Lợi nhuận Hóa chất Đức Giang 'lao dốc' 45%, có 9.000 tỷ đồng gửi ngân hàng
Sản lượng tiêu thụ và giá bán một số mặt hàng giảm khiến lợi nhuận của Hóa chất Đức Giang chia tay chuỗi lãi nghìn tỷ đã xác lập 5 quý liên tiếp. Tuy nhiên, công ty vẫn là là một trong các doanh nghiệp dư dả nhất về tài chính với tiền mặt cao, nợ vay thấp.
CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã DGC) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023 với doanh thu trong kỳ đạt gần 2.500 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi khấu trừ giá vốn, lãi gộp còn hơn 890 tỷ đồng, chỉ bằng phân nửa quý 1/2022.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp đôi, đạt 164 tỷ đồng; các khoản chi phí đều giảm. Tuy nhiên do doanh thu giảm mạnh nên lãi sau thuế của công ty vẫn giảm 45% so với cùng kỳ, đạt 823 tỷ đồng. Đây cũng là kết quả đánh dấu sự kết thúc của chuỗi lãi ròng trên nghìn tỷ đồng trong 5 quý liên tiếp của DGC.
Hóa chất Đức Giang cho biết, lợi nhuận quý 1/2023 “lao dốc” là do sản lượng tiêu thụ và giá bán một số mặt hàng giảm nên doanh thu giảm. Trong đó, đối với phốt pho vàng, sản lượng tiêu thụ giảm 41%, doanh thu giảm 51,6%; đối với WPA, sản lượng tăng 1,4%, doanh thu giảm 20,1%; đối với phân bón các loại, sản lượng tăng 5%, doanh thu giảm 16,1%.
Kết quả sụt giảm của DGC là điều đã được dự báo trước, khi chính doanh nghiệp đặt kế hoạch 2023 “đi lùi” với doanh thu 10.875 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 3.000 tỷ đồng, giảm 50%. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, công ty đã hoàn thành 27% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, ông Đào Hữu Huyền - Chủ tịch HĐQT Hóa chất Đức Giang thừa nhận, sau năm đại thắng 2022 với lợi nhuận hơn 6.000 tỷ đồng, chưa biết đến năm nào, công ty mới quay trở lại mức lợi nhuận kỷ lục này.
Kết quả kinh doanh sụt giảm nhưng DGC đang sở hữu bảng cân đối tài chính khá lành mạnh. Vào thời điểm 31/3/2023, tổng tài sản của DGC là hơn 13.200 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm phần lớn tỷ trọng, đạt 10.800 tỷ đồng; gồm hơn 158 tỷ đồng tiền mặt và hơn 8.700 tỷ đồng là các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi có kỳ hạn từ 3-12 tháng).
Nợ phải trả cũng giảm nhẹ so với đầu năm, ghi nhận ở mức gần 2.200 tỷ đồng. Công ty không có nợ vay dài hạn. Vay ngắn hạn ở mức 967 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với đầu năm. Còn lại chủ yếu là nợ phải trả người bán ngắn hạn, phải trả ngắn hạn khác và quỹ khen thưởng, phúc lợi.
Với tiền mặt rủng rỉnh gần 9.000 tỷ đồng, DGC vừa thông qua chủ trương mua 100% cổ phần CTCP Phốt pho 6, với giá trị 635 tỷ đồng; mục đích là để tạo chuỗi sản phẩm chế biến sâu cho các sản phẩm H3PO4, Sodium Tripoly phosphate - STPP (NasP3O10), Sodium hexametha photphate - SHMP (NaPO3)6; ổn định thị trường xuất khẩu phốt pho.
Vào tháng 3 vừa qua, Đức Giang đã thực hiện mua thành công hơn 3,44 triệu cổ phiếu TSB, tương đương 51% cổ phần của CTCP Ắc quy Tia Sáng (Tibaco) với mức giá 135 tỷ đồng. Thông qua Tibaco, DGC đang có kế hoạch sản xuất pin lithium, sản phẩm quan trọng trong lĩnh vực xe điện.