Sớm hình thành cơ chế, chính sách về giảm phát thải carbon cho doanh nghiệp

Lộ trình vận hành chính thức của cơ chế điều chỉnh biên giới carbon không còn xa, nhưng hiện nhiều doanh nghiệp chịu áp dụng đang còn mơ hồ, thiếu thông tin để thực hiện. Do đó đòi hỏi thêm chính sách và những hành động cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp.

Thiếu thông tin nên doanh nghiệp chưa hiểu

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) được Liên minh châu Âu (EU) ban hành với mục tiêu xử lý lượng phát thải khí nhà kính trong một số hàng hóa nhất định nhập khẩu vào EU chính thức có hiệu lực từ 1/10/2023. CBAM trước mắt áp dụng đối với 6 nhóm mặt hàng nhập khẩu gồm: xi măng, điện, phân bón, sắt thép, nhôm và hydrogen. Từ ngày 1/1/2026, CBAM sẽ bước vào giai đoạn chính thức vận hành.

Thép nằm trong 6 nhóm mặt hàng bị áp dụng theo CBAM (dây chuyền sản xuất thép của Hòa Phát). Ảnh: Đức Dũng

Thép nằm trong 6 nhóm mặt hàng bị áp dụng theo CBAM (dây chuyền sản xuất thép của Hòa Phát). Ảnh: Đức Dũng

Mặc dù lộ trình vận hành chính thức của cơ chế CBAM không còn xa, nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa có đánh giá tác động một cách toàn diện và hướng dẫn chính thức, thống nhất cho doanh nghiệp. Thời quan qua, đã có nhiều nguồn thông tin, nhiều tổ chức hướng dẫn doanh nghiệp về CBAM, điều này góp phần nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng còn nhiều luồng thông tin không chính thống, chưa chuẩn xác khiến doanh nghiệp hiểu chưa đủ và chưa đúng về CBAM. Dẫn đến việc áp dụng các giải pháp chuyển đổi sản xuất kinh doanh chưa phù hợp, gây lãng phí nguồn lực.

Do vậy, Việt Nam cần thêm chính sách và những hành động cụ thể để giúp các doanh nghiệp hiểu đúng, hiểu đủ về CBAM. Từ đó, có thể chủ động, sẵn sàng thích ứng, cũng như tận dụng được lợi ích từ việc thực thi CBAM.

Tại Tọa đàm với chủ đề "Ứng phó hiệu quả với cơ chế CBAM: Vai trò của cơ quan đầu mối trong hỗ trợ doanh nghiệp" tổ chức mới đây, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Ngô Chung Khanh cho biết: Bộ Công Thương đã nghiên cứu đánh giá tác động của CBAM đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam từ sớm. Chính phủ đã thống nhất với các đề xuất và chính thức giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành triển khai các hoạt động liên quan đến CBAM.

Chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM Nguyễn Hồng Loan thông tin, qua khảo sát ngoại trừ một số doanh nghiệp trong những lĩnh vực chịu tác động trực tiếp có những nghiên cứu và sự chuẩn bị một cách nghiêm túc. Còn đại bộ phận các doanh nghiệp hiểu chưa đầy đủ, chưa chính xác về CBAM và từ đó những phản ứng, chuẩn bị có thể không có hiệu quả.

Ngoài ra, có những doanh nghiệp vội vã mua tín chỉ carbon để chuẩn bị việc phản ứng với CBAM. Trong khi đó, các yêu cầu, hướng dẫn của châu Âu vẫn chưa rõ ràng và chưa có sự công nhận liên quan đến các cơ chế giá carbon và bù trừ tín chỉ. Việc chuẩn bị của doanh nghiệp mang tính chất không có định hướng, không thông qua những kênh chính thống có thể sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực, thậm chí gây thiệt hại về mặt tài chính.

Phân bón cũng là một trong những mặt hạng trong diện bị áp dụng của CBAM.

Phân bón cũng là một trong những mặt hạng trong diện bị áp dụng của CBAM.

Theo ông Hoàng Văn Tâm (Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương), Việt Nam cũng đã hình thành cơ chế, chính sách về giảm phát thải carbon. Tuy nhiên, riêng đối với CBAM lại không giống như quy định của Việt Nam. Vì vậy, việc CBAM mở rộng hơn về quy định, phạm vi tính toán cần sự vào cuộc của cơ quan có chuyên môn và trong quá trình đàm phán có trao đổi với EU để thống nhất về phương pháp, cách tính, phạm vi khi đó có những tập hợp, hướng dẫn chính thức cho các doanh nghiệp.

"Nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận với vấn đề này khá sớm, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhưng còn nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức một cách đầy đủ, đầu tư cũng ở mức độ. Do đó, khi thông tin ngày càng rõ ràng, nhận thức của doanh nghiệp cũng tốt hơn, đầu tư hơn về nhân lực, kinh phí để chuyển đổi sản xuất xanh" - ông Hoàng Văn Tâm nói.

