Lối sống xanh - sự cứu rỗi loài người

Sống xanh (Green life) là lối sống lành mạnh, bền vững, giảm thiểu sử dụng tài nguyên thiên nhiên nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm suy kiệt tài nguyên cho các thế hệ sau. Sống xanh là trách nhiệm của mọi người đang sống hôm nay vì sự sống tương lai của nhân loại trên toàn hành tinh xanh.

Diện tích rừng Tây Bắc Việt Nam dần thu hẹp lại do đô thị hóa và các hoạt động khai thác quá mức của con người. Ảnh: TTH

Diện tích rừng Tây Bắc Việt Nam dần thu hẹp lại do đô thị hóa và các hoạt động khai thác quá mức của con người. Ảnh: TTH

Mục tiêu của lối sống xanh

- Giảm thiểu ô nhiễm môi trường;

- Giảm các tác hại của khí thải nhà kính;

- Tránh lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên như lương thực, thực phẩm, vật dụng, cách thức di chuyển, vui chơi, giải trí, thuốc men…

- Có ý thức với việc bảo vệ môi trường sống, cam kết làm cho môi trường phát triển tốt đẹp và bền vững.

Những hành động của con người đang làm mất dần màu xanh của trái đất

Nạn phá rừng

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), phá rừng là một vấn nạn ở Việt Nam. Nếu Nigeria được họ coi là nước có nạn phá rừng mạnh nhất thế giới thì Việt Nam đứng thứ hai.

Theo đánh giá của họ, nguyên nhân cơ bản làm mất rừng tệ hại này là do suy kém về quản lý tài nguyên rừng, đồng thời là do tệ tham nhũng của những lâm tặc, có sự tiếp tay của không ít quan chức có quyền lực, đã thông đồng với nhau để chia chác, kiếm lợi, làm giàu bất chính. Mặt khác, sự suy thoái của một bộ phận trong lực lượng kiểm lâm cũng đồng lõa với những kẻ phá rừng.

Những hình thức phá rừng ngày càng tinh vi và trắng trợn núp sau những dự án chuyển đổi rừng, đầu tư cho việc phá rừng làm đất nông nghiệp, xây dựng nhà máy… đã bị nhân dân phản đối và lên án. Nhà nước đã nghiêm khắc trừng trị những kẻ phá rừng, nhờ đó độ che phủ rừng đã tăng lên, nhưng tỉ lệ rừng tự nhiên trong tổng diện tích rừng lại suy giảm.

Năm 1945, độ che phủ rừng ở Việt Nam là 43%, gồm 14,3 triệu ha. Toàn bộ diện tích này là rừng tự nhiên. Đến năm 1995, tổng diện tích rừng tụt xuống mức thấp nhất: Tổng diện tích rừng chỉ còn 9,3 triệu ha, tỉ lệ che phủ rừng còn 28,2%.

Đến nay, do sự quyết tâm của Nhà nước và nhân dân, độ che phủ rừng tuy tăng lên nhiều, nhưng vẫn chưa thể bằng tỉ lệ che phủ năm 1945. Mặt khác, rừng hiện nay, hơn nửa tổng diện tích rừng ở nước ta là rừng sản xuất, không phải là rừng nguyên sinh tự nhiên. Tuy tỉ lệ che phủ rừng được cải thiện nhưng rừng sản xuất không thể mang lại những lợi ích như rừng tự nhiên bởi nó không cung cấp được những loại gỗ quý hiếm, những loại cây cỏ làm dược liệu (sâm, quế, hồi, sa nhân, nấm linh chi…), làm mất đi (diệt chủng) một số động vật và thực vật. Rừng sản xuất không giữ được sự cân bằng sinh thái rừng như rừng nguyên sinh.

Những tác hại của việc làm mất rừng tự nhiên là rất lớn, có thể đưa ra mấy ví dụ như:

- Cây có tán lá lớn sẽ che chắn không cho nước mưa xối trực tiếp xuống mặt đất, nhờ đó, đất không bị xói mòn. Nước mưa dội thẳng vào mặt đất thì mỗi ha đất có thể bị xói mòn khoảng 20 tấn đất. Đất sẽ nhanh chóng bạc màu. Những vùng đất dốc bị xói mòn lại càng bạc màu nhanh hơn.

- Những sườn dốc bị chặt phá cây thường tạo ra hiện tượng sạt lở khi gặp mưa lớn. Nạn sạt lở núi đồi hàng năm đã gây ra rất nhiều hệ lụy như lấp vùi nhà cửa, vườn tược, phá hủy cầu đường, gây thương vong cho con người và vật nuôi.

- Nạn đốt rừng, cháy rừng gây ô nhiễm không khí do khí thải carbonic, góp phần làm mặt đất nóng lên, dẫn đến sự biến đổi khí hậu.

