Lợi nhuận ngân hàng năm 2025: Trông chờ vào thu hồi nợ xấu bất động sản?

Với triển vọng thị trường bất động sản tiếp tục ấm lên về mặt thanh khoản nhờ khơi thông pháp lý, BSC cho rằng thu hồi nợ xấu sẽ là 'chiếc lốp dự phòng' cho các nhà băng cán đích lợi nhuận 2025...

Nhóm ngân hàng tư nhân tiếp tục đặt kế hoạch lợi nhuận 2025 mạnh mẽ hơn so với các ngân hàng quốc doanh, trong đó tổng hợp các ngân hàng tư nhân BSC theo dõi đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2025 tăng trưởng hơn 16% so với cùng kỳ. Ngược lại, hiện chỉ có VCB chính thức trình Đại hội cổ đông mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2025 với mức tăng trưởng thận trọng ở 3,5%.

NIM TIẾP TỤC THU HẸP

Các ngân hàng đánh giá rủi ro trước mắt là chưa đáng kể, ít nhất trong nửa đầu năm 2025 với tình hình tăng trưởng khả quan. Nếu có điều chỉnh kế hoạch kinh doanh thì khi đó phải là từ quý 3/2025 trở đi sau khi thời hạn 90 ngày hoãn thuế kết thúc.

Ảnh hưởng trực tiếp từ nhóm FDI & Xuất khẩu tới các ngân hàng trước mắt là không lớn, tuy nhiên cần quan sát thêm trong nửa cuối năm. Theo số liệu tính tới cuối năm 2024, các ngân hàng quốc doanh thường có dư nợ cho nhóm FDI cao hơn rõ rệt so với các ngân hàng tư nhân, nhờ lợi thế về quy mô vốn, uy tín lâu đời và tập khách hàng lâu năm của nhóm này.

Tuy nhiên, tỷ trọng dư nợ cho vay vào các ngành có liên quan trực tiếp tới xuất khẩu sang Mỹ hiện nay tương đối thấp, chỉ chiếm từ khoảng 2% đến 10% tổng dư nợ tùy từng ngân hàng.

Trong mùa đại hội đồng cổ đông vào tháng 4 vừa qua, ban lãnh đạo các ngân hàng cũng cho biết, với tỷ trọng đóng góp dư nợ của nhóm xuất nhập khẩu và FDI thấp, tác động trực tiếp từ chính sách thuế quan đối với hoạt động kinh doanh của ngân hàng là không đáng kể trong ngắn hạn. Tuy nhiên, ảnh hưởng gián tiếp là tương đối khó đo lường, do liên quan đến các vấn đề về việc làm và thu nhập của người lao động.

Trên cơ sở đánh giá sơ bộ, BSC cho rằng tác động trong ngắn hạn từ sự thay đổi môi trường xuất khẩu Mỹ đến ngành ngân hàng là không đáng kể. Tuy nhiên, để có cái nhìn toàn diện và chính xác hơn, cần tiếp tục theo dõi sát sao các diễn biến trong trung hạn để đánh giá đầy đủ các ảnh hưởng lan tỏa và dài hạn đối với ngành ngân hàng, đặc biệt về các yếu tố kinh tế vĩ mô.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện so với cùng kì. Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 03/2025, tăng trưởng tín dụng và huy động toàn hệ thống lần lượt đạt 3,5% và 2,3% từ đầu năm, tích cực hơn 1,4% và -05% tại thời điểm cùng kì năm ngoái.

Ngân hàng Nhà nước cũng vừa công bố triển khai gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 500 nghìn tỷ đầu tư hạ tầng và công nghệ số. Nguồn vốn cam kết đến từ các ngân hàng thương mại. Dù vậy, việc tài trợ chủ đầu tư hạ tầng cũng đặt ra cho các ngân hàng bài toán về cho vay kì hạn dài, tổng vốn đầu tư lớn, tỷ lệ tham gia của vốn Ngân sách Nhà nước ở mức hạn chế (vốn ngân hàng thường chiếm ~80%), thời gian thu hồi lâu, NIM kém cạnh tranh, ...

Điều này cũng gia tăng nhu cầu huy động nguồn trung dài hạn (điển hình là qua phát hành ) từ phía các ngân hàng, phần nào gây áp lực lên chi phí vốn.

Việc tham gia vào cho vay các doanh nghiệp liên quan như sắt thép, nhựa, vật liệu xây dựng, … sẽ có lợi hơn về quản trị chất lượng tài sản và NIM xét từ góc độ của các ngân hàng.

