Lợi nhuận LPBank giảm gần 32%, nợ có khả năng mất vốn tăng gấp 2,2 lần
Kết thúc quý 2/2023, LPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 2.446 tỷ đồng, giảm 31,8% so với cùng kỳ, nợ có khả năng mất vốn tăng từ 1.086 tỷ lên 2.438 tỷ, tương đương tăng 2,28 lần.
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank – LPB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 với nhiều biến động lớn về lợi nhuận kinh doanh, nợ xấu có dấu hiệu đi xuống rõ rệt.
Kinh doanh sa sút, nợ xấu tăng chóng mặt
Trong quý 2/2023, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ở mức 880 tỷ đồng, giảm 51% so với quý 2/2022. Hầu hết các mảng kinh doanh của LPBank đều không được tốt như cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần quý 2 sụt giảm 19,5% so với cùng kỳ xuống 2.450 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ cũng giảm 17,8% xuống 249 tỷ đồng. Lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 64% xuống còn 19 tỷ. Đặc biệt, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư bị âm 4,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 356 tỷ đồng.
Tổng thu nhập hoạt động quý 2/2023 của LPBank ở mức 2.886 tỷ, giảm 23,4% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động vẫn tăng 10,3% lên 1.479 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro giảm 17,5% xuống 525 tỷ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của LPBank đạt 2.446 tỷ đồng, giảm 31,8% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt 1.951 tỷ đồng, giảm 31,8%. Nhìn chung nguyên nhân do thu nhập hoạt động kém khả quan. Trong các mảng kinh doanh thì mảng kinh doanh ngoại hối có lãi tích cực hơn, đạt 164 tỷ đồng trong 6 tháng, tăng 334% so với cùng kỳ.
Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của LPBank đạt 350.243 tỷ đồng, tăng 6,9% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 7,6% lên 253.392 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 3,8% lên 224.126 tỷ đồng.
Nợ xấu nhà băng này tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm lên 5.656 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng gấp 2,28 lần lên 2.438 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,46% hồi đầu năm lên 2,23%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu sụt giảm từ 142% xuống 78%.
Báo cáo tài chính của ngân hàng cũng cho biết, tại ngày 30/6/2023, ngân hàng có 10.818 nhân viên, giảm tới 1.464 nhân sự so với cuối tháng 3/2023 và 1.385 nhân sự so với cuối tháng 12/2022.
Theo giải trình của LPBank về kết quả lợi nhuận, ngân hàng cho rằng tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, do đó đã tác động đến hoạt động kinh doanh của nhiều cá nhân và hoanh nghiệp thuộc các lĩnh vực kinh tế, trong đó có ngành ngân hàng.
Trước đó, tại phiên họp thường niên 2023 diễn ra hồi tháng 4, đại hội đồng cổ đông LPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm nay ở mức 6.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022. Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh như hiện tại, mục tiêu lợi nhuận mà đại hội cổ đông đưa ra trước đó khó có thể đạt được, việc này đè nặng lên hoạt động kinh doanh nửa cuối năm 2023 của toàn thể cán bộ công nhận viên LPBank.
Trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm 500 triệu cổ phiếu
Trước đó, LPBank cho biết, ngày 23/8 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu và thực hiện quyền mua cổ phiếu.
LPBank dự kiến phát hành hơn 328,53 triệu cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 100:19, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 19 cổ phiếu mới. Số cổ phiếu lẻ thập phân (nếu có) sẽ bị hủy bỏ.
Nguồn vốn phát hành là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2022 trên Báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2022 của LPBank, tương ứng hơn 3.903,84 tỷ đồng.
Đồng thời, ngân hàng dự kiến phát hành 500 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100:28,916, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được hưởng 1 quyền, cứ 100.000 quyền sẽ được mua 28.916 cổ phiếu mới. Giá phát hành là 10.000 đồng/CP.
Số cổ phiếu do Cổ đông hiện hữu không thực hiện quyền mua, thực hiện không hết quyền mua và số lượng cổ phiếu lẻ phát sinh sau khi gộp sổ và sẽ do Hội đồng quản trị lựa chọn, quyết định phân phối cho các nhà đầu tư khác và quyết định giá chào bán nhưng không thấp hơn 10.000 đồng/CP. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày kết thúc chào bán.
Thời gian chuyển nhượng quyền mua từ ngày 05/09/2023 đến ngày 22/09/2023, thời gian đăng ký đặt mua và nộp tiền mua cổ phiếu từ ngày 05/09/2023 đến ngày 26/09/2023.
Kết thúc ngày 26/7, cổ phiếu LPB đang giao dịch ở mức 16,350 đồng/cp, giảm 150 đồng/cp so với ngày 25/7.
Bổ nhiệm Tổng giám đốc mới, kinh doanh tốt lên?
Cuối tháng 6/2023, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn số 4828/NHNN-TTGSNH về việc chấp thuận việc bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) đối với ông Hồ Nam Tiến. Trước đó, ngày 17/3/2023, Hội đồng Quản trị LPBank đã giao nhiệm vụ cho ông Hồ Nam Tiến chức danh Quyền Tổng Giám đốc, đảm nhiệm quyền hạn và nhiệm vụ của Tổng giám đốc.
Ông Hồ Nam Tiến sinh năm 1971, là Thạc sỹ Ngân hàng. Ông đã có 30 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và giữ vai trò quản lý cấp cao tại các tổ chức, định chế tài chính. Ông Hồ Nam Tiến gia nhập LPBank từ năm 2010 và đã có 13 năm kinh nghiệm đảm nhận các vị trí lãnh đạo cấp cao tại đây. Trong suốt thời gian công tác tại Ngân hàng, ông đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của LPBank, góp phần và những kết quả kinh doanh ấn tượng của Ngân hàng.
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, hoạt động kinh doanh của LPBank trong 2 quý đầu năm 2023 liên tục đi xuống. Việc bổ nhiệm Tổng giám đốc của LPBank được cổ đông đặt nhiều kỳ vọng đối với mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm nay ở mức 6.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022 trong đại hội cổ đông trước đó. Với kỳ vọng này, cổ đông vẫn phải tiếp tục chờ thêm 6 tháng cuối năm từ tài điều hành LPBank của vị tân Tổng giám đốc này.