Lời khẩn cầu của doanh nghiệp về sự 'thiếu cảm thông' của cơ quan quản lý
Những lo ngại về cách ứng xử mà doanh nghiệp gọi là 'không nhất quán', 'thiếu hỗ trợ và thiếu cảm thông' của một số cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp đã được gửi Thủ tướng.
Trong công văn đầu tiên vừa gửi tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã đặt lên hàng ưu tiên những lo ngại về cách ứng xử mà doanh nghiệp gọi là “không nhất quán”, “thiếu hỗ trợ và thiếu cảm thông” của một số cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
Vấn đề không chỉ còn là khoảng cách giữa cơ chế, chính sách và thực thi, mà còn là tư duy giữa thái độ của các cơ quan quản lý nhà nước với nỗ lực khởi nghiệp, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số của doanh nghiệp.
Vụ việc của Công ty cổ phần Phát triển nguồn mở Việt Nam (VINADES) với dauthau.info - một sản phẩm được cả giới chuyên môn và thị trường đánh giá cao, là sản phẩm đoạt giải Sao Khuê 2021 - được nhắc đến như một điển hình.
Chuyện là, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ trong công cuộc chuyển đổi số và khởi nghiệp sáng tạo, VINADES đã tiên phong trong việc đưa các giải pháp khai thác dữ liệu công khai, dữ liệu mở của Chính phủ vào ứng dụng chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Một trong các sản phẩm đó là phần mềm dauthau.info, được ra mắt vào năm 2018. Đây là phần mềm tổng hợp thông tin thầu, là một sản phẩm thuộc start-up Hệ sinh thái đấu thầu do VINADES ươm mầm.
Tuy nhiên, trong Công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban IV cho biết, đến thời điểm này, đội ngũ vận hành Hệ sinh thái đấu thầu chưa được duyệt hồ sơ thông báo website thương mại điện tử bán hàng trên hệ thống quản lý của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), cho dù đã làm hồ sơ, chỉnh sửa nhiều lần theo yêu cầu.
Điều đáng nói là, Cục này đã yêu cầu VINADES và đội ngũ vận hành Hệ sinh thái đấu thầu phải có được Giấy phép thiết lập trang tin điện tử tổng hợp (ICP), trong khi theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, dauthau.info không cần giấy phép trên. Giờ thì, Cục đang yêu cầu phải có giấy phép khai thác của Trung tâm Đấu thầu qua mạng Quốc gia (Cục Quản lý Đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong khi dữ liệu đấu thầu là dữ liệu công khai, được khuyến khích phổ biến, tiếp cận và nguồn dữ liệu về thông tin đấu thầu trên hệ thống phần mềm dauthau.info được tổng hợp tự động từ nguồn dữ liệu công khai, hợp pháp, đã được kiểm duyệt...
Hệ quả là, start-up này không thể tiến hành bất cứ các hoạt động tiếp thị và bán hàng nào trong suốt 3 năm qua. Họ đang phải làm thêm rất nhiều thủ tục, giấy tờ để hy vọng thỏa mãn được các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước...
Thông thường, trong các công văn phản ánh khó khăn của doanh nghiệp mà Ban IV thực hiện từ khoảng tháng 8/2020 đến nay theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, rất hiếm khi tên tuổi doanh nghiệp được nhắc đến, chứ chưa nói đến việc dành tới 5 trong tổng số 18 trang của công văn để giải trình cụ thể vụ việc của VINADES. Song lần này, các doanh nhân thuộc Ban IV đã thể hiện rất rõ sự lo ngại vì cho rằng, cách ứng xử này đang đặt giới kinh doanh, giới khởi nghiệp sáng tạo vào trạng thái lo âu vì các án phạt lơ lửng trên đầu. Khó ai có thể an tâm đổi mới - sáng tạo trong tâm thế này, chứ chưa nói đến các hoạt động đầu tư thực sự bài bản, chuyên nghiệp vào quá trình chuyển đổi số.
Các doanh nhân càng sốt ruột khi cơ chế sandbox đã được đưa ra, nhưng gần như chưa được hiện thực hóa, trong khi các mô hình hỗ trợ start-up như của Singapore, Hàn Quốc... đang quá hấp dẫn giới khởi nghiệp Việt Nam. Họ lo sẽ không giữ chân được đội ngũ start-up đang lớn nhanh của Việt Nam.
Đây không phải lần đầu, những lo ngại như vậy được gửi tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước. Cũng có nghĩa, các doanh nghiệp chưa nhìn thấy những thay đổi đáng kể từ khu vực quản lý nhà nước. Nếu vậy, câu hỏi đặt ra là ai sẽ cùng với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số, thực hiện mục tiêu Chính phủ số, xã hội số và doanh nghiệp số để tận dụng tối đa cơ hội của cuộc cách mạng 4.0 trong quá trình phát triển tới đây?