Lỗi lầm khó chuộc
Trong chiếc áo khoác màu xanh rêu bạc thếch, mái tóc đã điểm sương, người phụ nữ không dám ngước mắt lên xem lại clip quay cảnh mình hành hạ mẹ già. Cả phòng xử tại TAND huyện Cần Đước, tỉnh Long An lúc ấy cũng lặng đi.
Trong đoạn clip, người phụ nữ này vừa quét dọn vừa chửi bới, lấy chổi đánh liên tiếp vào mặt, vào đầu mẹ già, dùng ky hốt rác xúc chất bẩn dưới nền đổ lên đầu, lên mặt cụ. Bà cụ ốm nhom, còng queo không còn sức chống cự, chỉ biết đưa tay ôm đầu, chịu đựng những trận đòn…
Khi clip này lan truyền trên mạng xã hội, biết bao người phẫn nộ. Danh tánh người đàn bà “máu lạnh” là Nguyễn Thị H., 56 tuổi, nhanh chóng được tìm ra. Còn bà cụ là mẹ ruột của bà H., 80 tuổi, đã qua đời. Bà H. bị xét xử về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình, theo Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015, lãnh mức án 4 năm tù.
Với sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội, những vụ việc chấn động lương tri, làm lung lay nghĩa tình mẫu tử, phụ tử dường như được phơi bày nhiều hơn, trần trụi hơn trước mắt công chúng. Hổ dữ cũng không ăn thịt con. Nhưng người mẹ 29 tuổi ở Hà Nội mới đây đã bị TAND TP Hà Nội tuyên án chung thân vì cùng với chồng hành hạ đứa con riêng 3 tuổi của mình đến chết.
Đọc bản án, vị chủ tọa phiên tòa nhiều lần nhấn mạnh, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo là mất tính người, vô cùng tàn nhẫn. Đứa bé 3 tuổi bỏ mạng dưới đòn roi hành hạ của chính mẹ mình và cha dượng… Ở TPHCM, trong tháng 11-2020, Công an quận 12 tạm giữ D. (26 tuổi) để điều tra hành vi bạo hành con gái ruột hơn 3 tuổi, dẫn đến cháu bị chấn thương sọ não.
Có những lỗi lầm khó lòng chuộc lại. Những giọt nước mắt, gương mặt cúi gằm, những lời ăn năn giờ đây đã muộn. Cha mẹ mang con đến với thế giới này thì có nghĩa vụ phải thương yêu dưỡng dục. Con cái thì có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình. Những điều này đã được quy định rõ trong Luật Hôn nhân gia đình và cũng là điều căn bản, gốc rễ của đạo đức con người mà chúng ta phải luôn gìn giữ…
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/loi-lam-kho-chuoc-702054.html