Lời nói dối tiết lộ điều gì về con người bạn

Không phải tất cả lời nói dối đều được tạo ra với mục đích giống nhau. Một số lời nói dối vô hại nhưng một số khác có thể gây hại.

 Mục đích nói dối có thể là bảo vệ người khác, có thể là làm hại người khác. Ảnh: Pexels.

Mục đích nói dối có thể là bảo vệ người khác, có thể là làm hại người khác. Ảnh: Pexels.

Psychology Today nêu rằng nếu bạn tin mọi người nói dối thường xuyên, bạn đã đúng. Chúng ta thường tự hỏi vì sao mọi người nói dối, đôi khi chúng ta cũng tự hỏi vì sao mình lại làm điều tương tự.

Trong một nghiên cứu được công bố trên Canadian Journal of Behavioural Science vào năm 2022, nhà nghiên cứu McArthur và các cộng sự đã tìm hiểu về động cơ nói dối và mối tương quan giữa tính cách con người và những kiểu nói dối cụ thể.

Trong nghiên cứu này, 175 tình nguyện viên ở độ tuổi trung bình 40 đã thực hiện bảng câu hỏi về những lời nói dối và lý do nói ra những điều đó. Ngoài ra, các tình nguyện viên cũng được thực hiện một bài kiểm tra về tính cách.

Khoảng 77% tình nguyện viên cho biết họ nói dối ít hơn 3 lần mỗi tuần, trong khi 23% còn lại nói rằng họ nói dối 3-7 lần mỗi tuần. Nhóm nghiên cứu lưu ý khảo sát này dựa trên thông tin tự báo cáo nên có thể không hoàn toàn chính xác.

Từ những thông tin do tình nguyện viên cung cấp, nhóm nghiên cứu rút ra 11 lý do khiến mọi người nói dối, cụ thể như sau.

Tránh đánh giá tiêu cực.
Tránh hình phạt.
Nâng cao hình ảnh bản thân.
Muốn nhận phần thưởng.
Bất cẩn nên nói dối.
Bắt buộc phải nói dối
Thích nói dối.
Che giấu sự thật.
Bảo vệ bản thân.
Bảo vệ người khác.
Nói dối vì mục đích xã hội.

Những phát hiện trong nghiên cứu này có thể làm bạn ngạc nhiên, nhưng nó sẽ giúp làm rõ lời nói dối có liên quan thế nào đến đặc điểm tính cách cũng như động cơ nói dối.

Nhìn chung, lý do nói dối có thể tốt hoặc xấu. Một số lời nói dối có thể liên quan đặc điểm tính cách khác nhau.

Khi kết hợp thông tin khảo sát và kết quả bài kiểm tra tính cách, nhóm nghiên cứu nhận thấy những người trung thực, khiêm tốn, người có lương tâm thường ít nói dối hơn.

Trong khi đó, những cá nhân nhạy cảm và dễ lo lắng lại có xu hướng nói dối để tránh những tình huống khó xử hoặc tiêu cực. Họ cũng có nhiều khả năng nói dối để thể hiện lòng vị tha, nghĩa là bảo vệ người khác khỏi những lời nói gây tổn thương.

Những cá nhân có điểm đánh giá thấp về sự tận tâm cũng có nhiều khả năng nói dối để trục lợi. Người đạt điểm cao về sự hướng ngoại lại có nhiều khả năng đưa ra những lời nói dối để biến mình thành trung tâm, điều mà họ tin rằng sẽ giúp tạo ra sự ấn tượng tích cực. Kiểu người này ít có khả năng nói dối để giúp người khác hạnh phúc.

"Từ nghiên cứu này, chúng tôi học được một điều rằng nói dối là điều phổ biến vì nhiều lý do khác nhau. Một số người nói dối để làm tổn thương người khác, trong khi những người khác nói dối để bảo vệ bản thân và danh tiếng, cũng có người nói dối để bảo vệ người khác. Vì thế, bạn nên ghi nhớ điều này trước khi phán xét ai đó vì lời nói dối của họ", nhóm nghiên cứu viết.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/loi-noi-doi-tiet-lo-dieu-gi-ve-con-nguoi-ban-post1446087.html