Lối sống 'đơn giản để thanh thản'

Khách có dịp đến thăm căn hộ của anh Nguyễn Đức Hùng ở chung cư 60 Nguyễn Đức Cảnh, Hoàng Mai, Hà Nội có thể sẽ ngạc nhiên, bởi trong nhà hầu như không có những vật dụng thông thường như bàn ghế, giường tủ…

Lối sống tối giản được xem là có thể mang lại sự thư thái, tự do tâm trí.

Lối sống tối giản được xem là có thể mang lại sự thư thái, tự do tâm trí.

Anh Hùng, 34 tuổi, là nhân viên kinh doanh của một tập đoàn đa ngành ở Hà Nội, từ vài năm nay áp dụng, như lời anh nói, triết lý sống tối giản. “Đơn giản là giảm thiểu các vật dụng, tài sản, và những yếu tố không cần thiết để tập trung vào những gì thực sự quan trọng và mang lại giá trị cho cuộc sống”, anh nói.

“Lấy ví dụ thế này nhé. Cả năm tôi hầu như chỉ có khách 1-2 lần, vậy thì đâu có cần bàn ghế, các đồ trang trí phòng khách. Loại bỏ bộ sofa, nhà rộng ra hàng chục mét vuông, có chỗ cho trẻ con chạy đùa”, anh Hùng nói. “Tôi cũng loại bỏ nằm giường, chỉ cần nệm dày là đủ, vừa đơn giản, tiết kiệm, lại dễ lau dọn. Không có giường, tức là không có gầm giường, giảm bớt chỗ tích tụ bụi, rác”.

Anh Hùng nói người theo lối sống tối giản thường loại bỏ những thứ dư thừa, không chỉ về vật chất mà còn về các yếu tố tinh thần như mối quan hệ, thói quen, hoặc công việc không mang lại hạnh phúc hay ý nghĩa.

Theo một số tài liệu và định nghĩa chung trên thế giới, lối sống tối giản bắt nguồn từ triết lý và nghệ thuật phương Tây. Nó có liên hệ với chủ nghĩa tối giản (Minimalism) trong nghệ thuật và kiến trúc từ những năm 1960. Phong trào này nhấn mạnh việc sử dụng ít yếu tố thiết kế nhất có thể để tạo ra sự hài hòa và tinh tế.

Tuy nhiên, lối sống tối giản còn được cho là chịu ảnh hưởng của triết lý Phật giáo và Thiền tông, đặc biệt từ Nhật Bản. Quan niệm về sự đơn giản, không ràng buộc bởi tài sản vật chất và tìm kiếm sự thanh thản trong cuộc sống đã ăn sâu vào văn hóa và triết lý sống của nhiều người ở phương Đông. Mặc dù lối sống tối giản không hẳn bắt nguồn từ Nhật Bản, nhưng quốc gia này đã phát triển và góp phần quan trọng vào việc phổ biến nó trong thế giới hiện đại nhờ vào văn hóa sống giản dị và tinh thần thiền. Trong vài thập kỷ gần đây, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, nhiều người ở phương Tây bắt đầu quan tâm đến việc giảm bớt tiêu dùng không cần thiết, tiết kiệm tài chính, và tạo ra cuộc sống cân bằng hơn, từ đó lối sống tối giản trở thành một trào lưu sống phổ biến hơn.

“Ở Việt Nam, trong vài năm qua, người ta bắt đầu nói nhiều về lối sống tối giản. Bản thân tôi trở nên hứng thú với triết lý sống này, đặc biệt trong giai đoạn nổ ra đại dịch Covid-19”, anh Nguyễn Đức Hùng nói. “Khi đó, tôi nhận ra rằng có rất nhiều thứ ta tưởng là nhu cầu, nhưng khi loại bỏ chúng, ta bỗng thấy không có cũng không sao”.

Đây cũng là suy nghĩ của nhiều người trên nhóm Facebook Hội những người sống tối giản với gần 18.000 thành viên. “Trong cuộc sống, nếu có thể thì nên tự hình thành cách suy nghĩ “Nếu có - rất tốt, không có cũng không sao”, như vậy có thể chuyển khổ thành vui, sẽ cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái hơn”, một thành viên viết.

Chị Trịnh Hằng ở chung cư N.4 Pháp Vân, Hoàng Mai, Hà Nội đã thực hành lối sống mà theo chị, không hẳn tối giản, nhưng “đơn giản hóa cuộc sống”. “Khi giảm bớt đồ đạc và sự lộn xộn xung quanh, tâm trí cũng trở nên thư thái, ít bị phân tâm hơn”, nhân viên văn phòng 33 tuổi của một cơ quan thuộc Bộ Xây dựng, nói.

