Lời khuyên của Chủ tịch LĐBĐ Nhật Bản và chuyện xà ngang bung ở sân Mỹ Đình
Nếu chỉ rút kinh nghiệm thì sân vận động quốc gia Mỹ Đình sẽ dễ tái diễn cảnh xà ngang bung, khu kỹ thuật đổ.
Trong bóng đá, phần lớn người hâm mộ sẽ quan tâm đến các trận đấu của đội tuyển. Nhưng đằng sau một đội bóng thành công thì có nhiều công việc quan trọng phải làm, không chỉ đơn giản chuyện của cầu thủ và HLV quyết định thành bại.
Hồi đá vòng loại thứ ba World Cup 2022, người hâm mộ Việt Nam có lẽ đọc được những thông tin như tuyển Nhật Bản sang Việt Nam với 9 tấn hành lý, 104 người dù chỉ có 25 cầu thủ.
CLB Dortmund sang Việt Nam với 123 thành viên để đá giao hữu với thầy trò HLV Park Hang Seo. Đội bóng của Đức cử người đi kiểm tra mặt sân liệu có đảm bảo chất lượng để thi đấu, góp ý cho quản lý sân Mỹ Đình về việc đặt hàng rào để người hâm mộ giao lưu cùng cầu thủ. Lý do sân xấu thì cầu thủ có nguy cơ chấn thương cao nên cần đánh giá để phòng ngừa.
Hai ví dụ kể trên để thấy sự chuẩn bị của các đội bóng lớn rất tỉ mỉ, kỹ lưỡng và nghiêm túc nhất, kể cả đá giao hữu. Chuyện thành bại của một đội bóng không chỉ do các cầu thủ mà vấn đề hậu cần đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nhìn xa hơn, sự thành công của đội bóng là một quá trình chuẩn bị tốt nhất không chỉ về chuyên môn, mà bao gồm nhiều vấn đề khác từ sân bãi đến thời tiết, đồ ăn, nơi ở…
Năm ngoái, chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nhật Bản Kozo Takashima chia sẻ về kinh nghiệm phát triển bóng đá khi đến Việt Nam. Ông nói rằng: “Bóng đá không có phép màu và điều kỳ diệu nào cả. Không có nền bóng đá nào có thể nhanh chóng phát triển và tạo ra sự đột biến nếu không có nền tảng tốt. Chắc chắn là không có điều kỳ diệu nào đâu.
Chúng ta luôn phải tập trung vào 3 nền tảng chính: Đào tạo cầu thủ trẻ, bồi dưỡng cho các HLV và cơ sở vật chất”.
Hãy nhìn từ lời khuyên kể trên đến màn trình diễn của Nhật Bản ở World Cup 2022, có thể thấy chuẩn bị rất tốt về mọi mặt để tạo ra thành công chứ không phải chờ may mắn và phép màu. Các cầu thủ Nhật Bản không chỉ giỏi về chuyên môn mà nền tảng thể lực sung mãn, tinh thần chiến đấu mạnh mẽ.
Người Nhật tỉ mỉ gìn giữ hình ảnh từ khán đài đến phòng thay đồ. Sau mỗi trận đấu, cổ động viên Nhật Bản dọn sạch rác rồi ra về. Các cầu thủ Nhật Bản dọn sạch sẽ phòng thay đồ, thậm chí còn xếp những chú hạc giấy để lại như một món quà cho các nhân viên ở sân.
Câu chuyện của Nhật Bản ở World Cup 2022 cho thấy được ý thức rất cao trong việc gìn giữ và quảng bá hình ảnh con người Nhật Bản ra thế giới. Họ biết tạo ra những chất liệu đẹp không chỉ trên sân bóng mà còn từ khán đài, phòng thay đồ.
Bóng đá Việt Nam đang có giấc mơ World Cup sau những thành công ấn tượng thời HLV Park Hang Seo. Một điều ý nghĩa là ông Park rất ý thức trong việc gìn giữ hình ảnh tuyển Việt Nam dù chỉ đá giao hữu với CLB Dortmund. Đó là một quan điểm đúng để tạo ra ý thức cho cầu thủ Việt Nam.
Tuy nhiên, vế còn lại là cơ sở vật chất, tức sân Mỹ Đình. Câu chuyện đáng buồn khi xảy ra cảnh xà ngang bung, khu kỹ thuật đổ, phòng vệ sinh, cầu thang bẩn do không lau chùi… Tất cả để lại hình ảnh không đẹp về bóng đá Việt Nam trong mắt người hâm mộ và bạn bè quốc tế.
Sự tương phản dễ thấy: Cầu thủ Việt Nam ra sân với tinh thần gìn giữ hình ảnh đội tuyển quốc gia bằng chiến thắng ngược trước Dortmund, sân Mỹ Đình làm lu mờ và tạo ra câu chuyện không đẹp cho bóng đá Việt Nam với những sự cố đáng chê.
Chưa bàn đến chuyện sân Mỹ Đình được cấp nhiều tiền để sửa chữa trước SEA Games 31 mà bây giờ gặp sự cố, người hâm mộ Việt Nam dễ dàng nhìn thấy sự chuẩn bị chưa tốt. HLV Park cũng nói nếu chuẩn bị tốt thì hạn chế được sự cố ngoài ý muốn.
Nhìn về quá khứ, sân Mỹ Đình thường tạo ra tranh luận cho người hâm mộ. Truyền thông Úc chê mặt sân giống “bãi chăn bò” đến AFC đánh giá xuống cấp, hay các lùm xùm về quản lý liên quan đến tài chính…
Mọi thứ cho thấy rằng, câu chuyện về sân Mỹ Đình không chỉ đơn giản là rút kinh nghiệm, vặn thêm ốc vít để không bung xà ngang, hay sắm cabin mới cho khu kỹ thuật. Câu chuyện sâu xa phải nói về quản lý, trách nhiệm của những người điều hành ở sân Mỹ Đình. Liệu có đủ năng lực quản lý và làm tốt công việc ở sân Mỹ Đình hay không?
Nên nhớ, một sân vận động bao gồm rất nhiều công việc từ các phòng chức năng đến chăm sóc mặt sân, sự chuẩn bị trước mỗi trận đấu… Do đó, sân Mỹ Đình cần người có chuyên môn giỏi về quản lý bóng đá, am hiểu tường tận về các vấn đề liên quan đến sân bãi và tổ chức để vận hành. Một người giỏi sẽ giúp cho sân Mỹ Đình giảm thiểu sai sót, đặc biệt ít hao tốn nhất về tiền bạc trong việc chăm sóc, tu sửa và nâng cấp sân. Ngược lại, sự quản lý chưa tốt sẽ ảnh hưởng nhiều thứ từ sự cố đến cơ sở vật chất mau xuống cấp.
Bóng đá Việt Nam muốn đi World Cup thì cần sự đồng bộ về nhiều mặt để cùng tiến lên, giống như chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nhật khuyên thì “đào tạo cầu thủ trẻ, bồi dưỡng cho các HLV và cơ sở vật chất”.