Lối sống ít vận động khiến bệnh nhân thoát vị đĩa đệm ngày càng trẻ hóa
Thoát vị đĩa đệm từng được coi là bệnh của tuổi trung niên hay người lao động nặng, nhưng hiện nay, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa. Đáng báo động, các bệnh viện ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh khi mới ngoài 20 tuổi, thậm chí ở lứa tuổi học đường nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Người trẻ suýt liệt người vì mắc bệnh người già
Suốt một năm qua, chị N.Đ.A.V. (23 tuổi, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) thường xuyên bị đau vùng thắt lưng và tình trạng này tái phát nhiều lần khiến cho việc sinh hoạt của chị gặp nhiều khó khăn. Chị V. cho biết, các cơn đau xuất hiện liên tục. Chị có đi khám tại một cơ sở y tế gần nhà, được chẩn đoán căng cơ và được chỉ định điều trị nội khoa. Tuy nhiên, các triệu chứng đau không những không thuyên giảm mà ngày càng nghiêm trọng hơn.

Bác sĩ thăm khám cho trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi đã phải phẫu thuật vì thoát vị đĩa đệm. Ảnh: BV
“Những cơn đau thắt lưng lan xuống chân, tê cứng đùi phải, cảm giác nặng chân khi đứng, thậm chí xuất hiện tình trạng bí tiểu, tiểu tiện khó khăn. Đỉnh điểm là lúc nhập viện cấp cứu là vùng mông và đùi phải của tôi tê cứng, mất cảm giác đi tiểu, phải rặn mới ra nước tiểu”, chị V. chia sẻ.
Bác sĩ Lục Đình Phương, Khoa Sọ não Cột sống 2, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á (TP Hồ Chí Minh) cho biết, qua thăm khám và chụp cộng hưởng từ (MRI), kết quả cho thấy chị V. có một khối thoát vị lớn chèn ép nặng vào ống sống và rễ thần kinh. Đây là nguyên nhân gây ra các cơn đau vùng lưng, mông và đùi phải. Ngay sau đó, êkíp phẫu thuật đã quyết định can thiệp bằng kỹ thuật nội soi lấy thoát vị đĩa đệm, phương pháp xâm lấn tối thiểu, cho phép tiếp cận chính xác khối thoát vị và bảo tồn tối đa các mô xung quanh.
“Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tổn thương thần kinh đã ảnh hưởng đến chức năng vận động và tiểu tiện. Nếu chậm trễ, nguy cơ liệt vĩnh viễn là rất cao. Đặc biệt, với tình trạng bí tiểu, nếu không được can thiệp trong vòng 72 giờ, tỷ lệ phục hồi chức năng tiểu tiện chỉ còn dưới 25%. Nhờ được phẫu thuật kịp thời bằng phương pháp nội soi hiện đại, người bệnh đã phục hồi nhanh chóng và có thể đi lại chỉ vài giờ sau mổ”, bác sĩ Lục Đình Phương thông tin thêm.
Không chỉ xuất hiện ở người trẻ tuổi, thoát vị đĩa đệm còn được ghi nhận ở đối tượng học đường. Điển hình như trường hợp bệnh nhi T.L. (16 tuổi, ngụ Tây Ninh) nhập viện trong tình trạng đau lưng dữ dội, cơn đau lan xuống chân phải và ngày càng tăng khiến em L. gần như không thể sinh hoạt bình thường. Với thể trạng thừa cân và đang điều trị bệnh lý nên em L. đối mặt với nhiều nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Hồ Hoài Hưng, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh cho biết, kết quả chụp MRI vùng thắt lưng cho thấy bệnh nhi L. bị thoát vị đĩa đệm hai tầng L4-L5 và L5-S1, rách bao xơ, khối thoát vị lớn (14mm x 9mm) chèn ép rễ thần kinh L4 và gây hẹp ngách bên nghiêm trọng. Nếu không được phẫu thuật kịp thời, nguy cơ teo cơ, mất chức năng vận động hoặc liệt vĩnh viễn hoàn toàn có thể xảy ra.