Theo chị Hằng, sống giản lược không có nghĩa là tằn tiện, mà đơn giản là tiêu dùng thông minh hơn, mua những thứ cần thiết và có giá trị thực sự thay vì theo đuổi những xu hướng hay ham muốn tạm thời, giúp tiết kiệm tiền bạc. “Ngày trước tôi có ba tủ quần áo, trong đó có hai tủ chứa những bộ đồ chỉ mặc một lần rồi bỏ đó. Nay tôi chỉ còn một tủ, với hơn chục bộ váy áo, mặc xoay tua”, chị Hằng cho hay.

Chưa có thống kê nào về số lượng người ở Việt Nam theo đuổi lối sống giản tiện, nhưng trên diễn đàn mạng, có thể đếm ra hàng chục hội nhóm, mỗi nhóm cũng có vài ngàn đến vài chục ngàn thành viên. Cũng chưa rõ lối sống, suy nghĩ của những người theo chủ nghĩa minimalism tác động ra sao đến việc tiêu dùng, nhưng có thể nói xu hướng này đáng chú ý. Bằng chứng là đã có những nghiên cứu về hành vi tiêu dùng tối giản. Năm 2023, nhóm nghiên cứu của Đại học Tài chính- Marketing (TPHCM) công bố nghiên cứu khám phá các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng tối giản mà theo các nhà nghiên cứu là “một trong những xu hướng tiêu dùng đang gia tăng và phổ biến hiện nay”. Kết quả nghiên cứu cho thấy hành vi tiêu dùng tối giản của người tiêu dùng tại khu vực TPHCM chịu ảnh hưởng của bốn nhân tố với mức độ tác động từ cao xuống thấp lần lượt như sau: Sự tự quyết, chuẩn chủ quan, tiêu dùng thận trọng và nhận thức về thẩm mỹ tối giản. Từ kết quả đạt được, nghiên cứu đề xuất một số gợi ý cho các doanh nghiệp trong việc hoạch định các chiến lược marketing phù hợp.

Theo nhóm nghiên cứu, toàn cầu hóa và quốc tế hóa có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội trong đó có lĩnh vực marketing. Đối với các nhà marketing, vấn đề đáng được xem xét chính là cập nhật sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng, các xu hướng tiêu dùng mới nổi và trong thời gian gần đây, xu hướng tiêu dùng tối giản nổi lên như một trào lưu như kết quả tất yếu của sự giao thoa giữa các nền văn hóa. Kết quả cuối cùng của chủ nghĩa tối giản không phải là việc sở hữu thật ít đồ đạc mà chính là việc đơn giản hóa cuộc sống và làm cuộc sống trở nên phong phú đa dạng hơn với những điều khiến cá nhân trở nên hạnh phúc. Như vậy, sống tối giản là một cách thức giúp cá nhân loại bỏ những điều dư thừa để tập trung vào những điều quan trọng hơn từ đó đạt được sự hạnh phúc, trọn vẹn và tự do.

Tuy nhiên, đối với những người đang thực thi lối sống tối giản, mọi thứ không đơn giản như thế. “Sau khi loại bỏ hai tủ quần áo, chỉ giữ lại hơn chục bộ váy áo, tôi nghe phong thanh thấy chị em trong cơ quan xì xào “hình như nhà nó có vấn đề, gần đây chắc chẳng còn tiền bạc gì. Có mấy bộ đồ mặc đi mặc lại mãi”, chị Trịnh Hằng kể. “Chẳng lẽ mình lại phải đi thanh minh?”

Trong gia đình anh Nguyễn Đức Hùng, vợ chồng anh đều thống nhất và thoải mái với việc nhà không cần bàn ghế tiếp khách, không dùng giường. “Tuy nhiên mẹ tôi thì khác”, anh nói.

Anh kể, mẹ anh dù cả năm không thấy ai đến chơi, vẫn cứ phàn nàn vì nhà không có sofa hay salon để tiếp khách. Có lần nghe tin người cháu ở quê sắp đến chơi, bà rút lương hưu đưa cho vợ tôi đòi mua ngay bộ bàn ghế, kẻo khách đến không có thì bà ngượng lắm. “Tôi phải can mãi bà mới thôi, dù có lẽ vẫn ấm ức trong lòng”.

TRÚC MAI

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/loi-song-don-gian-de-thanh-than-10290324.html