Lời ru trẻ thơ

GN - 'Má ơi, con nhớ ba! Chừng nào ba về với má con mình hả má?'. Chích Bông nói với tôi như thế khi con bé vừa giật mình thức giấc. Trời chuyển mưa. Qua khung cửa kính, tôi thấy mây đen kéo đến đậu ở vòm trời ngoài khung cửa.

- Chích Bông ngoan. Ngủ thêm giấc nữa đi con! Rồi ba sẽ về với con!

Tôi nói với Chích Bông như thế, con bé còn quá hồn nhiên nên không biết rằng tôi nói vậy để dỗ dành, an ủi nó, kỳ thực tôi không hy vọng anh sẽ trở về. Chích Bông tin tôi, “dạ, ngủ một giấc nữa, ba về, mẹ ha”. Nếu con bé biết tôi nói dối, chắc nó buồn lắm lắm.

- Ừ, ngủ đi con, lát nữa ba về!

Ngày nào tôi cũng dỗ con như thế! Nếu con đòi ba quá thì tôi để con lên xe, chở con chạy đi đâu đó trong thành phố, trưa nắng thì vào khu trò chơi thiếu nhi có máy lạnh mát rượi, chiều mát thì chạy ra ngoại ô xem người ta thả diều, picnic… để con quên ba.

Nói vậy chứ làm sao quên được, khi tiếng đầu đời con gọi “b - a”, “ba”, “ba ơi”. Làm sao Chích Bông quên được khi hôm nào Chích Bông cũng đòi mẹ cho ngắm hình ba, dù tôi đã giấu nhẹm, xóa sạch, chỉ chừa duy nhất một tấm để… “chữa cháy”, con đòi quá thì cho con xem.

Chơi chán Chích Bông lại đòi tôi chở về, gặp ai hao hao giống anh đi qua đường Chích Bông đều cất giọng gọi to: “Ba ơi, đợi con”. Ai cũng quay sang nhìn. Người qua đường cũng quay lại nhìn. Một khuôn mặt lạ hoắc. Chích Bông nín lặng. Tôi sững sờ, im lặng, gật đầu với người lạ thay lời xin lỗi.

Những ngày tháng như thế cứ tiếp diễn. Chích Bông ngày một thu mình trong căn phòng. Con bé không muốn ra khỏi phòng, không muốn đến những khu trò chơi, công viên, không đòi mua sắm búp bê, váy áo… Tôi đâm lo. Cứ đà này, con tôi sẽ trầm cảm mất.

*

Anh vẫn chưa về, dù tôi đã đợi anh suốt mấy tháng ròng, từ khi cây bằng lăng trước cổng nhà còn xanh lá cho đến khi bung nở từng chùm hoa tím ngát, rụng đầy vỉa hè, cho đến khi hoa tàn, cây bằng lăng chỉ còn lơ xơ nhánh gầy, khô khốc.

Anh vẫn chưa về. Đêm nào cũng vậy, sau khi Chích Bông chìm vào giấc ngủ, tôi vừa làm việc vừa đợi cửa đến khuya. Gió thốc. Tôi thấy mình lạnh giá dù nhiệt độ trong nhà đang ở mức ấm áp. Quen rồi, lạnh thì tôi tự sưởi ấm, Chích Bông buồn thì tôi an ủi, vỗ về. Tôi tự hỏi: giả sử anh có về, có tồn tại trong căn nhà này thì lòng anh có ở đây hay không, hay lòng anh vẫn vấn vương về một nơi nào khác, với một bóng hình nào khác.

Anh không yêu tôi. Tôi biết vậy. Chừng ấy năm anh sống với tôi chỉ vì trách nhiệm của một người đàn ông trót đặt bút ký vào tờ giấy đăng ký kết hôn năm xưa. Những cuộc ân ái nhạt nhòa, nếu tôi không chủ động, có lẽ Chích Bông cũng không xuất hiện trên cõi đời này để rồi hao hụt tình thương của người ba, dù tôi có bù cách mấy cũng không đủ.

