Lợi nhuận ngân hàng giảm mạnh
Tình trạng sụt giảm lợi nhuận của các ngân hàng hầu hết đều do tăng trưởng thu nhập lãi thuần chậm vì giảm lãi suất, tăng trưởng tín dụng thấp và tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro.
Tín dụng yếu, nợ xấu tăng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 vừa được công bố, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) sụt giảm 11,14% so với cùng kỳ, chỉ đạt 5.222 tỷ đồng. Vietcombank cũng mạnh tay tăng dự phòng rủi ro cho vay khách hàng đến gần 40% so với thời điểm ngày 31/12/2019, từ hơn 10.416 tỷ đồng lên 14.548 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng 12% lên 4.910 tỷ đồng. Đây là những nguyên nhân chính kéo lùi lợi nhuận của ngân hàng trong những tháng đầu năm.
Báo cáo mới đây nhất của Fitch Ratings cho biết, nếu tiếp tục bổ sung dự phòng cho những khoản vay yếu mới, các ngân hàng có thể sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt vốn lên tới 2,5 tỷ USD để đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của NHNN theo chuẩn Basel II là 8%, trong đó các ngân hàng quốc doanh sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt vốn lớn nhất.
Kết thúc quý I/2020, sau khi trừ đi các chi phí, BacABank đạt lợi nhuận trước thuế 178,6 tỷ đồng. So sánh với lợi nhuận gần 245 tỷ đồng của cùng kỳ 2019, lợi nhuận của BacABank giảm tới 27%. Tại Sacombank, lợi nhuận trước thuế quý I/2020 sụt giảm 7% so với cùng kỳ, đạt 988 tỷ đồng, rời mốc lợi nhuận nghìn tỷ. Sau khi trừ thuế, lợi nhuận Sacombank trong quý này còn lại 785 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân khiến lợi nhuận của các ngân hàng sụt giảm mạnh, một chuyên gia ngân hàng cho biết, bên cạnh việc tín dụng tăng trưởng èo uột, lợi nhuận biên (NIM) của các ngân hàng đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước do tốc độ giảm lãi suất cho vay mạnh hơn lãi suất huy động. Bên cạnh đó, 2 triệu tỷ đồng dư nợ có nguy cơ rơi vào nợ xấu (thống kê của NHNN), kéo lùi những thành quả cải thiện sức khỏe hệ thống ngân hàng những năm qua.
Với các ngân hàng khác như Techcombank (lợi nhuận trước thuế đạt 3.121 tỷ đồng), VietinBank (lợi nhuận trước thuế đạt 2.974,4 tỷ đồng, giảm 5,7% so với 3 tháng đầu năm 2019), VPBank (lợi nhuận trước trích lập đạt 4.288,2 tỷ đồng), BIDV (báo lãi trước thuế quý I ở mức 1.811 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ), HDBank (lợi nhuận trước thuế đạt 1.251 tỷ đồng).
Lợi nhuận giảm mạnh hơn ở quý II/2020
Tại thời điểm này, nợ xấu của nhiều ngân hàng đang phình to. Theo lãnh đạo một ngân hàng TMCP, trong tháng 2/2020, ngân hàng này mới có khoảng 1.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng đến tháng 3, số lượng khách hàng bị ảnh hưởng đã tăng gấp hơn 10 lần. Dù ngân hàng có giãn, khoanh hoặc hoãn nợ, khả năng nợ xấu vẫn có thể lên tới 1%. Hiện ngân hàng đang tính các phương án để thắt chặt rủi ro, bảo đảm an toàn vốn và tập trung hỗ trợ DN.
NHNN cam kết đủ vốn cho nền kinh tế, căn cứ theo nhu cầu vốn thực tế có thể xem xét tăng chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng cao hơn so với đầu năm. Thời gian tới, NHNN xem xét giảm thêm lãi suất điều hành, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu và thị trường mở.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng
Đến 31/3/2020, Sacombank có tới hơn 4.710 tỷ đồng nợ xấu ở nhóm có khả năng mất vốn, chiếm tới trên 85,5% tổng số dư nợ xấu tại ngân hàng vào cùng thời điểm. Tại Saigonbank, nợ xấu nội bảng đã tăng tới 95% trong 3 tháng đầu năm lên 377 tỷ đồng, trong đó chủ yếu do nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của ngân hàng này tăng mạnh từ 1,96% lên 2,65%. Nợ xấu của TPBank cuối tháng 3 là 1.884 tỷ đồng, tăng 53% so với đầu năm. Một số ngân hàng khác cũng có tỷ lệ nợ xấu (trên dư nợ cho vay khách hàng) tăng trong quý I/2020 như BacABank tăng từ 0,69% lên 0,79%; SeABank tăng từ 2,31% lên 2,34%; VIB tăng từ 1,96% lên 2,19%... ở thời điểm ngày 31/3/2020.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, tính đến 8/5, hệ thống ngân hàng đã cơ cấu lại nợ cho 215.000 khách hàng với dư nợ 130.000 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng cũng đã giảm lãi suất cho 260.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng. Đồng thời, các ngân hàng cũng tiếp tục giải ngân mới 630.000 tỷ đồng cho 182.000 khách hàng với lãi suất thấp hơn và miễn, giảm phí hơn 1.000 tỷ đồng.
Báo cáo của SSI đánh giá, với nhiệm vụ giảm lãi suất cho vay có thể khiến khả năng mở rộng NIM của các ngân hàng bị hạn chế so với giai đoạn trước khi diễn ra dịch bệnh. SSI đã điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận trước thuế đối với 10 ngân hàng mà tổ chức này theo dõi lần lượt giảm 16,4% so với dự báo trước đây.
Theo VDSC, các ngân hàng theo đuổi mục tiêu quản lý tốt chất lượng tài sản có thể sẽ chứng kiến chi phí dự phòng tăng mạnh, ít nhất trong quý II hoặc hai quý đầu năm 2020. Như vậy, sau năm 2017 – 2018 ghi nhận tăng trưởng cao, ngành ngân hàng dự kiến sẽ chứng kiến mức giảm tốc đáng kể về mức độ tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2020.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/loi-nhuan-ngan-hang-giam-manh-384091.html