Lợi nhuận giảm 43% cùng kỳ, nợ vay tại REE lên đến gần chục nghìn tỷ

Khép lại nửa đầu năm 2024, Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (mã: REE) lãi sau thuế đạt 952 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ. Nợ vay tại REE giảm nhẹ 8% so với đầu năm, còn gần 10.000 tỷ đồng.

Mảng thủy điện suy yếu, lợi nhuận tại REE giảm mạnh

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 cho thấy, trong quý II/2024, REE đạt doanh thu 2.181 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Xét về cơ cấu doanh thu, doanh thu hạ tầng điện, nước giảm 20%, đạt gần 918 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu bất động sản tăng 25%, đạt hơn 330 tỷ đồng và doanh thu cơ điện lạnh tăng 22% đạt gần 935 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá vốn tăng cao nên lợi nhuận gộp trong kỳ giảm tới 23%, còn gần 680 tỷ đồng.

Nợ vay tại REE lên đến gần chục nghìn tỷ

Nợ vay tại REE lên đến gần chục nghìn tỷ

Trong kỳ, chi phí bán hàng tăng tới 52% và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 18%, lần lượt đạt hơn 34 tỷ đồng và hơn 174 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 403 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ 2023.

Phía doanh nghiệp giải trình, tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất thuộc cổ đông công ty mẹ quý II/2024 đạt 355 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ 2023 chủ yếu do:

Mạng điện giảm đến 134 tỷ đồng so với quý II/2023 trong đó ảnh hưởng chính từ lợi nhuận các công ty thành viên cũng như liên kết thuộc nhóm thủy điện giảm mạnh so với cùng kỳ: CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh; CTCP Thủy điện Thác Mơ, CTCP Thủy điện Thác Bà, CTCP Thủy điện Miền Trung.

Khép lại nửa đầu năm 2024, REE ghi nhận doanh thu gần 4.019 tỷ đồng, giảm gần 12% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 952 tỷ đồng, giảm 43% so với nửa đầu năm 2023.

Năm 2024, REE đặt kế hoạch doanh thu 10.588 tỷ đồng, tăng 23,5% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 2.409 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023 và tạm ứng cổ tức với tỷ lệ tối đa 15%.

Với kết quả lãi 952 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, REE đã hoàn thành 39,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Doanh thu và lợi nhuận của REE theo từng quý từ năm 2022 đến nay. Ảnh: Chứng khoán Agriseco.

Doanh thu và lợi nhuận của REE theo từng quý từ năm 2022 đến nay. Ảnh: Chứng khoán Agriseco.

Kết quả kinh doanh của REE được kỳ vọng đã tạo đáy trong nửa đầu năm nay, đặc biệt là mảng thủy điện khi pha El Nino đã kết thúc. REE hiện đang sở hữu danh mục dự án năng lượng có tổng công suất lên tới 2.820 MW, bao gồm thủy điện (1.436 MW), nhiệt điện (1.140 MW) và năng lượng tái tạo (244 MW).

Bước vào nửa cuối năm nay, REE đang đón nhận loạt thông tin tích cực. Mảng thủy điện dự kiến sẽ phục hồi mạnh trong nửa cuối năm nhờ pha La Nina có xác suất cao sẽ diễn ra từ tháng 7. Qua đó, kỳ vọng doanh thu từ mảng này có thể tăng tới 20% trong năm 2025 và đạt biên lợi nhuận gộp gần 40%.

Nợ vay tại REE gần 10.000 tỷ đồng, thế chấp loạt dự án thủy điện

Tính đến thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản tại REE giảm nhẹ 6% so với đầu năm, đạt hơn 34.746 tỷ đồng.Trong đó, tài sản ngắn hạn hơn 9.564 tỷ đồng và hơn 28.181 tỷ đồng tài sản dài hạn.

Về tài sản ngắn hạn, doanh nghiệp ghi nhận hơn 3.675 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền và hơn 3.151 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn,...; Về tài sản dài hạn, REE có tới 14.439 tỷ đồng tài sản cố định, gần 2.638 tỷ đồng đồng bất động sản đầu tư và hơn 6.162 tỷ đồng là đầu tư tài chính dài hạn, trong đó REE đầu tư vào 18 công ty liên kết, liên doanh hơn 5.896 tỷ đồng gồm 8 công ty thủy điện và nhiệt điện.

Về phía nguồn vốn, nợ phải trả tại REE tính đến thời điểm 30/6/2024 ghi nhận hơn 13.493 tỷ đồng (gồm 4.000 tỷ đồng là nợ ngắn hạn phải trả và hơn 9.493 tỷ đồng là nợ dài hạn phải trả). Vốn chủ sở hữu gần 21.253 tỷ đồng.

Nợ vay tại REE ghi nhận hơn 9.932 tỷ đồng, giảm nhẹ 8% so với đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 1.159 tỷ đồng; vay và nợ dài hạn hơn 8.773 tỷ đồng.