Tình thương của ba khác hẳn tình thương của một người mẹ. Chích Bông của tôi thì cần cả hai. Nó muốn được mẹ đưa đón đi học mỗi ngày, chiều về lại cùng ba ra vườn bắt cào cào, tưới hoa, và đêm đêm cả gia đình lại rong ruổi đâu đó trong thành phố hóng mát. Anh nắm tay tôi, Chích Bông ở trên lưng anh. Chúng tôi sẽ đi dạo quanh bờ hồ, cùng hát ca những bài hát về gia đình, về “ba ngọn nến lung linh” trong đêm tối…

Giấc mơ đó Chích Bông gửi cả vào những nét vẽ nguệch ngoạc nhưng hồn nhiên. Trong tranh, anh mặc chiếc áo sơ-mi màu xanh, khuôn mặt tươi tắn, giống như anh trong bức ảnh tôi cho con xem mỗi khi con đòi ba khóc nhè.

Thật ra, trước đây chúng tôi cũng đã từng hạnh phúc đến thế. Anh không yêu tôi đậm sâu nhưng anh vẫn gắn bó với tôi. Vì chữ “nghĩa”. Vì Chích Bông. Chúng tôi cũng đã từng đi du lịch đó đây, lên rừng, xuống biển. Cho đến một ngày có người phụ nữ áo tím về thành phố, bấm chuông nhà tôi. Tôi mở cửa, sững sờ. Mai Liên - người tình của anh thuở anh còn đi học. Cô bạn gái của anh đã rời Việt Nam đi du học nước ngoài rồi định cư hẳn bên đó. Chừng ấy năm Mai Liên không về để lòng anh nhung nhớ. Khoảng cách xa xôi, những bức thư tay vì thế cũng nhạt nhòa dần cho đến một ngày anh gửi thư nhưng không nhận được hồi đáp. Anh dừng lại. Đợi.

- Đợi bao lâu nữa hả anh? Mai Liên đi rồi, có thể cô ấy cũng đã lập gia đình rồi. Cô ấy có về với anh nữa đâu mà chờ với đợi?

Tôi nói với anh như thế, trong nước mắt, trước ngày đám cưới của chúng tôi. Mẹ anh thương tôi nên cưới tôi về cho anh. Tôi cũng quý anh và nghĩ rằng rồi một ngày không xa xôi, bằng tình yêu cháy bỏng của tôi, anh sẽ quên đi Mai Liên và sống với tôi bằng tình yêu nồng nàn sâu đậm. Nhưng tôi đã lầm. Hình như hình bóng Mai Liên đã in sâu vào trái tim anh rồi, tình yêu của tôi, thời gian và khoảng cách không thể nào xóa mờ được. Anh vẫn đem lòng yêu mến Mai Liên, đau đáu trông đợi Mai Liên về dù giờ đây bên anh đã có tôi thảo hiền và Chích Bông ngoan ngoãn.

Dường như Chích Bông linh cảm được rằng con bé sắp sửa xa ba nên những ngày cuối cùng anh sống trong căn nhà nhỏ giữa lòng thành phố, con bé cứ quấn quýt anh mãi không thôi.

- Ngoan nào, để ba đi làm. - Anh nói.

- Ba đi làm rồi về sớm với má và Chích Bông, nha Ba.

- Ừ, ba hứa, tối ba chở Chích Bông đi siêu thị mua búp bê mới.

- Ba hứa nha.

Anh ngoéo tay với Chích Bông. Bàn tay con năm ngón thon thon như búp măng. Chích Bông đã sửa soạn từ khi anh còn chưa đi làm về, lóng ngóng ở cửa đợi nghe tiếng xe quen thương mỗi ngày vẫn đậu ở vuông sân nhỏ. Nhưng trời càng tôi, phố đã lên đèn mà anh chưa về. Chích Bông không thấy ba về, nóng ruột, con bé mếu máo.

- Chắc ba bận việc gì đó, hoặc kẹt xe, chút nữa thế nào ba cũng về.

Chích Bông vẫn đợi.

Tôi gọi anh. Bên kia im ắng. Anh đã tắt máy. Tự dưng tôi thấy lòng mình như lửa đốt. Chưa bao giờ anh để mẹ con tôi phải chờ đợi nhiều như thế. Tôi gọi thêm mấy lần nữa. Vẫn như thế. Mặt mũi Chích Bông tèm nhèm vì khóc. Tôi gửi Chích Bông sang nhà hàng xóm để đi tìm anh. Tôi sợ anh gặp tai nạn trên đường. Tôi gọi cho đồng nghiệp của anh, liên tục. Nhưng không có một tin tức nào về anh.