Sẵn sàng chuyển đổi xanh

Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Đinh Quốc Thái cho hay, trước bối cảnh có các nguồn thông tin nhiều chiều, ngành thép mong muốn tiếp cận được các thông tin chính thống hướng dẫn để thích ứng với CBAM.

Ngành thép cũng đang nỗ lực để tìm hiểu thông tin về CBAM. Ảnh: Đức Dũng

Ngành thép cũng đang nỗ lực để tìm hiểu thông tin về CBAM. Ảnh: Đức Dũng

Năm 2023 Việt Nam sản xuất được vào khoảng 20 triệu tấn thép thô, với kim ngạch xuất khẩu vào khoảng 8,9 tỉ USD và trong đó khoảng 27% xuất sang thị trường EU, đứng top 3 trong 30 thị trường của ngành thép Việt Nam. Hiệp hội Thép thế giới đã xếp hạng công nghiệp thép Việt Nam đứng thứ 13 thế giới về sản xuất thép thô, đứng hàng đầu châu Á và Đông Nam Á về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

"Đây là một thị trường rất lớn và đặc biệt nên với những cơ chế tác động đến sản lượng sản xuất, kinh doanh xuất khẩu của ngành phép buộc phải tham khảo và nghiên cứu rất kỹ" - ông Đinh Quốc Thái cho hay.

Vì vậy, mong muốn cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là Bộ Công Thương nhanh chóng trình Chính phủ hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 gắn với chiến lược tăng trưởng xanh và bền vững

Chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM Nguyễn Hồng Loan khuyến nghị, doanh nghiệp cần phải bám sát lộ trình thực hiện CBAM của EU. Tùy theo điều kiện về tài chính, về nguồn lực để doanh nghiệp xác định lộ trình phù hợp nhất và hiệu quả nhất để ứng phó với CBAM... Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu không thực hiện kiểm kê khí nhà kính và tính toán phát thải của sản phẩm khó có thể xuất khẩu sang được EU.

Đồng quan điểm, theo ông Hoàng Văn Tâm, doanh nghiệp phải xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để truy xuất một cách khoa học và kiểm chứng được trong việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính, tính giá carbon theo yêu cầu. Trong khi đó, ông Đinh Quốc Thái đưa ra giải pháp, doanh nghiêp phải tiếp tục công cuộc chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ vào quá trình sản xuất kinh doanh để tối ưu hóa các cơ sở thiết bị hiện tại nhằm tiết kiệm năng lượng, kiểm soát được quá trình phát thải đáp ứng các cơ chế CBAM.

Để triển khai thực hiện, ông Ngô Chung Khanh thông tin, Bộ Công Thương đã đề xuất xây dựng quy định liên quan đến giá carbon; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp hiểu đúng, chính xác về CBAM. Bên cạnh đó, Bộ đề xuất đẩy mạnh hoạt động tập huấn trực tiếp để doanh nghiệp hiểu rõ việc tuân thủ và chuẩn bị cho CBAM.

Trước hết cần hỗ trợ cụ thể cách giảm phát thải carbon, đẩy mạnh nguồn tài chính xanh để doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất xanh hơn, ít thải carbon hơn. Bộ cũng mong muốn xây dựng Cổng thông tin về CBAM để hướng dẫn chi tiết cho doanh nghiệp, xây dựng các bộ tài liệu cẩm nang hướng dẫn chính thống.

"Việc sớm triển khai các cơ chế, chính sách và việc chuyển đổi sản xuất, kinh doanh xanh nhằm thích ứng với CBAM không chỉ giúp doanh nghiệp giữ vững thị phần mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, mở rộng sang các thị trường lớn, trọng điểm" - ông Ngô Chung Khanh nói.

Ngoài ra, Bộ cũng đẩy mạnh kết nối với phía EU yêu cầu công bố những tổ chức tư vấn hợp lệ hay đàm phán lùi thời gian chuyển đổi với các ngành hàng Việt Nam tới sau năm 2026. Đồng thời kiến nghị trên các diễn đàn đa phương để có những cam kết, quy định linh hoạt nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam.

Về phần mình, các doanh nghiệp cần phải chủ động thay đổi tư duy và đẩy mạnh phương thức thực hiện. Có như vậy, lộ trình ứng phó với CBAM nói riêng, chuyển đổi xanh nói chung sẽ được thực hiện nhanh hơn, hiệu quả hơn, giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa những lợi ích mà các FTA mang lại.

Khắc Kiên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/som-hinh-thanh-co-che-chinh-sach-ve-giam-phat-thai-carbon-cho-doanh-nghiep.html