Lợi nhuận OCB hụt hơn 1.100 tỷ đồng, lỗ nặng khoản đầu tư chứng khoán
Năm 2022, lợi nhuận trước thuế OCB đạt 4.389 tỷ đồng, hụt hơn 1.100 tỷ đồng so với năm 2021. Mặt khác, hoạt động mua bán chứng khoán tại OCB những năm trước được gọi là 'gà đẻ trứng vàng' thì năm nay lại lỗ hơn 217 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB, Mã: OCB) vừa công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022.
Theo đó, thu nhập lãi thuần năm 2022 của ngân hàng đạt 6.948 tỷ đồng, tăng 22,2% so với năm 2021. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối đều tăng lần lượt 29,2% và 45%. Tuy nhiên, 2 mảng đầu tư chứng khoán được ví như "gà đẻ trứng vàng" cho OCB mọi năm thì năm nay lại báo lỗ.
Cụ thể, năm 2022, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh ghi nhận lỗ 77 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước báo lãi gần 124 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư báo lỗ 140 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước báo lãi "khủng" lên tới 1.144 tỷ đồng. Đây có lẽ là 2 khoản đầu tư thua lỗ khiến cho lợi nhuận năm 2022 OCB sụt giảm về 4.389 tỷ đồng, tương đương giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2021.
Thua lỗ từ chứng khoán khiến năm 2022, OCB phải tăng vọt các khoản dự phòng rủi ro chứng khoán đầu tư lên gần 32 tỷ đồng, gấp 2,8 lần, tương đương tăng 183% so với năm trước. Trong đó, dự phòng giảm giá tăng từ 2,3 tỷ đồng (2021) lên gần 12 tỷ đồng (2022), dự phòng chung tăng từ 7,2 tỷ đồng (2021) lên 22 tỷ đồng (2022).
Trước đó, OCB đã lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 của OCB kỳ vọng đạt 7.110 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022, nhà bằng này chỉ đạt 62% mục tiêu đề ra.
Năm 2022, OCB ghi nhật các hoạt động lưu chuyển tiền thuần luôn tục sụt giảm. Cụ thể, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2022 tại OCB âm hơn 1.700 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước đạt 5.500 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần vào hoạt động đầu tư cũng ghi nhận âm 1.500 tỷ đồng, cùng kỳ âm 66 tỷ đồng. Đặc biệt, lưu chuyển tiền thuần trong năm tăng trưởng âm 3.250 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt 5.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhà băng đã tăng mạnh khoản nợ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước vào năm 2022 lên 2.594 tỷ đồng, gấp gần 20 lần so với năm 2021. Trong đó, chủ yế là khoản vay chiết khấu, tái chiết khấu giấy tờ có giá phát sinh năm 2022 ghi nhận 2.483 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ cho vay, tổng nợ xấu năm 2022 của OCB là 2.669 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn, vọt lên 1.372 tỷ đồng, tương đương tăng 87% so với cùng kỳ năm trước. Điều này dẫn tới tỷ lệ nợ xấu tại nhà băng tăng lên 2,2% so với đầu năm 2022 là 1,32%. Đây có lẽ là lý do mà OCB tăng trích lập dự phòng rủi ro khách hàng lên 1.582 tỷ đồng, tương đương hơn 41% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của OCB đạt 193.994 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng huy động thị trường 1 đạt 137.403 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Dư nợ thị trường 1 tăng 19% so với năm 2021 đạt 122.792 tỷ đồng.
Năm 2022, tổng thu nhập chung của thành viên HĐQT và Ban giám đốc OCB có giảm so với năm 2021, nhưng một số cá nhân lãnh đạo lại tăng. Theo BCTC, năm 2022, ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT nhận mức thu nhập hơn 15 tỷ đồng/năm, tương đương 1,25 tỷ đồng/tháng, tắng 10% so với năm trước. Trong khi đó, ông Ito Takeshi - thành viên HĐQT thu nhập đạt 850 triệu đồng/năm, giảm 37% so với năm 2021. Còn lại các thành viên khác tăng giảm nhẹ trong biên độ trên dưới 10% so với năm trước.
Ngân hàng TMCP Phương Đông thành lập từ ngày 10/06/1996. Với gần 27 năm hoạt động và phát triển, OCB hiện có hơn 200 đơn vị kinh doanh trải dài tại khắp các tỉnh, thành, trung tâm kinh tế trọng điểm trên cả nước.
Hiện nay, Chủ tịch OCB là ông Trịnh Văn Tuấn (sinh năm 1965). Ông gia nhập OCB từ tháng 08/2010 đến nay, được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2011 - 2015; Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2015 - 2020 và tiếp tục là Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/4, cổ phiếu OCB đóng cửa đạt 16.400/cp, tăng 200/cp so với phiên giao dịch ngày hôm qua (19/4).