Lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng ra sao trong năm 2025

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2025 được Ngân hàng Nhà nước đặt ra ở mức 16% và dự báo cầu sẽ cải hiện khi thị trường bất động sản dự báo dần hồi phục… tác động lên lợi nhuận của các ngân hàng.

Tín dụng sẽ tăng 15-16%

Nếu trong năm 2025, ngành ngân hàng cũng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng ở mức 16%, dư nợ tín dụng của nền kinh tế dự kiến leo lên mức hơn 18,1 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2025, tức tổng dư nợ có thể tăng thêm gần 2,5 triệu tỷ đồng.

MBS Research đánh giá, năm 2024, tăng trưởng tín dụng đạt 15%, thì năm 2025, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 15 - 16%, một phần sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam vào năm 2025. Sự phục hồi này sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi của hoạt động sản xuất và thương mại, nhờ nhu cầu trong và ngoài nước tăng lên. Điều này sẽ cho phép Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng vào năm 2025.

Lợi nhuận ngân hàng dự báo tăng trưởng 10-15% trong 2025.

Lợi nhuận ngân hàng dự báo tăng trưởng 10-15% trong 2025.

Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao. Việc giải ngân đầu tư công cao trong năm 2025 dự kiến tạo việc làm và hỗ trợ nhu cầu tín dụng, phù hợp với mục tiêu phục hồi kinh tế và triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó, các ngân hàng có thể có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn vào năm 2025 là những nhà băng sử dụng hạn ngạch tín dụng cao vào năm 2024. Các ngân hàng đã sử dụng hết hạn ngạch tín dụng cao vào năm 2024 sẽ có lợi thế cạnh tranh trong việc đảm bảo hạn ngạch tín dụng cho năm tài chính 2025.

Trong báo cáo triển vọng ngành 2025, Chứng khoán BIDV (BSC) cũng dự báo tăng trưởng tín dụng và huy động năm 2025 đạt lần lượt 14 - 15% và 13%. Các chuyên gia tài chính nhận định rằng, việc quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công trong 2025 (tăng 17% so với 2024 được kỳ vọng là yếu tố quyết định để cải thiện tình trạng này, cũng như cải thiện việc giải ngân trung, dài hạn qua các dự án hạ tầng trọng điểm. Nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ là đầu tàu trong việc này.

Còn ACBS dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng năm 2025 ở mức 15%, tương đương mục tiêu năm 2024 và cao hơn tăng trưởng GDP danh nghĩa (~10%), với lý do nền kinh tế dự báo tiếp tục phục hồi trong năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ ở mức 6,5%-7% và phấn đấu 7-7,5%.

Đầu tư công được Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh trong năm 2025 và kỳ vọng tăng trưởng vượt bâc trong giai đoạn 2026-2030. Kênh trái phiếu doanh nghiệp dự báo chưa sớm phục hồi, qua đó làm gia tăng vai trò của kênh tín dụng ngân hàng. Đồng thời, ACBS cũng kỳ vọng thị trường thị trường bất động sản năm 2025 sẽ phục hồi dần cộng với việc thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ, từ đó kích thích nhu cầu tín dụng gia tăng, qua đó hỗ trợ cho lợi suất cho vay của các ngân hàng trong nửa cuối năm 2025. Qua đó, NIM năm 2025 của các ngân hàng trong danh mục phân tích của ACBS được kỳ vọng tăng 0,05 điểm % so với năm 2024.

VCBS cho biết, năm 2025, lãi suất huy động sẽ đi ngang khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nỗ lực thúc đẩy tín dụng. Còn lãi suất cho vay sẽ duy trì ở mức thấp đến giữa năm 2025 theo định hướng hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngành và các ngân hàng. Cụ thể, các ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên có thể tiếp tục giảm nhẹ, trong khi những ngành phục hồi nhanh, rủi ro cao hơn như bất động sản và xây dựng có thể nhích lên theo đà tăng của lãi suất huy động.

Với bối cảnh kinh tế vĩ mô dự kiến cải thiện hơn trong năm 2025, SSI kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mức 16% trong năm 2025. Dư địa tăng trưởng có thể đến từ các ngành công nghệ thương mại, sản xuất và các công ty FDI. Ngoài ra, nhu cầu tín dụng phục hồi tập trung nhiều vào ngành xây dựng và bất động sản.

Lợi nhuận tăng khoảng 10-15%

Các chuyên gia nhận định, tín dụng, NIM và chất lượng tài sản là 3 yếu tố có tác động mạnh nhất tới ngân hàng năm 2025. VCBS dự báo, NIM (biên lãi ròng) sẽ tăng nhẹ trong năm 2025 khi chi phí vốn được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất huy động duy trì ở mức thấp và kỳ vọng tỷ giá hạ nhiệt kéo giảm lãi suất trên thị trường hai. Ngoài ra, dư địa giảm lãi suất đầu ra cũng không còn nhiều, giúp hỗ trợ NIM.