Những ngày sau đó, anh không về. Mai Liên cũng rời khỏi thành phố. Tôi ôm Chích Bông, lòng tôi quặn đau. Anh đã chạy theo tiếng gọi của tình yêu thuở còn cắp sách để lại khoảng trống trong tôi và Chích Bông không gì bù đắp được. Mẹ anh gọi điện lên thành phố khóc hết nước mắt: “Thằng Quân bạc quá! Tệ quá! Nó làm khổ con, làm khổ Chích Bông rồi!”.

Tôi không biết nói gì thêm ngoài việc an ủi mẹ. Tôi chỉ trách anh ra đi khi Chích Bông còn quá nhỏ, còn chưa đủ bản lĩnh để hứng chịu những thiếu hụt trong cuộc đời. Còn tôi, cùng lắm thì đớn đau, hoặc một thời, hoặc một đời chứ có gì đâu. Tôi vẫn phải sống tiếp trên hành trình của riêng mình, không anh. Nhưng Chích Bông, con bé làm sao sống được trong cảnh không ba.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tôi đưa Chích Bông về thăm ông bà nội. Ông bà thương cháu nên cứ quấn quýt theo Chích Bông, kể chuyện cổ tích, hát hò… Nhưng tôi hiểu những điều đó cũng không thể bằng một cái ôm ấm áp của người ba. Tôi lại đưa Chích Bông về nhà ngoại. Ngoại ở cuối dòng sông, qua cầu Hoa Phượng là tới. Má tôi lom khom ra sân đứng ngóng hai mẹ con khi tôi vừa tới đầu cầu Hoa Phượng.

Về ngoại, Chích Bông theo các anh các chị thỏa sức trèo đống rơm, chơi trốn tìm. Con bé vơi đi nỗi nhớ ba phần nào. Tôi vùi đầu vào ngực má, đứa con gái trở về sau những thương đau va vấp của cuộc sống. Phía quê nhà là nơi bình yên, an trú nhất trong cuộc đời mỗi người. Bên má, tôi thấy bao đau thương, mất mát dường như tan biến, dẫu thi thoảng nỗi đau đó vẫn nhói lên trong tim tôi, nhưng không đáng kể. Ít ra tôi còn có Chích Bông. Hai mẹ con tôi sẽ sống cuộc đời bản lĩnh như cỏ dại.

*

- Chích Bông, con nhớ ba không con?

Tôi hỏi con bé như vậy, trong một chiều hai mẹ con ngồi ngoài bờ ruộng. Chỗ này, năm xưa tôi cũng từng ngồi, chân đong đưa, nhìn lên khoảng trời xa xôi có cánh chim chao nghiêng mà nghĩ cuộc đời ngoài kia chắc thú vị lắm, vui vẻ lắm.

- Con nhớ… À, mà con cũng không biết là nhớ hay không nữa má!

- Sao vậy con? Nhớ hay không sao lại không biết? - Kéo con bé sát lại gần, tôi hỏi.

- Tại nhớ thì cũng vậy, ba có về với con đâu. Ba thất hứa rồi! Con giận ba luôn rồi! Giờ con có má, có ông bà. Ở bên má là vui nhất!

Tôi cười mà sống mũi cay cay. Thật tâm tôi không muốn Chích Bông quên ba. Con người làm sao quên được cội nguồn gốc rễ? Nhưng lúc này đây, tự dưng tôi lại muốn Chích Bông lãng quên. Bởi đó là cách duy nhất để con bé có thể vui vẻ và sống trọn với thời thơ trẻ. Tôi sẽ thay anh lo lắng, chăm sóc cho Chích Bông, bù đắp những thiếu thốn, vun bồi tình yêu thương. Chích Bông nhỏ như hạt mầm, con bé cần được tắm tưới bởi làn những mát lành và những điều lành thiện để đâm chồi, nảy nở thành những mầm cây khỏe khoắn…

- Má, má hát ru cho con ngủ nghe má. - Chích Bông lí nhí.

- Con muốn má hát bài gì? - Tôi hỏi.

- Bài gì mà “Con đi trường học… má đi trường đời…” đó má!

Chích Bông gối đầu lên đùi tôi. Trời trong mát. Nắng đã lùi lại bên kia sông nhường khoảng không gian mát rượi cho má con tôi. Trên con đê già nhiều tuổi, Chích Bông đã ngủ say, khuôn mặt thiên thần. Tôi cúi xuống hôn lên trán con một cái thật kêu rồi khe khẽ hát:

“Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắt lẻo, gập ghềnh khó đi.

Khó đi má dắt con đi

Con đi trường học, má đi trường đời…”

Hoàng Khánh Duy/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/loi-ru-tre-tho-post62502.html