẽ đề nghị Tòa án lập thành biên bản hòa giải thành để hai bên thực hiện nghiêm túc thỏa thuận.
Tuy vậy, thiện chí của anh không được hồi đáp. Anh Tuấn cho biết, hiện chị Ch. đã khởi kiện ra TAND TX Bến Cát để giành quyền nuôi con mà bản án ly hôn trước đó Tòa đã giao cho anh được quyền nuôi dưỡng con. Người bố trẻ lo lắng việc bị vợ cũ kiện ra tòa để giành giật quyền được nuôi con gái sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý con mình – trong khi hiện tại người vợ cũ đang được nuôi con và chính anh mới là người bị cản trở chăm sóc con gái.
Theo ý kiến của một chuyên gia tâm lý, không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, nếu con trẻ bị ngăn cản tiếp xúc với cha hoặc mẹ sẽ khiến trẻ gặp khó khăn trong quá trình phát triển nhân cách. Sau khi bố mẹ ly hôn, trẻ cần được đảm bảo quyền lợi được gặp gỡ, tiếp xúc với cả bố và mẹ. Người lớn phải vì mục đích chung là tương lai con trẻ, đặc biệt, người nuôi dưỡng trẻ phải tách biệt hai vấn đề người lớn với nhau và người lớn với con.