Lợi nhuận doanh nghiệp ngành dược chứng kiến sự giảm tốc trong quý III
Tình hình kinh tế khó khăn chung làm giảm sức mua, người dân đình trệ chi tiêu chăm sóc sức khỏe khiến nhiều doanh nghiệp ngành dược báo lãi quý III/2023 đi lùi.
Dược phẩm là một ngành thiết yếu, ít chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, sức cầu thấp trên diện rộng cũng đã gây khó khăn cho một ngành có tốc độ tăng trưởng mạnh tại Việt Nam.
Sau nửa đầu năm ngành dược ghi nhận kết quả kinh doanh đầy khởi sắc với nhiều doanh nghiệp báo lãi lớn, lãi kỷ lục; bước sang quý III/2023, đà tăng trưởng của ngành dược đã chứng kiến sự giảm tốc, thậm chí nhiều doanh nghiệp báo lãi đi lùi.
Lợi nhuận lao dốc
Theo thống kê từ Người Đưa Tin, trong quý III/2023, doanh nghiệp ghi nhận đà giảm lợi nhuận mạnh nhất sàn là “ông lớn” Dược Hậu Giang (HoSE: DHG).
Theo đó, Dược Hậu Giang báo lợi nhuận sau thuế giảm 37% xuống 166 tỷ đồng, đây cũng là mức lợi nhuận quý thấp nhất của doanh nghiệp trong 3 năm qua.
Giải trình về biến động này, phía công ty cho biết trong năm nay tác động khó khăn từ tình hình kinh tế chung làm giảm sức mua, tăng trưởng trong nhiều ngành kinh tế tại Việt Nam vẫn chưa đạt được mức kỳ vọng, trong đó có ngành dược phẩm.
Nhờ kết quả kinh doanh khởi sắc từ các quý trước, lũy kế 9 tháng đầu năm 2023 Dược Hậu Giang ghi nhận doanh thu thuần tăng 4% so với cùng kỳ lên 3.480,7 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt gần 867,3 tỷ đồng và 790,4 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ.
So với mục tiêu 5.000 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.130 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, doanh nghiệp đã hoàn thành 70% kế hoạch doanh thu và 77% chỉ tiêu lợi nhuận trong 9 tháng.
Cùng cảnh ngộ, Công ty Cổ phần Dược phẩm Agimexpharm (UPCoM: AGP) ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm gần 19% xuống 10,7 tỷ đồng dù doanh thu có tăng nhẹ 4% lên 175,8 tỷ đồng.
Giải trình về kết quả đi lùi này, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết do suy thoái kinh tế dẫn đến đình trệ chi tiêu chăm sóc sức khỏe, người dân chuyển khám chữa bệnh bên ngoài sang các bệnh viện. Bên cạnh đó, giá mua nguyên vật liệu sản xuất cũng tăng cao cũng khiến lợi nhuận của doanh nghiệp đi xuống.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Agimexpharm ghi nhận 521,3 tỷ đồng doanh thu thuần. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng 17% lên 367 tỷ đồng cùng với chi phí tài chính tăng cao khiến lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp giảm 3% xuống 33,7 tỷ đồng.
So với kế hoạch đề ra năm 2023 mang về 750 tỷ đồng doanh thu và 60 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, Agimexpharm đã hoàn thành 46% kế hoạch doanh thu và 47% chỉ tiêu lợi nhuận sau 9 tháng.
Gam màu sáng vượt kế hoạch năm
Trái lại với bức tranh kém sáng của ngành, kết thúc quý III/2023, doanh thu thuần của Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP) tăng 12% so với cùng kỳ, đạt 466,9 tỷ đồng. Do đà tăng của giá vốn hàng bán chậm hơn đà tăng của doanh thu nên lãi gộp theo đó tăng 5% lên 181,1 tỷ đồng.
