Lợi nhuận ngân hàng quý II sẽ có nhiều 'gam sáng'
Tín dụng tăng cao trong nửa đầu năm là một trong những yếu tố chính tác động tích cực lên tăng trưởng lợi nhuận bán niên của ngân hàng, dù biên lãi ròng chịu áp lực giảm.

Kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2025 lên mức 16,8%
Tín dụng tăng cao
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính tới ngày 30/6/2025, tín dụng toàn hệ thống tăng gần 10%, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2024 với lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế rất lớn. Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, vốn là mạch máu của nền kinh tế nên để kinh tế Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng từ 8% trong năm nay và tăng 2 chữ số trong các năm tiếp theo, tín dụng là một động lực không thể thiếu.
Tín dụng dự báo khả năng sẽ tăng cao hơn mục tiêu đề ra 16% cho năm nay. Lạm phát sẽ kiểm soát được mục tiêu đề ra, nên khả năng tín dụng đưa ra nền kinh tế trong năm nay sẽ lớn. Tuy nhiên, theo ông Quang, NHNN cũng luôn kiểm soát lạm phát để cân bằng giữa mục tiêu lạm phát và việc đẩy vốn ra nền kinh tế. Vì thế, NHNN cũng sẽ cân nhắc trong việc nới room tín dụng cho các ngân hàng để có thêm dư địa cho vay.
Agribank cho biết, hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2025 của toàn hệ thống đạt kết quả tích cực so với cùng kỳ năm trước, cao nhất sau 4 năm triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Lũy kế 6 tháng đầu năm, nguồn vốn huy động của Agribank đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 6,4% so với đầu năm. Dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 7,6% so với đầu năm và cao hơn cùng kỳ năm 2024. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 1,13 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 61% tổng dư nợ nền kinh tế. Trước đó, Agribank đã công bố báo cáo mục tiêu tổng quát, kế hoạch kinh doanh năm 2025. Trong đó, lợi nhuận trước thuế ở mức 28.688 tỷ đồng và được điều chỉnh theo ý kiến của NHNN sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, Agribank không nêu rõ đây là lợi nhuận riêng lẻ hay hợp nhất.
Trong năm 2025, Agribank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng, dao động từ 3% đến 5% so với năm 2024 và không thấp hơn mức lợi nhuận kế hoạch được NHNN phê duyệt. Kết thúc năm 2024, Agribank báo lãi trước thuế hợp nhất 27.575 tỷ đồng, lãi trước thuế riêng lẻ 27.307 tỷ đồng. Từ đó có thể ước tính, theo kế hoạch trong báo cáo thường niên, mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất và riêng lẻ năm 2025 của Agribank tối thiểu lần lượt là 28.402 tỷ đồng hoặc 28.126 tỷ đồng.
Ông Từ Tiến Phát - Tổng giám đốc ACB cũng cho biết, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng tính đến cuối tháng 5/2025 đạt hơn 7% và ước tính cuối quý II/2025 tăng 8%.
Ông Trần Minh Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho hay, Ngân hàng đã đạt được những kết quả kinh doanh tích cực trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, dư nợ tín dụng ước tăng 10%; nguồn vốn huy động ước tăng hơn 9% so với cuối năm 2024; lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2024.
Trước đó, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VietinBank trong quý I/2025 đạt 6.823 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản đến cuối quý I/2025 đạt gần 2,47 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% so với đầu năm. Cho vay khách hàng tăng 4,6% lên hơn 1,8 triệu tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,55%.
Nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của VietinBank trong thời gian tới. Đơn cử, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, VietinBank đã đẩy mạnh giải ngân ngay từ đầu năm nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN đã đạt được kết quả tích cực trong nửa đầu năm nay.
VCBS kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng của VietinBank đạt 16,9% cho năm 2025 với động lực đến từ sự phục hồi tốt của phân khúc bán lẻ. Tệp khách hàng cá nhân, hộ gia đình và cho vay phục vụ sản xuất - kinh doanh vốn là thế mạnh của VietinBank (chiếm 63% tín dụng bán lẻ). Giai đoạn sắp tới, VietinBank đặt mục tiêu tăng tưởng vào nhóm khách hàng ưu tiên, tăng tốc số hóa dịch vụ. Trong khi đó, tín dụng bán buôn tiếp tục tăng trưởng ổn định với tốc độ dự báo đạt 13,8% với động lực từ tiêu dùng, đầu tư công, FDI, các dự án bất động sản khu công nghiệp, bất động sản dân cư, năng lượng tái tạo và các doanh nghiệp tiềm năng (điện tử, dệt may, vật liệu xây dựng)…
Lợi nhuận khả thi
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý III/2025 của các tổ chức tín dụng vừa được NHNN đưa ra cho thấy, tình hình kinh doanh và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý II có sự cải thiện tốt hơn so với quý I, nhưng thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng.
