Lợi nhuận doanh nghiệp ngành thép tăng vọt trong quý đầu năm 2024
Sau những khó khăn kéo dài, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp ngành thép niêm yết đã tăng trưởng mạnh trong quý I/2024 so với cùng kỳ.
Doạnh nghiệp ngành thép báo lãi tăng trưởng bằng lần
CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vừa công bố tình hình kinh doanh hợp nhất quý I/2024 với doanh thu thuần đạt 30.852 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán ở mức 26.698 tỷ đồng, tăng 7% nên lãi gộp kỳ này đạt 4.154 tỷ đồng, tăng tới 148%. Trong cơ cấu doanh thu, thép chiếm tỷ trọng lớn nhất với đóng góp lần lượt 93% doanh thu và 85% lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Hòa Phát.
Doanh thu hoạt động tài chính giảm 17% xuống 752 tỷ đồng, chi phí tài chính ở mức hơn 1.000 tỷ đồng. Chi phí bán hàng 640,4 tỷ đồng, chi phí quản lý 317,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 34% và 13% so với cùng kỳ năm trước đó. Lợi nhuận khác kỳ này cũng tăng mạnh từ hơn 40 tỷ đồng lên 373,5 tỷ đồng.
Doanh nghiệp ngành thép báo lãi lớn trong quý đầu năm
Kết quả trong quý đầu năm, ông lớn Hòa Phát báo lãi sau thuế 2.869 tỷ đồng, tăng 649% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 2.870 tỷ đồng, tăng 622%.
CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC) - một trong những doanh nghiệp thép quy mô tầm trung trên sàn chứng khoán - công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2024 với doanh thu 2.230 tỷ đồng - giảm gần 43% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá vốn bán hàng tăng mạnh hơn khiến lơi nhuận gộp giảm gần 58% còn 67,6 tỷ đồng. Biên lãi gộp thu hẹp còn 3%.
Trong kỳ, chi phí hoạt động tăng mạnh so với cùng kỳ lên 208 tỷ (trong đó chi phí tài chính tăng 61,6% lên 154,8 tỷ đồng). Theo thuyết minh, phần tăng chủ yếu đến từ khoản "chi phí tài chính khác" tăng 13,9 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên 96,1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, SMC bất ngờ ghi nhận đột biến doanh thu tài chính với 326,6 tỷ đồng - gấp 9,4 lần so với cùng kỳ. 310 tỷ đồng trong số này là khoản "thu từ chuyển nhượng chứng khoán, cổ tức được chia".
Được biết trong quý I, Thương mại SMC đã bán toàn bộ hơn 13,1 triệu cổ phiếu NKG của CTCP Thép Nam Kim (sàn HoSE), thu về khoảng 330 tỷ đồng. Giao dịch được thực hiện từ ngày 5/2 - 4/3 khi NKG đang giao dịch tại vùng 24.x-25.x đồng/cp. Số cổ phiếu trên được SMC mua vào với giá vốn 6.800 đồng/cp. Như vậy, công ty lãi khoảng 228 tỷ đồng từ thoái vốn Nam Kim (+255%).
Chốt quý đầu năm, SMC bất ngờ báo lợi nhuận quý I/2024 đạt 179,4 tỷ đồng - gấp gần 9 lần cùng kỳ năm trước.
Một doanh nghiệp ngành thép cũng bất ngờ báo lãi trong quý đầu năm 2024. CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco, mã TIS) trong quý I/2024 ghi nhận doanh thu thuần 2.182,6 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp ở mức 105 tỷ đồng, tăng tới 89% so với quý I/2023.
Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng, trong khi chi phí giảm và chi phí bán hàng cũng giảm nhẹ. Riêng chi phí quản lý doanh nghiệp gấp 2,5 lần so với cùng kỳ, ở mức 55 tỷ đồng, do không có khoản hoàn nhập dự phòng như quý I/2023.
Kết quả, Tisco báo lãi ròng gần 6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 19 tỷ đồng. Đây là quý thứ hai liên tiếp công ty có lãi trở lại, sau chuỗi 5 quý thua lỗ liên tiếp.
Trong năm 2024, Tisco đặt mục tiêu tổng doanh thu gần 13.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 15 tỷ đồng. Với khoản lãi trước thuế 7 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, Tisco đã thực hiện được 50% kế hoạch lãi trước thuế năm 2024.
CTCP Thép Nam Kim (mã NKG) chưa công bố BCTC quý I, tuy nhiên, chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào sáng 26/4, ban lãnh đạo cho biết doanh thu quý I/2024 đạt 5.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 200 tỷ. Con số này đã cải thiện do với doanh thu 4.380 tỷ đồng và lỗ trước thuế hơn 49 tỷ của quý I/2023.
Triển vọng ngành thép trong năm 2024
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) kinh tế trong nước quý I đã có những tín hiệu tích cực và hoạt động tiêu thụ thép cũng sôi nổi hơn sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khi các công trình cũng tiếp tục thi công trở lại. Tuy nhiên nhìn chung nhu cầu tiêu thụ thép vẫn còn yếu.
Theo đó, sản lượng thép thành phẩm các loại sản xuất tháng 3 đạt thấp nhất của tháng 3 trong 4 năm trở lại đây. Tương tự, sản lượng bán hàng thép thành phẩm các loại tháng 3 cũng chỉ cao hơn lượng bán hàng tháng 3/2023 và thấp hơn thời điểm tháng 3 của năm 2022 và 2021.
Tính chung trong quý I, sản xuất và bán hàng thép thành phẩm các loại đều ghi nhận mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái lần lượt là 5,5% và 10% lên 7 triệu và 6,7 triệu tấn. Tuy nhiên, mức sản xuất và bán hàng quý chỉ cao hơn cùng kỳ của năm 2023, nhưng đều thấp hơn các năm 2022 và 2021.
Theo VSA, nhìn chung, giá nguyên liệu sản xuất thép giao dịch thời điểm đầu tháng 3 và quý I/2024 có xu hướng giảm so với thời điểm cuối năm 2023.
Giá nguyên vật liệu giảm khiến việc mua hay bán đều chậm lại do tâm lý e ngại giá tiếp tục xuống. Các nhà máy giảm giá bán từ ngay sau Tết, cùng với các nhà phân phối cũng giảm giá để giảm mức tồn kho (từ tháng 12/2023 và tháng 1/2024).
Theo SSI, thị trường nội địa đã có những dấu hiệu phục hồi đầu tiên vào cuối năm 2023 khi sản lượng tiêu thụ từ tháng 9 đến tháng 11 đã tăng 13% so với cùng kỳ. Mức tiêu thụ thép trong năm 2024 sẽ được hỗ trợ nhờ tình hình vĩ mô và thị trường bất động sản khởi sắc hơn.
SSI Research kỳ vọng tổng sản lượng tiêu thụ thép sẽ phục hồi hơn 6% so với năm 2023, trong đó tiêu thụ nội địa đạt mức tăng trưởng gần 7%.