BCTC hợp nhất quý II/2024 tại REE.

BCTC hợp nhất quý II/2024 tại REE.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024, các khoản vay dài hạn từ ngân hàng vào ngày kết thúc kỳ báo cáo chịu lãi suất VND tương ứng từ 5,88% đến 8,55%.

Theo đó, tính đến 30/6/2024, REE vay dài hạn tại ngân hàng HSBC Việt Nam 2 khoản vay tổng trị giá hơn 517 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là toàn bộ máy móc và thiết bị là pin mặt trời hoặc các thiết bị khác có liên quan đến hệ thống điện mặt trời áp mái từ Công ty TNHH REE SE HOLDINGS hoặc các công ty con; Quyền sử dụng đất và nhà bảo quản thu từ cho thuê tại tòa nhà Etown 6, số 364 Cộng Hòa, quận Tân Bình, Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, ngân hàng Vietcombank cho REE vay 6 khoản nợ tổng giá trị gần 2.907 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho các khoản nợ gồm:

Quyền sử dụng đất và các tài sản bao gồm công trình trên đất, động sản và quyền tài sản thuộc dự án trung tâm thương mại cao ốc văn phòng Etown Central thuộc Song Mai, công ty con của nhóm công ty tọa lạc tại quận 4, TP.HCM;

Một phần máy móc và thiết bị là các tấm pin mặt trời liên quan đến hệ thống điện mặt trời trên mái nhà của công ty và các công ty con; Toàn bộ tài sản máy móc thiết bị hình thành trong tương lai giữa Dự án nhà máy điện gió Trà Vinh V1-3. Quyền tài sản phát sinh từ dự án.

Ngoài ra, những khoản vay còn lại tại Vietcombank nhằm mục đích thanh toán chi phí đầu tư xây dựng dự án Thủy điện Thượng Kon Tum.

Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum công suất 220mw (Ảnh: REE)

Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum công suất 220mw (Ảnh: REE)

REE cũng vay dài hạn tại ngân hàng BIDV hơn 991 tỷ đồng nhằm mục đích thanh toán chi phí đầu tư xây dựng dự án thủy điện Thượng Kon Tum, theo thỏa thuận tài trợ dự án giữa công ty và các ngân hàng thương mại gồm BIDV-CN Bình Định, Vietcombank-CN Kon Tum, Vietcombank-CN Gia Lai. Trong đó, BIDV chi nhánh Bình Định giữa vai trò là ngân hàng đầu mối và đại lý nhất thai sản đảm bảo vô cùng toàn bộ quyền sử dụng đất máy móc thiết bị phương tiện vận tải và các tài sản hình thành trong tương lai của dự án Thủy điện Thượng Kon Tum.

BIDV cũng cho REE vay dài hạn hơn 179 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, toàn bộ tài sản gắn liền với đất, tài sản hình thành từ vốn vay và vốn tự có của dự án công trình Thủy điện Nậm Ban 2.

Bên cạnh đó, REE vay dài hạn tại ngân hàng VIB hơn 973 tỷ đồng. Tài sản thế chấp cho khoản vay là toàn bộ tài sản của Nhà máy điện gió Phú Lạc giai 2 tại xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, Bình Thuận và Nhà máy điện gió Lợi Hải 2 tại xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.

Ngân hàng Shinhan Việt Nam cũng cho vay dài hạn hơn 253 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là toàn bộ khoản phải thu phát sinh từ các thửa đất; toàn bộ tài sản thuộc dự án Thủy điện Thác Bà 2; khoản phải thu phát sinh theo hợp đồng mua bán điện của dự án Thủy điện Thác Bà 2; hợp đồng bảo lãnh của CTCP Thủy điện Thác Bà và CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 2.

Như vậy, chủ nợ lớn nhất tại REE tính đến thời điểm 30/6/2024 là ngân hàng Vietcombank với hơn 2.900 tỷ đồng nợ vay dài hạn.

Trong báo cáo phân tích về ngành năng lượng phát hành ngày 22/7, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, REE được hưởng lợi từ cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPDA) giữa đơn vị sản xuất năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn phục vụ mục đích sản xuất (tối thiểu 200.000kWh/tháng, đang có khoảng 7.700 khách hàng thực tế, chiếm 36,5% tổng lượng tiêu thụ điện Việt Nam).

Theo VDSC, cơ chế DPPA là điều kiện để REE tiếp tục thực hiện công tác đầu tư các dự án điện gió mới sau 2025 như Trà Vinh V1-3 giai đoạn 2 (80MW) và Trà Vinh V1-5 và V1 6 (48MW).

Huy Tùng

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/loi-nhuan-giam-43-cung-ky-no-vay-tai-ree-len-den-gan-chuc-nghin-ty-715878.html