Lời nhắn nhủ cuối cùng của nhà tình báo Lev Manevich

Thời trẻ, ông đã gặp lãnh tụ của giai cấp vô sản Vladimir Lenin ở Thụy Sĩ, còn trong suốt cả cuộc chiến tranh, ông đã thu thập các bản vẽ và thông tin mật ở châu Âu. Ngay trước khi qua đời, Anh hùng Liên Xô, nhà tình báo Lev Manevich đã cứu sống 16.000 tù nhân ở trại tập trung Ebensee.

Ông sinh năm 1898 tại thành phố nhỏ Chausy thuộc tỉnh Mogilyov của Belarus trong gia đình luật sư người Do Thái Efim Manevich. Năm lên 7 tuổi, mẹ qua đời, và chẳng bao lâu Lev được gửi đến Zurich với anh trai Yakov và học tại Trường Cao đẳng Bách khoa Zurich. Năm 1905, Yakov bị đày đi lao động khổ sai vì tham gia phong trào cách mạng, nhưng đã trốn ra nước ngoài và định cư ở Thụy Sĩ.

Tại Zurich, Lev Manevich bắt đầu học tiếng Đức và sau vài tháng, ông đã có thể giao tiếp bằng tiếng Đức với các giáo viên và bạn cùng lớp. Sau đó, ông chuyển sang học tiếng Pháp và tiếng Ý. Lev chỉ học các ngôn ngữ quốc gia của đất nước nơi ông sống và không ngờ rằng chính những kiến thức này sẽ quyết định sự nghiệp tình báo của ông.

Nhà tình báo Lev Manevich.

Nhà tình báo Lev Manevich.

Cùng với học ngoại ngữ ở Thụy Sĩ, Lev Manevich đã tiếp thu các quan điểm cách mạng của anh trai mình, người vẫn giữ liên lạc với những người Bolshevik từ nước ngoài. Năm 1916, Lev và Yakov thường đến nghe Vladimir Lenin diễn thuyết tại các cuộc họp của chi bộ đảng, khi Người sống ở Zurich. Không có gì ngạc nhiên là hai anh em nhà Manevich ngay lập tức trở về Nga khi nghe tin cuộc Cách mạng tháng Hai xảy ra. Cả hai đều háo hức xây dựng một tương lai cách mạng mới. Ngày 20/6/1917, hai anh em Manevich trở về Tổ quốc. Vừa đặt chân đến nước Nga, Lev Manevich tình nguyện gia nhập Hồng quân.

Tuy nhiên, mùa xuân năm 1920, ông phải rời mặt trận. Ngành tình báo quân sự Liên Xô vừa ra đời, rất thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn. Cần những người biết ngoại ngữ và am hiểu cuộc sống ở nước ngoài. Trước hết, họ là những kiều dân yêu nước trở về tổ quốc sau cuộc cách mạng. Vì vậy, ban lãnh đạo đảng đã cử Lev Manevich đến Moscow, nơi ông tốt nghiệp Học viện Quân sự Hồng quân và phục vụ tại Tổng cục Tình báo thuộc Bộ Tổng tham mưu của Hồng quân Liên Xô.

Thủ trưởng trực tiếp của Lev Manevich là Yan Berzin, “cha đẻ” của ngành tình báo quân đội Liên Xô. Ngay từ cuối những năm 1920, ông đã dự báo Thế chiến thứ hai sẽ xảy ra dựa trên thông tin tình báo thu thập được. Berzin thậm chí còn xuất bản một cuốn sách, nơi ông viết rằng chiến tranh có thể nổ ra trong thập kỷ tới mà không được tuyên bố trước và sẽ trở thành cuộc “chiến tranh động cơ”. Vì vậy, nhiệm vụ ưu tiên của các nhân viên tình báo Liên Xô là thu thập thông tin về các công nghệ quân sự tiên tiến nhất.

Lenin diễn thuyết ở Zurich.

Lenin diễn thuyết ở Zurich.

Học vấn kỹ thuật của Lev Manevich trở nên rất hữu ích, vì vậy, năm 1925, ông được cử sang Đức hai năm. Chuyến đi này giống như một đợt "thực tập tốt nghiệp", nơi nhà tình báo phải trau dồi kỹ năng của mình. Nhiệm vụ chính ông phải thực hiện là thiết lập các mối quan hệ và làm quen với những người có liên quan đến ngành công nghiệp quân sự. Dự kiến, sau đó Lev Manevich sẽ được cử sang Mỹ để hoạt động ngoại giao, và dưới vỏ bọc này, ông sẽ thu thập thông tin.

