Lợi nhuận sụt giảm 71%, Tập đoàn Sao Mai (ASM) vẫn dự tính chia cổ tức 10%
Kết quả kinh doanh năm 2023 của Tập đoàn Sao Mai (ASM) ghi nhận lợi nhuận sụt giảm 71%. Công ty vẫn lên kế hoạch trả cổ tức tỷ lệ 10%
CTCP Tập đoàn Sao Mai (Mã ASM) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024. Trong đó mục tiêu doanh thu và lợi nhuận của năm 2024 sắp tới đều tăng mạnh bất chấp kết quả đáng thất vọng của năm 2023.
Kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 192% năm 2024
ĐHĐCĐ thường niên của Tập đoàn Sao Mai dự kiến tổ chức vào ngày 21/4/2024 tại trụ sở Công ty nằm tại 326 Hùng Vương, phường Mỹ Long, thành phố Long Xuyên, An Giang.
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ đã được công bố với nhiều nội dung đáng chú ý. Trong đó công ty dự kiến chi trả cổ tức với tỷ lệ 10% cho năm 2022 và 2023.
Tính đến hết năm 2023, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế của ASm là hơn 609 tỷ đồng. Dự kiến công ty sẽ sử dụng 336 tỷ trong nguồn lợi nhuận sau thuế lũy kế này để chia cổ tức năm 2022 và 2023.
Về mục tiêu kinh doanh năm 2024, ASM dự kiến mục tiêu doanh thu năm đạt 11.986 tỷ đồng, lãi sau thuế 274 tỷ đồng. So sánh với kết quả đạt được trong năm 2023, mục tiêu này tăng trưởng 18,6% về doanh thu và tăng tới 192% về lợi nhuận năm.
Lợi nhuận sụt giảm 71%, mỗi ngày gánh lãi vay 2 tỷ
Kết quả kinh doanh năm 2023 của ASM cho thấy sự sụt giảm nghiêm trọng về lợi nhuận, bất chấp quy mô doanh thu không có nhiều thay đổi lớn.
Cụ thể, ASM đạt doanh thu 11.968 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó lợi nhuận gộp mang về chỉ đạt 1.345 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm nhẹ xuống chỉ còn 234 tỷ đồng. Thế nhưng chi phí tài chính, với phần lớn là chi phí lãi vay gia tăng mạnh lên 791 tỷ đồng, tương đương mức tăng 40% chỉ trong 1 năm.
Mức chi phí tài chính này cấu thành từ 742 tỷ đồng chi phí lãi vay. Tương đương với việc mỗi ngày ASM đang phải trả tới 2 tỷ đồng tiền lãi vay.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt chiếm 165 tỷ và 300 tỷ đồng. Lãi sau thuế mang về ghi nhận ở mức 274 tỷ đồng, giảm 71% so với cùng kỳ năm trước.
Rủi ro nợ vay cao vượt vốn chủ sở hữu, thiếu hụt dòng tiền
Tại cuối Quý 4/2023, tổng tài sản của ASM đạt 20.315 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ so với đầu năm. Trong đó tiền và các khoản tương đương tiền tăng gấp rưỡi lên 1.365 tỷ đồng.
Công ty ghi nhận lượng phải thu ngắn hạn tương đối lớn, lên tới 4.132 tỷ đồng. Tuy nhiên trong đó chiếm tới 2.228 tỷ đồng là tiền trả trước cho người bán ngắn hạn. Lượng hàng tồn kho cũng gia tăng gấp rưỡi lên 4.556 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả hiện đang chiếm 61,3% tổng nguồn vốn của công ty. Trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm 6.202 tỷ đồng. Vay nợ và thuê tài chính dài hạn tăng 26%, lên mức 4.580 tỷ đồng.
Tổng nợ vay dài và ngắn hạn của ASM tại cuối năm 2023 đạt 10.782 tỷ đồng, cao hơn tới 37% so với vốn chủ sở hữu hiện tại. Điều này cho thấy một tiềm ẩn rủi ro tương đối lớn trong cơ cấu nguồn vốn của công ty. Chưa kể tới việc lượng nợ vay ngắn hạn cũng đang cao gần bằng vốn chủ.
Tại năm 2023 và 2022, lưu chuyển tiền mặt từ hoạt động kinh doanh của ASM đều âm hơn 330 tỷ đồng. Trong khi lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính tăng thêm 1.049 tỷ và 831 tỷ lần lượt trong năm 2022 và 2023. Điều này cho thấy công ty đang tăng cường vay nợ để bù đắp dòng tiền thiếu hụt và đã phản ánh vào lượng lãi vay phải trả ngày một gia tăng.