Tiềm năng mở rộng NIM mạnh mẽ thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân có thế mạnh về bán lẻ và tiền gửi không kỳ hạn (CASA), có chất lượng tài sản tốt, tập khách hàng có khả năng trả nợ hồi phục nhanh chóng.

Theo VCBS, các ngân hàng tư nhân có thể mạnh về bán lẻ và CASA sẽ có khả năng mở rộng NIM nhiều nhất. Trong bối cảnh NIM nhích nhẹ và tăng trưởng tín dụng có thể đạt 14 - 15%, lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng 15% vào năm 2025. Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận sẽ có sự phân hóa mạnh. Cụ thể, các ngân hàng quốc doanh được kỳ vọng sẽ báo cáo lợi nhuận tăng trưởng 12% trong năm 2025, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân năng động sẽ có lợi nhuận tăng trưởng tới 20%. Các ngân hàng còn lại, thường có quy mô nhỏ hơn sẽ chứng kiến lợi nhuận đi lên chỉ khiêm tốn 8%.

Các chuyên gia dự báo NIM cải thiện ở mức khiêm tốn, với mức tăng bình quân dưới 0,1 điểm % so với năm 2024. Tuy nhiên, một số ngân hàng sẽ có sự phục hồi vượt trội nhờ chiến lược đặc biệt, đơn cử Techcombank có thể cải thiện NIM 0,15% nhờ chi phí vốn thấp và chính sách lãi suất linh hoạt. VPBank cũng được kỳ vọng tăng 0,12% nhờ khẩu vị giải ngân thận trọng và sự phục hồi của tín dụng bán lẻ. Trước những kịch bản cơ sở, các chuyên gia phân tích của BSC đưa ra dự báo tích cực kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng 2025 (nhóm ngân hàng nghiên cứu) tiếp tục cải thiện lên mức 20% (so với mức 14% dự kiến trong 2024).

ACBS dự báo lợi nhuận trước thuế 2025 của các ngân hàng trong danh mục theo dõi sẽ tăng trưởng 14,9% so với cùng kỳ, chậm lại đôi chút so với mức tăng trưởng 16,2% dự kiến của năm 2024. Trong đó, dự báo tổng thu nhập của các ngân hàng tăng trưởng 15,3% với động lực tăng trưởng đến từ tăng trưởng tín dụng tiếp tục ở mức cao là 15,6%. Trong khi thu nhập ngoài lãi dự báo chỉ tăng trưởng 8,5% do mảng bán chéo bảo hiểm dự báo tiếp tục khó khăn. Chi phí hoạt động được kiểm soát, giúp các ngân hàng vẫn đảm bảo khả năng sinh lời vững chắc trong 2025.

Trong khi đó, một chuyên gia phân trích trong lĩnh vực tài chính dự phóng, lợi nhuận trước thuế 2024 ngành ngân hàng tăng 14%, khi NIM chưa thể cải thiện. Bước sang năm 2025, kỳ vọng ngành sẽ tăng trưởng, đến từ tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng trong khi NIM tiếp tục đi ngang. Nhận định về định giá nhóm ngành ngân hàng trên thị trường chứng khoán, sau giai đoạn tái cấu trúc, ROE của ngành đã thay đổi, P/B đã nhích nhẹ và hiện đang dao động ở dưới độ lệch chuẩn.

SSI dự báo, NIM ngân hàng năm 2025 sẽ ổn định ở mức 3,48%, với sự khác biệt giữa khối quốc doanh đạt 2,77% (tăng 0,05 điểm %) và khối cổ phần đạt 4,24% (giảm 0,07 điểm %). Lợi nhuận trước thuế ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng 17,4%.

Theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu MBS đã chỉ ra 3 câu chuyện định hình ngành ngân hàng năm 2025 gồm: Tín dụng, NIM và chất lượng tài sản. Bà Hiền cho rằng, năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế gần 8% thì tín dụng dự kiến tăng trưởng 16%, nhưng sẽ có phân hóa giữa các ngân hàng.

Tín dụng năm 2025 sẽ chịu tác động bởi 2 yếu tố, gồm cho vay bất động sản cao và hưởng lợi từ giải ngân đầu tư công. Đồng thời, NIM của ngân hàng đang có xu hướng đi xuống đạt khoảng 4,5% nhưng vẫn cao hơn so với một số thị trường xung quanh, như Thái Lan NIM chỉ 3%, Singapore hơn 2%. Lãi suất đầu vào có xu hướng đi ngang, nhưng lãi suất cho vay sẽ có xu hướng giảm. Do đó, với những ngân hàng nào giải quyết được bài toán đầu vào- đầu ra sẽ có khả năng sinh lời cao.

Vân Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/loi-nhuan-ngan-hang-tang-truong-ra-sao-trong-nam-2025-d237444.html