Tuy nhiên NIM tiếp tục thu hẹp, chưa có nhiều triển vọng cải thiện khi “cuộc đua vũ trang” ngày càng căng thẳng. NIM trong quý của danh sách BSC theo dõi giảm xuống 3,4% tại cuối Q1/25, gần ngang mức thấp nhất ghi nhận trong 2020.

TRÔNG CHỜ VÀO THU HỒI NỢ XẤU

Thu hồi nợ xấu là động lực quan trọng với một số ngân hàng trong 2025, bù đắp cho xu hướng hi sinh NIM đổi lấy tăng trưởng quy mô.

Với triển vọng thị trường bất động sản tiếp tục ấm lên về mặt thanh khoản nhờ khơi thông pháp lý, BSC cho rằng thu hồi nợ xấu sẽ là “chiếc lốp dự phòng” cho các nhà băng cán đích lợi nhuận 2025, đặc biệt là các ngân hàng có tỷ lệ xóa nợ cao trong các năm qua và việc lựa chọn tài sản đảm bảo được đánh giá kĩ càng.

Điển hình là CTG khi ban lãnh đạo chia sẻ tại Đại hội cổ đông 2025 rằng ngân hàng kì vọng lợi nhuận từ thu hồi nợ năm nay đạt 10 nghìn tỷ trong kịch bản cơ sở (so với 8,5 nghìn tỷ cùng kì), phấn đấu đạt 12-14 nghìn tỷ.

Các ngân hàng khác dù chưa chia sẻ cụ thể mục tiêu lợi nhuận từ nợ đã xử lý rủi ro trong kế hoạch 2025, BSC cho rằng đây sẽ là cấu phần đóng góp đáng kể trong cơ cấu lợi nhuận năm nay, đặc biệt là khả năng Nghị quyết 42 sẽ được chính thức luật hóa (thảo luận trong kì họp Quốc hội tháng 05/2025).

Ngược lại, một số mảng thu ngoài lãi khác như kinh doanh ngoại hối và chứng khoán đầu tư chủ yếu từ danh mục trái phiếu Chính phủ được dự kiến gặp nhiều khó khăn hơn trong năm nay vì tỷ giá và dòng tiền ra/vào biến động khó lường trước những thông tin vĩ mô từ bên ngoài và nhiều ngân hàng đã hiện thực hóa lợi nhuận từ danh mục trái phiếu Chính phủ trong 2024 khiến tỷ trọng của cấu phần này trong tổng tài sản giảm về mức thấp lịch sử. Bên cạnh những yếu tố nền tảng, đây cũng là 2 mảng hoạt động ghi nhận mức nền tương đối cao cùng kì năm ngoái.

Thu nhập phí và dịch vụ còn nhiều bất định trong thời gian tới do tình hình xuất nhập khẩu có thể chịu ảnh hưởng xấu từ thuế quan, từ đó ảnh hưởng đến thu nhập phí từ tài trợ thương mại, trong khi thị trường bảo hiểm qua kênh ngân hàng tiếp tục phục hồi chậm.

Với vai trò của tổ chức trung gian, ngành ngân hàng vẫn sẽ là một trong những ngành chịu ảnh hưởng sau cùng nếu Mỹ quyết định áp mức thuế đối ứng cao hơn kì vọng đối với Việt Nam. Điều này được phần nào phản ánh trên thị trường khi các cổ phiếu ngân hàng đã phục hồi tương đối khả quan (so với các ngành khác) sau những phản ứng ban đầu về thông tin mức thuế 46%.

Do đó, trong kịch bản cơ sở của BSC rằng Việt Nam đàm phán được mức thuế xuống khoảng 22-28%, ngành ngân hàng vẫn là một trong những lựa chọn hàng đầu của BSC, tuy nhiên cần sự chọn lọc cổ phiếu dù hầu hết các ngân hàng đã được về vùng chiết khấu đáng kể so với lịch sử.

BSC đánh giá cao ngân hàng ít chịu ảnh hưởng trực diện từ chính sách thuế quan trong khi hưởng lợi từ sự phục hồi của thị trường bất động sản trong nước với hạn mức tín dụng và NIM vượt trội như HDB, MBB, TCB, VPB; hay Các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và có động lực thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận từ cắt giảm chi phí tín dụng và thu hồi nợ đã xử lý rủi ro như CTG; hoặc Các ngân hàng có định giá được chiết khấu quá mức, về tiệm cận mức thấp lịch sử trong khi có kế hoạch phát hành cổ phần cải thiện CAR như BID và VCB.

Thu Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/loi-nhuan-ngan-hang-nam-2025-trong-cho-vao-thu-hoi-no-xau-bat-dong-san.htm