Lợi nhuận Vinafood II lao dốc khi Ấn Độ gỡ bỏ hạn chế xuất khẩu gạo
Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II, mã VSF) ghi nhận lãi 2,2 tỷ đồng trong quý IV, lũy kế năm 2024 ghi nhận lãi giảm 52,3% về 29,73 tỷ đồng và không hoàn thành kế hoạch.
Trong quý IV/2024, Vinafood II ghi nhận doanh thu đạt 4.954,97 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 2,2 tỷ đồng, giảm tới 92,8% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 7,1% về còn 6,4%.
Trong kỳ dù doanh thu tăng 13,5% nhưng lợi nhuận gộp chỉ tăng 2,3%, tương ứng tăng thêm 7,05 tỷ đồng lên 315,26 tỷ đồng.
Ngoài ra, cũng trong quý cuối năm 2024, doanh thu tài chính giảm 46,7% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 24,44 tỷ đồng về 27,86 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 105,1%, tương ứng tăng thêm 46,05 tỷ đồng lên 89,86 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 1,6%, tương ứng tăng thêm 4,35 tỷ đồng lên 274,04 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng thêm 37,67 tỷ đồng lên 35,63 tỷ đồng (cùng kỳ âm 2,04 tỷ đồng) và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý IV, Vinafood II ghi nhận lỗ 48,64 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 5,29 tỷ đồng.
Như vậy, lợi nhuận gộp mà Vinafood II tạo ra trong kỳ không đủ trả chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp, Công ty thoát lỗ chủ yếu do doanh thu tài chính và đặc biệt là lợi nhuận khác tăng đột biến.
![Thu nhập khác của Vinafood II tăng đột biến trong quý IV/2024 nhờ thanh lý, nhượng bán tài sản (Nguồn: BCTC)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_72_51424779/6d2435350c7be525bc6a.jpg)
Thu nhập khác của Vinafood II tăng đột biến trong quý IV/2024 nhờ thanh lý, nhượng bán tài sản (Nguồn: BCTC)
Lý giải lợi nhuận lao dốc trong quý cuối năm 2024, ông Trần Tấn Đức, Tổng giám đốc Vinafood II cho biết do những tháng cuối năm tình hình thị trường xuất khẩu gạo và tỷ giá đồng USD có nhiều biến động ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các công ty con Vinafood II.
Được biết, năm 2023, điều kiện xuất khẩu thuận lợi khi nhiều quốc gia tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam sau khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo. VinaFood II đã tận dụng cơ hội giá gạo tăng cao, đẩy mạnh xuất khẩu và ghi nhận giá trị xuất khẩu kỷ lục. Trong đó, riêng trong năm 2023, VinaFood II xuất khẩu được 1,5 triệu tấn gạo (kỷ lục về sản lượng gạo xuất khẩu trực tiếp).
Tuy nhiên, gió đã đổi chiều khi từ cuối tháng 9/2024, Ấn Độ đã cho phép xuất khẩu gạo trắng non-basmati trở lại khi lượng hàng tồn kho tại quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới này tăng vọt và nông dân chuẩn bị thu hoạch vụ mùa mới trong những tuần sắp tới. Ấn Độ cũng đã đặt giá sàn cho xuất khẩu gạo trắng non-basmati là 490 USD/tấn, nên nguồn cung đã tăng mạnh trở lại.
Với việc tham gia trở lại của Ấn Độ, giá gạo thế giới đã liên tục giảm và tính tới ngày 7/2/2025 chỉ còn 13,7 USD/CWT so với đỉnh tháng 5/2024 là vùng 19 USD/CWT, tức giảm 27,9% từ đỉnh.
Quay trở lại tình hình kinh doanh của Vinafood II, lũy kế trong năm 2024, Vinafood II ghi nhận doanh thu đạt 21.460,07 tỷ đồng, giảm 6,8% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 29,73 tỷ đồng, giảm 52,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2024, Vinafood II đặt kế hoạch tổng doanh thu 17.105,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 105,16 tỷ đồng.
Như vậy, kết thúc năm 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 58,71 tỷ đồng, Vinafood II không hoàn thành kế hoạch năm và chỉ đạt tỷ lệ 55,8% so với kế hoạch năm 2024.
Dù có lãi nhẹ trong năm 2024, tính tới 31/12/2024, Vinafood II vẫn còn lỗ lũy kế 2.789 tỷ đồng, bằng 55,8% vốn điều lệ.
Xét về dòng tiền, trong năm 2024, Vinafood II ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 620,1 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 228,6 tỷ đồng. Ngoài ra, cũng trong năm dòng tiền đầu tư dương 21,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 363,4 tỷ đồng, chủ yếu tăng nợ vay bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.
Về quy mô tài sản, tính tới ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Vinafood II tăng 1,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 93 tỷ đồng lên 6.325,7 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định ghi nhận 2.444,3 tỷ đồng, chiếm 38,6% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 1.606,2 tỷ đồng, chiếm 25,4% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 684,2 tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn ghi nhận 655,4 tỷ đồng, chiếm 10,4% tổn tài sản và các khoản mục khác.
Ngoài ra, về phần nguồn vốn, tính tới cuối năm 2024, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Vinafood II tăng 28,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 403,14 tỷ đồng lên 1.801,66 tỷ đồng và bằng 74,2% vốn chủ sở hữu (đầu năm dư nợ 1.398,5 tỷ đồng và bằng 56,8% vốn chủ sở hữu).
Về diễn biến giá cổ phiếu, đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/2, cổ phiếu VSF tăng nhẹ 200 đồng lên 35.500 đồng/cổ phiếu và cổ phiếu tiếp tục duy trì thanh khoản thấp, khối lượng khớp lệnh trong phiên chỉ 5.201 cổ phiếu và cổ phiếu VSF thuộc top cổ phiếu thanh khoản thấp trên sàn UPCoM.