Lợi nhuận của Sabeco suy giảm quý cận Tết
Sức tiêu thụ bia giảm trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn cùng với Nghị định 100 về tiêu thụ rượu bia là hai yếu tố khiến kết quả quý cuối năm của Sabeco đi xuống.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, doanh thu thuần của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - Mã: SAB) giảm 15% so với mức nền cao cùng kỳ về 8.520 tỷ đồng. Biên lãi gộp được cải thiện lên 28,8% so với mức 28,1% của cùng kỳ.
Trong các chi phí, chi phí bán hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất với gần 1.339 tỷ đồng, thấp hơn 17% so với cùng kỳ. Kết quả công ty lãi ròng 947 tỷ, giảm 9% so với quý IV/2022, thấp nhất kể từ quý IV/2021.
Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần đạt 30.461 tỷ đồng, giảm 13% so với năm trước đó, với khoảng 88% là đến từ bán bia. Khoảng 11% là doanh thu bán nguyên vật liệu và số ít đến từ bán giải khát, rượu và cồn. Năm ngoái, biên lãi gộp của mảng bia đạt 34%.
Doanh nghiệp giải trình, doanh thu thuần thấp hơn so với năm 2022 do sự cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tiêu dùng suy giảm bởi kinh tế trong nước cùng với việc thực hiện chặt chẽ Nghị định 100 về tiêu thụ rượu bia. Bên cạnh đó chi phí đầu vào và quản lý doanh nghiệp cũng cao hơn cùng kỳ.
Trong năm, công ty đã tiết giảm các chi phí quảng cáo, khuyến mãi 8% xuống còn 2.813 tỷ, chiếm 63% chi phí bán hàng.
Điểm tích cực trong năm là doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 31% lên 1.433 tỷ đồng, đa số là nguồn thu nhập lãi tiền gửi ngân hàng. Cuối năm 2023, Sabeco nắm giữ gần 22.820 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi có kỳ hạn.
Dù vậy cả năm 2023, Sabeco báo lãi ròng 4.118 tỷ, giảm 21% so với mức nền cao của năm 2022. So với kế hoạch đề ra, Sabeco đã thực hiện được 76% chỉ tiêu về doanh thu và 74% mục tiêu lợi nhuận năm.
Không những Sabeco, Habeco (Mã: BHN) vừa qua cũng báo kết quả kinh doanh xuống dốc với doanh thu thuần 7.757 tỷ đồng và lãi ròng 355 tỷ đồng, giảm lần lượt 8% và 28% so với năm 2022. Mức lãi ròng năm ngoái đã về mức thấp nhất trong 15 năm.
Cuối năm 2023, quy mô tài sản của Sabeco trên 34.056 tỷ, thấp hơn 1% so với đầu năm. Như đã đề cập ở trên, lượng tiền mặt, tiền gửi ngân hàng lên tới gần 22.820 tỷ là khoản mục chiếm trọng lớn nhất trong tổng tài sản, tương đương 67%.
Các khoản phải thu ngắn hạn cuối kỳ gần 1.230 tỷ, tăng 37% sau một năm với hơn 1.000 tỷ là đến từ phải thu ngắn hạn khác (chủ yếu là phải thu về lãi tiền gửi, cổ tức và chênh lệch giữa giá trị của khoản đầu tư và phần vốn góp trong công ty liên kết).
Tổng nợ phải trả cuối năm là 8.571 tỷ đồng, giảm 13% sau một năm. Cuối kỳ, vốn chủ sở hữu của Sabeco đạt 25.485 tỷ, với lợi nhuận sau thuế chưa phân phối vượt 10.200 tỷ đồng.
Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/loi-nhuan-cua-sabeco-suy-giam-quy-can-tet.html