Lợi nhuận tăng khi trồng lúa chất lượng cao giảm phát thải
Ngày 24/12, tại Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hảo (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sơ kết 2 mô hình thí điểm Đề án 'Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030' ở vụ Thu Đông và triển khai kế hoạch nhân rộng mô hình ở vụ lúa Đông Xuân 2024-2025.
Đây là 2 trong 7 mô hình ở 5 tỉnh, thành phố là Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng và Trà Vinh đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn làm mô hình thí điểm canh tác theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp để nhân rộng ở Đồng bằng sông Cửu Long từ vụ Hè Thu 2024.
Tại Trà Vinh, 2 mô hình do Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài (xã Thanh Mỹ) và Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hảo (xã Phước Hảo), huyện Châu Thành thực hiện trên tổng diện tích 98,4 ha, với 94 hộ tham gia; trong đó, Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài sử dụng giống OM 5454, Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hảo sử dụng giống ST24.
Kết quả vụ sản xuất lúa Thu Đông 2024, nông dân tham gia mô hình giảm chi phí sản xuất đáng kể so với tập quán canh tác cũ, năng suất và chất lượng lúa tăng cao rõ rệt. Cụ thể, canh tác trong mô hình giảm khoảng 60% lượng giống, 20-30% phân bón hóa học, giảm ít nhất 2 lần/vụ phun thuốc bảo vệ thực vật; năng suất bình quân tăng 3-4%, đạt từ 7,1-7,3 tấn/ha nên lợi nhuận tăng thêm hơn 15% so với ngoài mô hình (tăng từ 6-9 triệu đồng/ha).
Đặc biệt, mô hình giảm lượng khí phát thải 20-30%, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng động, từng bước xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải của tỉnh Trà Vinh, giúp tăng giá trị ngành hàng lúa gạo của tỉnh.
Ông Huỳnh Công Chánh, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hảo cho biết, gia đình ông đã sản xuất 2 vụ theo mô hình trên tổng diện tích 2 ha, đạt hiệu quả rất cao so với cách canh tác truyền thống trước đó. Vụ Thu Đông này, năng suất ruộng lúa gia đình ông đạt 7 tấn/ha, cao hơn cùng kỳ năm trước 500 kg/ha; trong khi chi phí sản xuất giảm từ 30-40%/ha, nên gia đình ông đạt lợi nhuận 50 triệu đồng/ha, cao hơn 15 triệu/ha so với ngoài mô hình. Điều ông tâm đắc nhất tham gia mô hình, ông đã góp phần bảo vệ được sức khỏe cộng đồng. Những vụ sản xuất tới, gia đình ông tiếp tục duy trì mô hình và vận động bà con tham gia để cùng phát triển nền nông nghiệp xanh theo hướng bền vững.
Ông Trương Hòa Thuận, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hảo cho biết, qua 2 vụ sản xuất thí điểm ở vụ Hè Thu và Thu Đông 2024, năng suất lúa trong mô hình luôn cao hơn từ 0,8-1 tấn/ha so với ngoài mô hình. Cùng với đó, hợp tác xã áp dụng sạ cụm với lượng giống bình quân 60 kg/ha, giảm 90 kg/ha so với ngoài mô hình. Ngoài ra, lượng phân bón hóa học canh tác theo mô hình cũng giảm khoảng 30% và giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật 2 lần/vụ nên tổng chi phí đầu tư mỗi ha chỉ hơn 20 triệu đồng, giảm 4,6 triệu đồng/ha so với tập quán canh tác cũ.
Bên cạnh đó, lúa trong mô hình không bị đổ ngã, tỷ lệ hạt chắc cao, trọng lượng hạt nặng nên năng suất cao hơn. Sau khi trừ chi phí sản xuất, nông dân đạt lợi nhuận hơn 46 triệu đồng/ha, tăng hơn 7 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.
Vụ lúa Đông Xuân 2024-2025, Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hảo sẽ nhân rộng mô hình lên 200 ha.
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, đây là vụ thứ 2 liên tiếp mô hình thí điểm trong Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện đáng kể chất lượng lúa gạo, giảm thiểu các mối nguy hại từ canh tác truyền thống, như lạm dụng phân bón hóa học, sử dụng nhiều hóa chất bảo vệ thực vật dẫn đến mất cân bằng sinh thái, suy thoái đất... Mô hình góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là đã giải quyết được bài toán kinh tế tăng thu nhập cho hộ nông dân theo hướng bền vững.
Ban đầu trước khi tham gia mô hình, phần lớn nông dân e ngại với những kỹ thuật sản xuất mới và băn khoăn về tính hiệu quả. Sau khi tham gia Đề án, được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và ngành nông nghiệp tỉnh tập huấn quy trình sản xuất, được các doanh nghiệp uy tín cung cấp vật tư chất lượng, giá cả hợp lý và bao tiêu đầu ra nên nông dân rất phấn khởi, đồng tình và tin tưởng vào chủ trương thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” của Chính phủ.
Vụ lúa Đông Xuân 2024-2025, tỉnh Trà Vinh sẽ nhân rộng mô hình lên 728,2 ha tại 14 hợp tác xã trên địa bàn 13 xã của 6 huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú và Cầu Ngang; sử dụng các giống lúa OM 5451, OM 18, Đài Thơm 8, ST 24.
Nông dân tham gia mô hình được tiếp cận chính sách hỗ trợ cho người trồng lúa áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân; được ngành chuyên môn tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp; cán bộ kỹ thuật trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật trên đồng ruộng cho nông dân để nhận biết, xử lý sinh vật hại, tình trạng dinh dưỡng cây… để bảo đảm năng suất, chất lượng lúa trong mô hình.