Trước tình trạng cấp bách, các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định thực hiện phẫu thuật nội soi lấy nhân đệm cột sống thắt lưng qua lỗ liên hợp. Kỹ thuật phẫu thuật này cho phép đưa dụng cụ nội soi chuyên dụng tiếp cận chính xác khối thoát vị, loại bỏ phần nhân đệm chèn ép rễ thần kinh, đồng thời bảo tồn tối đa các mô cơ và xương xung quanh. Nhờ đó, nguy cơ nhiễm trùng được giảm thiểu, thời gian phục hồi ngắn và người bệnh có thể đi lại chỉ vài giờ sau mổ. Sau ca phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của em L. cải thiện nhanh chóng, không còn triệu chứng đau, tê hay yếu chân. Hiện bệnh nhi đã có thể đi lại nhẹ nhàng.
Theo các chuyên gia y tế, thoát vị đĩa đệm có các biến chứng nguy hiểm như khi các rễ thần kinh nối liền với các cơ quan khác bị tổn thương do đĩa đệm chèn ép, người bệnh có thể cảm thấy đau nhức, lâu ngày gây khó cử động cổ, tay, chân, thậm chí có thể dẫn đến tàn phế.
Trường hợp khối thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh cánh tay, người bệnh không thể nhấc nổi cánh tay, khó gập duỗi, có thể tê bì hoặc mất cảm giác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động lao động và sinh hoạt hàng ngày. Khi đĩa đệm chèn ép tủy cổ có thể gây tê liệt và tàn phế. Hoặc khi các dây thần kinh vùng thắt lưng bị chèn ép sẽ dẫn đến đại, tiểu tiện không tự chủ, các chi teo dần, mất khả năng đi lại.
"Thủ phạm" khiến thoát vị đĩa đệm ngày càng nghiêm trọng
Theo các bác sĩ, thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống trượt ra khỏi vị trí bình thường, dẫn đến việc chèn ép vào ống sống hoặc các rễ thần kinh, gây ra cơn đau thắt lưng đặc trưng. Theo thống kê, tỷ lệ người bị thoát vị đĩa đệm khá cao, chiếm khoảng 30% dân số và hiện nay đang dần xuất hiện những người trẻ.
Bác sĩ Lục Đình Phương cho biết thêm, thoát vị đĩa đệm thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi, thường từ 50 tuổi trở lên, có lao động nặng. Thế nhưng hiện tại những bệnh lý về sột sống có xu hướng gặp nhiều hơn ở người trẻ tuổi. Thực tế, tại bệnh viện cũng đã gặp những trường hợp bệnh nhân chỉ mới ở độ tuổi 15 - 16 tuổi đã bị thoát bị đĩa đệm nặng phải phẫu thuật.
Các nguyên nhân thường gặp gây thoát vị đĩa đệm ở người trẻ như ngồi sai tư thế trong thời gian dài, ít vận động, lười tập luyện thể dục thể thao, sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều, mang vác vật nặng sai cách hoặc mắc các bệnh lý liên quan đến thừa cân, béo phì.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Hồ Hoài Hưng nhận định, chế độ ăn uống mất cân đối, lối sống ít vận động và tư thế sai trong học tập, sinh hoạt là những nguyên nhân chính làm gia tăng nguy cơ mắc thoát vị đĩa đệm ở người trẻ. Đặc biệt, tình trạng thừa cân ở trẻ em cũng là yếu tố làm tăng áp lực lên đĩa đệm, thúc đẩy quá trình thoái hóa và dẫn đến thoát vị.
“Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý có các triệu chứng đau vùng lưng khá điển hình, dễ phát hiện và điều trị. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều bạn trẻ còn chủ quan với những cơn đau lưng âm ỉ, chỉ đến khi bệnh trở nặng và xuất hiện biến chứng nguy hiểm mới chịu đi khám”, bác sĩ Phương nhấn mạnh.
Với những tiến bộ của y học hiện nay, thoát vị đĩa đệm hoàn toàn có thể được kiểm soát và phục hồi tốt. Tùy theo mức độ tổn thương và triệu chứng của người bệnh, việc điều trị có thể thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau như điều trị nội khoa, tiêm giảm đau hay can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, chìa khóa quan trọng nhất vẫn là chủ động điều chỉnh lối sống bảo vệ sức khỏe ngay từ khi còn trẻ.
Bác sĩ Lục Đình Phương khuyến cáo, người trẻ cần chú ý đến tư thế khi ngồi, tăng cường vận động thể chất, duy trì cân nặng hợp lý. Đặc biệt, khi xuất hiện các dấu hiệu đau lưng kéo dài, đau lan xuống chân, yếu cơ hoặc rối loạn tiểu tiện, cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.