Lời khai của chủ tịch Tân Hoàng Minh và con trai tại tòa
Chủ tịch Tân Hoàng Minh cho rằng chưa bao giờ định chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư và đã tích cực khắc phục hậu quả, thậm chí còn nộp thừa hơn 1 tỉ đồng…
Ngày 19-3, TAND TP Hà Nội xét xử bị cáo Đỗ Anh Dũng (chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh), Đỗ Hoàng Việt (phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, con trai bị cáo Dũng) cùng 13 đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cách thức “chạy dòng tiền”
Vụ án này, tòa triệu tập 6.630 bị hại thì có 987 người có mặt. Trong đó, 61 bị hại có mời luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, các luật sư sẽ thực hiện quyền và nghĩa vụ tại phiên tòa.
Ngoài ra, tòa cũng triệu tập 90 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, 20 người trong số này có mặt.
HĐXX yêu cầu cách ly bị cáo Đỗ Anh Dũng trước khi xét hỏi đối với bị cáo Đỗ Hoàng Việt.
Tại tòa, bị cáo Việt thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Liên quan đến việc lấy pháp nhân của ba công ty gồm Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung Điện Mùa Đông để phát hành trái phiếu, bị cáo Việt khai rằng lúc đó doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn nên mới họp bàn lên kế hoạch huy động vốn của nhà đầu tư.
Cụ thể, năm 2021 là lúc dịch bệnh COVID-19, Tân Hoàng Minh gặp khó khăn trong việc huy động vốn, khó khăn về tín dụng, có nhiều khoản nợ đến hạn nhưng không thể vay được tiếp.
Chủ trương huy động vốn là từ chủ tịch Đỗ Anh Dũng đề ra và giao cho Việt lên phương án. Việt đã chỉ đạo cấp dưới lựa chọn công ty phát hành trái phiếu, liên hệ với công ty kiểm toán để kiểm toán đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần đối với báo cáo tài chính.
Theo cáo buộc, toàn bộ chín gói trái phiếu được tạo lập bằng hồ sơ khống. Thực chất không có việc sử dụng tiền trái phiếu để đầu tư như thông tin đã công bố tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Bản chất các công ty ký kết hợp tác đầu tư, kinh doanh với ba công ty phát hành trái phiếu đều là các công ty thuộc Tân Hoàng Minh.
Các bị cáo lập các hợp đồng hợp tác đầu tư “khống” (hợp đồng mua bán cổ phần, hợp tác đầu tư, hợp đồng đặt cọc…) giữa nội bộ các công ty, cá nhân trong tập đoàn để làm phương án phát hành các gói trái phiếu.
Tại phiên tòa, bị cáo Việt cũng thừa nhận hồ sơ được tạo dựng, trên thực tế không có thật vì các dự án chưa đầy đủ về mặt pháp lý. Khi nhóm ba công ty phát hành trái phiếu, Tân Hoàng Minh đã đứng ra mua toàn bộ các lô trái phiếu này nhưng trên thực tế không có đủ tiền để mua.
“Để mua lại gói trái phiếu, Tân Hoàng Minh đã “chạy dòng tiền”, bị cáo nghĩ lúc đó nguồn lực đủ nhưng thực tế lại không’’ - Việt khai.
Bị cáo này cho biết Tân Hoàng Minh chỉ dùng số tiền nhỏ từ khoảng 39-200 tỉ đồng, chuyển lòng vòng qua tài khoản của các cá nhân, công ty để hợp thức hóa việc mua trái phiếu.
Vì thế, các gói trái phiếu Tân Hoàng Minh bán ra cho nhà đầu tư cũng không đảm bảo giá trị. Quá trình bán ra, thu vào trái phiếu, bị cáo có báo cáo chủ tịch Dũng…
Bị cáo nói “nộp thừa hơn 1 tỉ đồng”
Tại tòa, bị cáo Dũng thừa nhận mình là người đưa ra chủ trương phát hành trái phiếu và giao cho con trai là bị cáo Việt phụ trách tài chính tìm nguồn vốn để duy trì hoạt động kinh doanh, đầu tư của tập đoàn thông qua việc phát hành trái phiếu riêng lẻ để huy động vốn.
Ông Dũng khai việc giao cho Việt phát hành trái phiếu là chủ trương chung, bị cáo không nắm được các chi tiết xem việc phát hành trái phiếu đó có phải là phương án tạo dựng, hợp thức hóa hay không.
Tuy nhiên, chủ tịch Tân Hoàng Minh thừa nhận: “Tôi là người điều hành cao nhất, tôi có trách nhiệm đối với những sai phạm. Tôi tôn trọng bản kết luận điều tra và cáo trạng”.
Các phương án phát hành trái phiếu có sai. Về việc sử dụng tiền từ việc phát hành trái phiếu, ông Dũng khai không nắm được chi tiết nhưng thừa nhận đa phần số tiền đó đều được sử dụng không đúng mục đích phát hành trái phiếu.
“Ngay từ khi phát hành trái phiếu, thâm tâm bị cáo chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. Bị cáo chỉ muốn huy động tiền để kinh doanh, đầu tư, thanh toán các khoản nợ” - bị cáo Dũng nói.
Sau khi bị bắt tạm giam, cơ quan điều tra đã giải thích về những sai phạm của bị cáo, bị cáo đã nhận thức được nên đã viết đơn đề nghị được khắc phục tối đa hậu quả.
Sau khi bị khởi tố, bắt giam, bị cáo chỉ được gặp gia đình hai lần nhưng đã rất tích cực nhờ gia đình khắc phục hậu quả vụ án. Trong hơn một năm, bị cáo đã tìm mọi cách và đến nay đã khắc phục được toàn bộ hậu quả vụ án, thậm chí còn nộp thừa hơn 1 tỉ đồng. Số tiền đó đủ để trả cho các bị hại.
Nguồn PLO: https://plo.vn/loi-khai-cua-chu-tich-tan-hoang-minh-va-con-trai-tai-toa-post781238.html