Để thực hiện điều đó, năm 1927, Lev Manevich trở lại Liên Xô và nhận được lời đề nghị bất ngờ của Yan Berzin: trở thành nhân viên tình báo mật ở châu Âu. Dù đây được coi là lời “đề nghị”, chứ không phải mệnh lệnh, nhưng Manevich hiểu rằng việc từ chối chẳng khác nào bản án tử hình. Đầu tiên, ông được cử đi học lái máy bay, còn sau đó đến Vienna dưới vỏ bọc của doanh nhân người Áo Konrad Kortner. Tuy nhiên, trong lưới tình báo, ông mang mật danh Étienne.

Thời gian đó, Lev Manevich đã có gia đình: năm 1921, ông kết hôn, và một năm sau, con gái Tatyana chào đời. Viễn cảnh chuyến đi mới và một cuộc chia tay dài tiếp theo khiến vợ ông rất buồn, và nhà tình báo đã đề nghị Yan Berzin cho phép vợ con ông đi cùng. Berzin hiểu rõ những rủi ro có thể xảy ra, nhưng miễn cưỡng đồng ý. Sau này cả hai đều thừa nhận quyết định này là sai lầm. Bà Nadezhda, vợ của Manevich, tới Vienna bằng hộ chiếu mang tên công dân Phần Lan Maria Westerholm, còn con gái Tatyana đổi tên thành Aino.

Rắc rối xảy ra ngay lập tức: cô con gái được bố dạy nói tiếng Đức từ khi còn nhỏ, suýt làm lộ bí mật của bố mẹ ngay tại nhà ga. Aino bắt đầu hỏi tại sao món súp được đựng trong bát, chứ không phải trong đĩa và tại sao người ta lại cho quả trứng vào đó. Ông bố ngay lập tức bảo con nói nhỏ và cố gắng đừng tỏ ra ngạc nhiên. Ít lâu sau, cô bé lại làm cho bố mẹ sợ mất hồn khi trên hành lang khách sạn, cô hát một bài hát bằng tiếng Nga về quân đội Liên Xô.

Kết quả là cô bé Tanya (tên thân mật của Tatyana) đã vô tình gây ra nhiều rắc rối cho bố mẹ. Một lần, bà hàng xóm đưa cô đến nhà thờ. Vốn theo đạo Lutheran và sinh ra ở Liên Xô, Aino không biết Chúa Giêsu là ai, chứ đừng nói đến cầu nguyện và nghi lễ Kitô giáo. Bà hàng xóm ngạc nhiên đến gặp mẹ cô để hỏi, và sau đó đã báo cho cơ quan an ninh về cái gia đình kỳ lạ này. Hai mẹ con bị theo dõi. May mắn thay, Nadezhda đã liên lạc được với đại sứ quán và họ được khẩn cấp đưa về Liên Xô. Từ đó, Lev Manevich không bao giờ gặp lại vợ con nữa.

Lev Manevich với chị gái.

Lev Manevich với chị gái.

Ít lâu sau, Lev Manevich chuyển đến Ý theo nguyện vọng. Mục tiêu của ông là các doanh nghiệp chế tạo máy bay - vào những năm 1930, Ý là nước có ngành công nghiệp máy bay phát triển nhất châu Âu. Và không chỉ máy bay, Ý còn chế tạo ra những chiếc tàu ngầm tốt nhất và súng cầm tay tiên tiến. Với cái tên Konrad Kortner, chủ sở hữu văn phòng cấp bằng sáng chế “Eureka”, Manevich đã may mắn ký được các hợp đồng với công ty “Neptune” của Đức. Công ty này sản xuất pin cho tàu ngầm. Đây là một thành công của ông, nhưng quan trọng hơn là cơ hội được đến Ý với tư cách là đại diện chính thức của công ty này.

Thế là năm 1931, Manevich đến Milan để mở chi nhánh của “Eureka” và nhanh chóng gia nhập giới kinh doanh bản địa. Ông trở thành thành viên của phòng thương mại địa phương, sống xa hoa, nổi tiếng là một người sành âm nhạc cổ điển và thường xuyên đến nhà hát La Scala. Ông đi xem opera với một nữ sinh viên nhạc viện trẻ tên là Ingrid. Những người xung quanh cho rằng họ yêu nhau, đặc biệt là kể từ khi Kortner hay lui tới căn hộ của cô. Những lúc ông đến chơi, đôi tình nhân thường mở máy hát đĩa than nghe nhạc opera.

Yan Berzin - “cha đẻ” của ngành tình báo quân đội Liên Xô.

Yan Berzin - “cha đẻ” của ngành tình báo quân đội Liên Xô.

