Lợi nhuận sau thuế của DPM đã đạt 93% kế hoạch cả năm

Lợi nhuận 6 tháng đầu năm của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (PVFCCo, mã chứng khoán DPM) ước đạt 503 tỷ đồng, bằng 93% so kế hoạch cả năm và tăng 37% so với cùng kỳ.

Sản phẩm phân đạm Phú Mỹ được khách quốc tế đánh giá cao. Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN

Sản phẩm phân đạm Phú Mỹ được khách quốc tế đánh giá cao. Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN

Theo DPM, việc tăng cường kiểm soát chặt chẽ chi phí góp phần giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp lên 15,8% so với mức 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình hình tài chính tiếp tục được duy trì lành mạnh với lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng đạt hơn 9.700 tỷ đồng, chiếm gần 62% tổng tài sản. Tính đến hết quý II/2024, tổng tài sản của DPM đạt hơn 15.700 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng lên 12.000 tỷ đồng, nợ vay tài chính ngắn hạn ở mức thấp 1.682 tỷ đồng.

Trong 6 tháng qua, giá phân đạm ure có xu hướng hồi phục sau khi chạm đáy vào quý II/2023. Sự phục hồi này diễn ra trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt khi Trung Quốc và Nga hạn chế xuất khẩu, cùng với việc một số nhà máy phải cắt giảm công suất do bảo trì và thiếu hụt nguồn khí. Giá ure 6 tháng qua đã tăng nhẹ so với giá trung bình năm 2023 nhưng vẫn ở mức hợp lý nên nông dân có thể đầu tư tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, lượng tiêu thụ phân ure của DPM ở thị trường trong nước và xuất khẩu đạt 501 ngàn tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Với việc giá bán ure và sản lượng tiêu thụ ure tăng nhẹ, lợi nhuận của DPM đã tăng hơn.

Cùng với ure, sản lượng kinh doanh phân bón NPK trong 6 tháng đầu năm đạt 87 ngàn tấn, hoàn thành 61% kế hoạch năm, tăng 21% so với cùng kỳ. Theo dự báo, tiêu thụ NPK sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm 2024 nhờ các yếu tố như giá bán giảm thúc đẩy sức mua, tiềm năng tăng trưởng thị phần ở phân khúc NPK chất lượng cao và nhà máy NPK Phú Mỹ của DPM sẽ vận hành với công suất cao. Đồng thời, giá các loại nguyên liệu đầu vào giảm cũng góp phần cải thiện lợi nhuận của DPM. Ngoài ra, giá bán nông sản hiện đang cao, thị trường xuất khẩu nông sản được mở rộng đang tạo thuận lợi cho nông dân tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất, vì vậy sẽ góp phần làm tăng nhu cầu phân bón cho sản xuất.

Tuy nhiên, bên cạnh các thuận lợi, trong nửa cuối năm 2024, hoạt động sản xuất kinh doanh của DPM vẫn đối mặt với áp lực tỷ giá, làm ảnh hưởng đến giá mua nguyên vật liệu, thiết bị sản xuất, hàng hóa…

Một góc Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN

Một góc Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN

Để hoàn thành kế hoạch cả năm 2024, DPM tiếp tục vận hành các nhà máy sản xuất phân bón hiệu quả, an toàn và ổn định; ưu tiên hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. DPM cũng tiếp tục theo dõi chặt diễn biến thị trường, tăng cường dự báo để có quyết định kinh doanh tối ưu. Cùng đó, DPM cũng xem xét chuyển đổi mô hình kinh doanh, hệ thống phân phối để phù hợp với bối cảnh thị trường. Ngoài ra, DPM đặt mục tiêu tìm kiếm và tận dụng mọi cơ hội xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và Philippines nhằm giảm áp lực dư cung từ thị trường nội địa trong giai đoạn thấp điểm mùa vụ.

Hiện DPM chiếm 38% thị phần tiêu thụ ure trong nước, 11% thị phần NPK và /25% thị phần NH3.

Trên thị trường chứng khoán, mở cửa phiên giao dịch sáng 7/8, cổ phiếu DPM đang dao động quanh mốc 34.000 đồng/cổ phiếu. Tính từ đầu năm đến nay, thị giá DPM đã tăng 2,1%, trong đó giá đóng cửa cao nhất là 39.000 đồng/cổ phiếu (ngày 11/6) và giá đóng cửa thấp nhất là 31.200 đồng/cổ phiếu (ngày 19/4).

A.N/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/loi-nhuan-sau-thue-cua-dpm-da-dat-93-ke-hoach-ca-nam/342930.html