Lợi nhuận của nhà sản xuất xi măng lớn nhất miền Nam chạm đáy 10 năm

Xi măng Vicem Hà Tiên chứng kiến doanh thu giảm sâu trong năm 2023. Tình trạng giá vốn tăng cao khiến lợi nhuận của nhà sản xuất xi măng bị thu hẹp xuống mức thấp nhất 10 năm.

 Vicem Hà Tiên là nhà sản xuất xi măng lớn nhất miền Nam. Ảnh: Vicem Hà Tiên.

Vicem Hà Tiên là nhà sản xuất xi măng lớn nhất miền Nam. Ảnh: Vicem Hà Tiên.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên (HoSE: HT1) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.783 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu đến từ hoạt động bán xi măng và nguyên liệu clinker. Nhờ giá vốn hàng bán giảm nhẹ, biên lãi gộp của doanh nghiệp đã cải thiện từ 9% lên 10%.

Ngoại trừ khoản chi phí tài chính giảm 33% xuống còn 32 tỷ đồng, hai loại chi phí khác là bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng lần lượt 5% và 3%. Sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, Vicem Hà Tiên báo lãi 54,3 tỷ đồng, giảm 6%.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến sụt giảm lợi nhuận, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết sản lượng tiêu thụ xi măng quý IV/2023 vừa qua giảm 17% so với cùng kỳ, qua đó khiến lợi nhuận gộp giảm 30,2 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần của doanh nghiệp xi măng lớn nhất miền Nam đạt 7.049 tỷ đồng, giảm 20%. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế giảm 94% xuống còn 17,1 tỷ đồng, chủ yếu do giá vốn tăng cao khiến lãi gộp suy giảm. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ năm 2013.

Theo kế hoạch kinh doanh năm 2023, nhà sản xuất xi măng này đặt mục tiêu khá thận trọng với doanh thu đi ngang quanh mức 9.000 tỷ đồng và lãi sau thuế tăng 7% lên 276 tỷ đồng.

Kế hoạch được đặt ra trong bối cảnh thị trường xi măng vẫn gặp khó khăn do các dự án chậm triển khai, dẫn đến việc nguồn cung vượt xa nhu cầu. Bên cạnh đó, các chi phí đầu vào như giá điện, giá than cũng dự kiến tăng trong năm 2023.

Như vậy sau cả năm kinh doanh, Vicem Hà Tiên mới chỉ hoàn thành 78% chỉ tiêu doanh thu và 6% chỉ tiêu lợi nhuận.

Tính đến ngày 31/12/2023, quy mô tổng tài sản của Vicem Hà Tiên thu hẹp 92% xuống còn 8.600 tỷ đồng, phần lớn là tài sản dài hạn mà trong đó là loại tài sản cố định như nhà máy, máy móc, phương tiện... Ngoài ra, nhà sản xuất xi măng đang có 620 tỷ đồng gửi ngân hàng.

Nhờ giảm vay và nợ thuê tài chính cũng như các khoản phải trả người bán ngắn hạn, tổng nợ phải trả đã thu hẹp 12% xuống gần 3.800 tỷ đồng.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/loi-nhuan-cua-nha-san-xuat-xi-mang-lon-nhat-mien-nam-cham-day-10-nam-post1456919.html