Thực ra, trong cái vỏ máy hát đắt tiền giấu một máy bộ đàm và Ingrid là nhân viên điện đài làm việc dưới mật danh Traviata. Cô chuyển tới Liên Xô những thông tin nhận được từ Lev Manevich về các sản phẩm mới của các nhà chế tạo quân sự Ý. Nhờ có cặp đôi “hâm mộ opera”, tình báo Liên Xô đã nhận được khoảng 200 bản vẽ và tài liệu bí mật, bao gồm thông tin về các cuộc thử nghiệm máy bay chiến đấu Caproni, máy bay ném bom Fiat BR, tàu ngầm lớp Mameli và nhiều công nghệ bí mật khác.

Tuy nhiên, lực lượng phản gián Ý vẫn lần ra dấu vết của một trong những điệp viên của Manevich, kỹ sư Pasquale Esposito, người đã cung cấp thông tin mật cho Manevich. Esposito bị bắt khi đang mang các bản vẽ ra khỏi nhà máy. Sau khi bị cảnh sát tra tấn dã man và dọa giết con gái của mình, Esposito đã thú nhận. Cảm thấy mình bị theo dõi, Manevich kịp thời báo cho nữ nhân viên điện đài: Ingrid đã phá hủy chiếc máy hát cùng bộ đàm và trốn sang Thụy Sĩ trung lập. Năm 1932, Lev Manevich bị bắt và bị điều tra gần 5 năm. Nhưng ông dứt khoát phủ nhận quan hệ của mình với tình báo Liên Xô. Konrad Kortner khẳng định rằng với tư cách là chủ sở hữu của một văn phòng cấp bằng sáng chế, ông săn lùng các cải tiến kỹ thuật để làm giàu bằng phát minh của người khác.

Năm 1937, Lev Manevich bị kết án 16 năm tù vì hoạt động tình báo công nghiệp và bị giam giữ cùng những chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp quân sự. Điều này có lợi cho ông, vì nó cho phép ông khai thác được những thông tin có giá trị ngay cả khi ở trong tù và bí mật chuyển về Liên Xô.

Năm 1941, Manevich bị bệnh lao và được chuyển đến một nhà tù khác trên đảo San Stefano. Hai năm sau, quân Mỹ đổ bộ vào đảo và giải phóng toàn bộ tù nhân. Nhà tình báo trở lại đất liền, nhưng không may lại rơi vào khu vực bị quân Đức chiếm đóng. Mấy ngày sau, ông lại bị bắt và đưa vào trại tập trung.

Lần này, ông không khai tên mình là Konrad Kortner nữa, vì sợ bị đưa trở lại Áo và nhanh chóng bị lộ. Ông lấy tên một người có thật - Đại tá Liên Xô Ykov Starostin, đồng đội của ông trong cuộc Nội chiến. Manevich biết rõ tiểu sử của Starostin, nên không lo bị nghi ngờ.

Con gái Tatyana bên mộ bố.

Con gái Tatyana bên mộ bố.

Sau một thời gian bị giam tại trại tập trung Mauthausen, đến cuối chiến tranh ông chuyển đến trại Ebensee, “chi nhánh” của Mauthausen. Và một ngày trước khi quân Đồng minh giải phóng trại tập trung, ông đã cứu được 16.000 tù nhân ở đây. Số là trước khi rút lui, quân Đức định dồn hàng nghìn tù nhân vào một hầm mỏ bị gài mìn và cho nổ tung. Nhờ thông thạo tiếng Đức, Manevich nắm được kế hoạch của Đức Quốc xã và cảnh báo cho các tù nhân không vào hầm mỏ. Quân Đức không dám nổ súng vì sợ tù nhân nổi loạn.

Đến thời gian này sức khỏe của Lev Manevich hoàn toàn suy sụp. Ngày 6/5/1945, sau khi được trả tự do, ông đã bộc bạch với một đồng đội đáng tin cậy trong trại tập trung, sĩ quan Liên Xô Grant Airapetov. “Hãy nói với cấp trên rằng tôi là Étienne”, - nhà tình báo thỉnh cầu, - “và bảo họ đừng làm hại gia đình tôi, vì tôi đã làm tất cả những gì có thể”. Lời nhắn nhủ của Lev Manevich đã được thực hiện. Không ai làm hại vợ và con gái ông - ngược lại, họ được đối xử tử tế và bố trí công việc trong các cơ quan nhà nước.

Lev Manevich qua đời ngày 12/5/1945 và được chôn cất tại Áo với cái tên Ykov Starostin. Chỉ đến năm 1965, danh tính của ông mới được phục hồi. Hài cốt của ông được cải táng tại nghĩa trang St. Martin ở thành phố Linz, nơi chôn cất những người lính Xôviết đã ngã xuống. Đồng thời ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và Huân chương Lenin.

Anh Duy

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/loi-nhan-nhu-cuoi-cung-cua-nha-tinh-bao-lev-manevich-i738490/