Cấn trừ đi các chi phí, Imexpharm ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 25% so với cùng kỳ lên 69,7 tỷ đồng.
Phía Imexpharm cho biết, kết quả tăng trưởng đến từ hoạt động mở rộng thị trường trong quý III của công ty, cùng với việc cơ cấu lại danh mục sản phẩm, quản lý chi phí hiệu quả để khống chế mức tăng chi phí.
Cùng với kết quả kinh doanh khởi sắc 2 quý trước, lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Imexpharm báo lãi trước thuế và lãi sau thuế lần lượt 285,8 tỷ đồng và 227,2 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ và vượt lợi nhuận sau thuế 223,5 tỷ đồng cả năm 2022. So với mục tiêu lãi trước thuế 350 tỷ đồng trong năm 2023, Imexpharm đã thực hiện được 82% kế hoạch sau 9 tháng đầu năm.
Trong quý III/2023, chủ sở hữu cao Sao Vàng là Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 3 (HNX: DP3) ghi nhận lãi sau thuế tăng 16% lên hơn 18,6 tỷ đồng nhờ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp được tiết giảm 25%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Dược phẩm Trung ương 3 ghi nhận gần 311,7 tỷ đồng doanh thu, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau khi trừ giá vốn, các khoản chi phí phát sinh từ hoạt động bán hàng, quản lý doanh nghiệp, Dược phẩm Trung ương 3 thu về hơn 93,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 74,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 10%.
So với kế hoạch đề ra năm 2023 mang về 450 tỷ đồng doanh thu và 86 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, Dược phẩm Trung ương 3 đã hoàn thành 71% kế hoạch doanh thu và vượt 9% chỉ tiêu lợi nhuận sau 9 tháng.
Triển vọng nào cho ngành dược
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam năm 2022 đạt hơn 20 tỷ USD, chiếm 6% GDP, dự báo tăng đến 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và 33,8 tỷ USD năm 2030. Riêng về thị trường dược phẩm, Việt Nam đang trên đà tăng trưởng với tổng giá trị từ 3,4 tỷ USD năm 2015 lên đến gần 7 tỷ USD năm 2022.
Ngành dược Việt Nam có dư địa tăng trưởng trong dài hạn nhờ dân số già hóa và thu nhập của người tiêu dùng tăng trong bối cảnh chi tiêu thuốc bình quân đầu người còn thấp. Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành các chính sách ưu đãi đối với thuốc chất lượng cao, sản xuất trong nước ở kênh bệnh viện.
Theo BMI Research dự báo, thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ đạt 16,1 tỷ USD vào năm 2026, với tỉ lệ tăng trưởng kép lên tới 11% tính theo đồng Việt Nam. Dự báo đến năm 2030, tổng giá trị thị trường thuốc của Việt Nam sẽ lên đến trên 13 tỷ USD, tiền thuốc bình quân đầu người năm 2022 đạt khoảng 75 USD.
Về dài hạn, ngành dược có nhiều tiềm năng tăng trưởng cho cả công ty tham gia sản xuất, cũng như những tập đoàn bán lẻ do quy mô dân số Việt Nam ở mức lớn đồng thời dân số cũng đang già đi với tốc độ nhanh.
Việt Nam là 1 trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, người từ 60 tuổi trở lên chiếm hơn 12% dân số vào năm 2021 và đến năm 2050, con số này được dự báo sẽ tăng lên trên 25%.
So với các quốc gia khác, Việt Nam chỉ mất 18 năm để dân số trên 65 tuổi tăng từ 7% lên 14%, ngắn hơn so với Thái Lan, Nhật Bản, Australia và Pháp.
Hơn thế nữa, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mà Việt Nam đã ký kết sẽ là động lực tăng trưởng của ngành dược trong thời gian tới khi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dược phẩm mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển mạng lưới phân phối, tiếp cận thêm vốn, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao hướng tới các dòng sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao hơn như EU-GMP, Japan-GMP.