Biên lãi ròng (NIM) của VietinBank được VCBS dự báo bắt đầu phục hồi từ nửa cuối năm 2025 với động lực đến từ cả chiều huy động và cho vay. Trong đó, chi phí vốn duy trì mức thấp nhờ tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cải thiện và lãi suất huy động thấp, cùng việc tối ưu hóa nguồn vốn trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) và phát hành giấy tờ có giá. Tỷ lệ CASA của VietinBank đạt 23,6% - cao thứ 4 trong ngành và là một trong số ít ngân hàng thành công trong việc thu hút nguồn CASA ổn định từ khách hàng cá nhân trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Tính đến cuối quý I/2025, tiền gửi không kỳ hạn từ khách hàng cá nhân tăng 1,6% kể từ đầu năm và tăng 24,5% so cùng kỳ, là động lực góp phần giúp VietinBank tăng CASA và duy trì nguồn chi phí vốn thấp.
Chất lượng tài sản của VietinBank được kỳ vọng tiếp tục cải thiện nhờ nền kinh tế ấm dần lên, cùng với sự phục hồi của các hoạt động sản xuất - kinh doanh và thị trường bất động sản. Đồng thời, một số khách hàng tái cơ cấu, trong đó có một số khách hàng lớn đã hết thời gian thử thách được chuyển về nợ nhóm thấp hơn và sẽ được hoàn nhập trích lập trong quý II/2025. Vì thế, VCBS ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2025 của VietinBank đạt 36.982 tỷ đồng, tăng 16,4% so với năm 2024.
Tại ACB, tuy chưa ông bố lợi nhuận đạt được trong quý II/2025, song theo ông Từ Tiến Phát, Ngân hàng từng bước thực hiện theo kế hoạch đưa ra cả năm. Theo kết quả kinh doanh ước tính quý II/2025 của ACB vừa được Công ty Chứng khoán SSI đưa ra, NIM sẽ đi ngang so với quý trước và tăng trưởng tín dụng đạt 8% tại cuối quý. Trong khi đó, chất lượng tài sản duy trì ổn định ở mức 1,4-1,5%, giúp chi phí tín dụng quý II ở mức 0,35% (so với 0,42% trong quý I). Với nền lợi nhuận cao trong quý đầu năm, lợi nhuận trước thuế quý II/2025 dự báo đạt 5.250 tỷ đồng.
Tại Techcombank, lợi nhuận trước thuế quý II/2025 được SSI dự báo ở mức 7.850 tỷ đồng (tăng 0,3% so cùng kỳ năm trước và tăng 8,5% so quý trước đó). Tuy tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm đatk 9,2%, nhưng lợi nhuận Tecchombank được dự báo chỉ tăng nhẹ do NIM giảm và chi phí dự phòng có thể tăng.
Năm nay, Techcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16,4%; lợi nhuận trước thuế đạt 31.500 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm trước. Một trong những vấn đề được Tecchombank quan tâm là NIM, do áp lực cạnh tranh trong toàn ngành ngân hàng đang gia tăng đáng kể, nhất là đối với khách hàng vay có chất lượng tín dụng tốt. Cùng với đó, định hướng rõ ràng về việc hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều đó khiến lãi suất cho vay giảm nhanh, trong khi lãi suất huy động lại giảm chậm hơn, dẫn đến biên lợi nhuận thuần thu hẹp. Dù vậy, nếu so với mặt bằng chung, NIM 12 tháng qua của Techcombank vẫn cao hơn trung bình ngành và trong môi trường hiện nay, điều đó có thể xem là một kết quả tích cực. Vì thế, ngân hàng này vẫn tự tin với chỉ tiêu kinh doanh xây dựng cho cả năm 2025.
Thực tế, NIM của các ngân hàng chịu áp lực giảm trong nửa đầu năm nay. Cụ thể, theo dữ liệu từ Wichart, tính đến cuối quý I/2025, NIM của các ngân hàng niêm yết ở mức 3,31% - thấp nhất kể từ quý IV/2020. So với đỉnh 3,79% ghi nhận vào quý III/2022, NIM toàn ngành giảm liên tục trong 2 năm qua. Theo ghi nhận, NIM có sự phân hóa mạnh giữa các ngân hàng. Nhóm ngân hàng cổ phần quy mô lớn như VPBank, HDBank… ghi nhận NIM đều trên 5%, thậm chí tiệm cận 6%. Ngược lại, một số ngân hàng nhỏ chỉ ở mức dưới 2%.
Đánh giá về tác động thuế quan đến ngành ngân hàng, ông Lê Hoài Ân - CFA, chuyên gia nghiên cứu chiến lược ngân hàng cho rằng, sẽ không có ảnh hưởng trực tiếp quá lớn, bởi hoạt động chủ yếu của các ngân hàng là dịch vụ trong nước. Song, tác động gián tiếp lại đáng chú ý, đặc biệt tại những ngân hàng cho vay các doanh nghiệp xuất khẩu hoặc doanh nghiệp FDI.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý III/2025 của các tổ chức tín dụng vừa được NHNN đưa ra cho thấy, các tổ chức tín dụng đánh giá tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý II có sự cải thiện tốt hơn so với quý I, nhưng thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng. Tỷ lệ tổ chức tín dụng đánh giá tình hình kinh doanh suy giảm cũng đã giảm từ 14,8% trong quý I xuống còn 11,2% tại quý II. Xu hướng cải thiện dự báo tiếp tục duy trì trong các quý còn lại của năm. Đồng thời, các tổ chức tín dụng đã nâng kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2025 lên mức 16,8% - cao hơn tốc độ tăng trưởng thực tế của năm 2024.