Lợi nhuận Eximbank giảm trong quý II/2023 do tăng mạnh dự phòng

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã EIB) công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với kết quả không mấy khả quan khi nhiều hoạt động giảm sút.

Theo đó, lợi nhuận quý II/2023 giảm hơn một nửa so cùng kỳ. Theo đó, trong quý II/2023, hoạt động chính giảm 23% so với cùng kỳ, chỉ thu được 1.094 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.

Nguyên nhân của sự sụt giảm theo giải trình của Eximbank do Ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng theo chủ trương của Chính phủ. Thêm vào đó, lãi suất huy động vốn tăng cao kéo theo chi phí huy động vốn tăng. Đồng thời, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 95%, còn hơn 4 tỷ đồng do điều kiện kinh doanh các giấy tờ có giá như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu tổ chức tín dụng bất lợi.

Lãi thuần từ hoạt động khác trong quý này của Eximbank cũng giảm 73%, chỉ còn gần 74 tỷ đồng, chủ yếu do công tác tác xử lý thu hồi nợ thực hiện chậm và tính thanh khoản cùng tình hình giao dịch trên thị trường bất động sản chậm hơn cùng kỳ.

Ngoài ra, lãi từ hoạt động dịch vụ trong quý II/2023 của Eximbank xấp xỉ cùng kỳ ở mức 124 tỷ đồng. Lãi từ kinh doanh ngoại hối là nguồn thu hiếm hoi tăng trưởng trong quý khi tăng 55%, đạt gần 185 tỷ đồng.

Chi phí hoạt động trong quý này của Eximbank giảm 4%, chỉ còn gần 769 tỷ đồng, chủ yếu do giảm chi phí cho nhân viên. Thế nhưng, do hầu hết các mảng kinh doanh đều đi lùi so với cùng kỳ nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Eximbank quý II/2023 giảm 42%, chỉ còn hơn 712 tỷ đồng.

Quý II/2023, Eximbank trích gần 178 tỷ đồng để dự phòng rủi ro, tăng 37% so cùng kỳ. Theo Eximbank là khách hàng cá nhân và doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến dư nợ cho vay chuyển sang nhóm nợ cao hơn, trong đó có một phần chuyển nhóm nợ CIC từ các tổ chức tín dụng khác. Kết quả, Eximbank lãi trước thuế trong quý II chỉ đạt gần 535 tỷ đồng, giảm đến 51% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, dù giảm trích lập dự phòng 6% chỉ còn 270 tỷ đồng, nhưng do lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ đạt 1.675 tỷ đồng (giảm 24%), nên Eximbank chỉ đạt lãi trước thuế 1.405 tỷ đồng, giảm 26,1% so với cùng kỳ năm trước, mới hoàn thành 28% kế hoạch năm 2023.

Năm 2023, Eximbank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 210.000 tỷ đồng, tăng 13,5%; lợi nhuận trước thuế đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 35%, so với năm 2022.

Tính đến 30/6/2023, tổng tài sản của Eximbank đạt 190.301 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cuối năm trước, trong đó cho vay khách hàng tăng khá khiêm tốn chỉ ở mức 1%. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến cho thu nhập lãi thuần của ngân hàng sụt giảm trong nửa đầu năm. Số dư tiền gửi khách hàng của Eximbank đạt 154.278 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cuối năm trước và bằng 117% so với số dư cho vay ra.

Về chất lượng tài sản, số dư nợ xấu của ngân hàng tăng mạnh 54,5% với 3.625 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 1,8% cuối năm trước lên 2,75% vào cuối quý II/2023.

Eximbank vừa công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị (HĐQT) về việc tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường tại TP.HCM, nhằm bầu bổ sung hai Thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025).

Cụ thể, Eximbank (EIB) triệu tập đại hội bất thường bầu bổ sung Thành viên Hội đồng quản trịThời gian dự kiến tổ chức là vào thứ hai, ngày 18/9/2023. Ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông thực hiện quyền họp và biểu quyết tại ĐHĐCĐ là ngày 19/7.

Hiện nay, thành viên HĐQT của Eximbank có 5 người gồm bà Đỗ Hà Phương, ông Phạm Quang Dũng, bà Lê Thị Mai Loan, bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Trần Anh Thắng.

Trong đợt đại hội đồng cổ đông bất thường tháng 9 tới, Eximbank dự kiến bầu bổ sung tối đa 2 thành viên HĐQT. Eximbank đã thông báo đối tượng đề cử nhân sự dự kiến bổ sung vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII gồm: cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần Eximbank trở lên có quyền đề cử nhân sự dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT.

Trong phần lưu ý cổ đông tham dự đại hội, Eximbank đề cập nội dung: Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông có quyền kiến nghị các vấn đề đưa vào chương trình họp đại hội đồng cổ đông và gửi kiến nghị bằng văn bản về Eximbank chậm nhất 3 ngày làm việc trước ngày khai mạc đại hội đồng cổ đông.

Trước đó, ngày 21/6/2023, HĐQT của Eximbank đã triệu tập cuộc họp bất thường của HĐQT nhằm bãi miễn Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc hiện hành của Eximbank, bầu chủ tịch mới, bổ nhiệm quyền tổng giám đốc mới. Tuy vậy, cuộc họp bất thường đã không thể tiến hành do vắng mặt 2 trong số 5 thành viên HĐQT, trong khi theo luật định, cuộc họp chỉ diễn ra khi có ít nhất 65% số thành viên tham dự.

Đến ngày 28/6, Eximbank ban hành nghị quyết của HĐQT về việc bầu bà Đỗ Hà Phương – Thành viên HĐQT giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 – 2025) thay cho Bà Lương Thị Cẩm Tú – Nguyên Chủ tịch HĐQT.

Bà Đỗ Hà Phương tham gia vào HĐQT Eximbank được hơn 1 năm. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần 2 được tổ chức vào ngày 15/02/2022, bà Phương cùng với 6 người khác được bầu vào HĐQT nhiệm kỳ (2020-2025). Tỷ lệ tán thành bầu bà Đỗ Hà Phương vào HĐQT thời điểm đó là 61,32%.

Phía Eximbank cho biết để đi đến quyết định bổ nhiệm nhân sự quan trọng này, HĐQT Eximbank đã tổ chức họp theo đúng quy định. Theo đó, bà Đỗ Hà Phương nhận được sự tín nhiệm và ủng hộ của các thành viên HĐQT ngân hàng.

Thông cáo của Eximbank cho biết, hiện nay, HĐQT của Eximbank đang định hướng lại chiến lược kinh doanh, thống nhất đồng lòng cùng nhau quản trị để đưa Eximbank trở lại Top 10 Ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam, đảm bảo mục tiêu xây dựng nhà băng này trên nền tảng minh bạch, an toàn với tư duy đổi mới hệ thống.

T.V

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/loi-nhuan-eximbank-giam-trong-quy-ii2023-do-tang-manh-du-phong-d195297.html