- Cứ 2 ha cây tán lá rộng sẽ hấp thụ 1 tấn khí carbonic/ ngày và nhả ra 730kg oxy, làm trong lành không khí; 1m³ không khí trong rừng xanh chỉ có từ 2000 đến 3000 vi khuẩn. Nhưng trong một nhà hàng đông khách, 1m³ không khí có thể chứa tới 30.000 vi khuẩn.

Hãy coi mỗi canh xanh như một vệ sĩ của con người.

Thanh niên tình nguyện thu gom rác ở một bãi biển Nam Trung Bộ Việt Nam. Ảnh: TTH

Thanh niên tình nguyện thu gom rác ở một bãi biển Nam Trung Bộ Việt Nam. Ảnh: TTH

Nạn rác thải

Cả thế giới lo lắng vì một lượng khổng lồ đang đe dọa làm "nâu" trái đất. Chỉ riêng rác thải nhựa, từ năm 1970 đến năm 2020, người ta đã đổ ra môi trường 300 triệu tấn rác thải nhựa. Bình quân, mỗi năm biển xanh hứng chịu 8 triệu tấn nhựa. Theo một dự báo, sang năm 2025, đại dương sẽ nhận thêm khoảng 16 triệu tấn nhựa nữa.

Có một tài liệu viết rằng, ở ngoài đại dương đang hình thành một quả núi rác thải nhựa. Một nhà bảo vệ môi trường đã cải chính, nói rằng, lượng rác thải nhựa đổ ra biển không chỉ làm ra một quả núi, mà đủ để tạo nên một hòn đảo.

Ở Việt Nam, theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó khoảng 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn đổ xuống biển. Chỉ có 27% số rác thải nhựa ở Việt Nam được tái chế.

Với những rác thải không được tái chế thì có đến 90% được chôn lấp hoặc đốt. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon. Trong ngành y tế, mỗi ngày có khoảng 22 tấn rác thải nhựa thải ra, trong số rác thải nhựa đó có những loại chai, lọ, hộp nhựa vốn dùng để đựng thuốc hoặc hóa chất. Chúng được thu gom, tái chế hoặc chôn lấp và thường ảnh hưởng độc hại tới sức khỏe cộng đồng.

Trong các rác thải, có khoảng 60% là rác thải đô thị. Chỉ có 20% lượng rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại, số rác thải gây ô nhiễm nước, không khí và đất, rất nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Rác thải đô thị ở Hà Nội mỗi ngày có khoảng 7000 tấn. Với số lượng lớn này, các bãi rác thải ở Hà Nội đã quá tải. Các thành phố khác như Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh… đều chưa đủ khả năng đối phó với tình trạng rác thải gia tăng mỗi ngày.

Ô nhiễm khói bụi ở đô thị đang đến mức báo động ở Việt Nam.

Ô nhiễm khói bụi ở đô thị đang đến mức báo động ở Việt Nam.

Nạn ô nhiễm khói bụi

Tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam hiện nay đang làm nhiều người lo sợ. Hiện Việt Nam được xếp thứ 36 về ô nhiễm không khí nhất thế giới. Theo thống kê của IQAir, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Việt Nam đã vượt quá 4,9 lần với mức độ không khí đảm bảo.

Theo ước tính của một Viện nghiên cứu, cứ 10 người thì có đến 9 người hít thở không khí có chứa bụi PM2.5 vượt mức cho phép. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm có hơn 1.300 người tử vong do ô nhiễm không khí.

Nguyên nhân gây ra bụi mịn PM2.5 chủ yếu là:

Đốt bỏ phụ phẩm công nghiệp: 40%

Đun nấu dân sinh: 17%

Giao thông đường bộ: 13%

Cháy rừng: 12,7%

Các hoạt động công nghiệp: 11%

Từ nhà máy nhiệt điện: 3,3%

Từ các hoạt động khác: 3,0%

Ô nhiễm không khí gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm, và ít nhất là 70.000 ca mỗi năm ở Việt Nam. Những người mắc các bệnh phổi như hen, suyễn hoặc phổi tắc nghẽn mãn tính rất dễ tử vong do ô nhiễm không khí. Nhóm có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khi không khí ô nhiễm là những người cao tuổi, mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, người làm việc hoặc tập thể dục ngoài trời, người sống gần đường cao tốc với mật độ giao thông cao, gần khu công nghiệp, khu đốt rác lộ thiên… Rất nhiều trẻ em dưới 5 tuổi đã chết vì bệnh viêm phổi do ô nhiễm không khí.

Biến đổi khí hậu dồn đuổi cuộc sống con người.

Biến đổi khí hậu dồn đuổi cuộc sống con người.

Biến đổi khí hậu

Sự ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến khí hậu, tạo ra hiện tượng khí hậu cực đoan được gọi là biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu thể hiện ở những trận lũ lụt, hạn hán, cuồng phong, bão tố, nhiệt độ không khí tăng cao, băng tuyết bất thường.

Khi nói đến biến đổi khí hậu, người ta đề cập tới những tác động xấu của khí hậu cực đoan ở những môi trường sống trên thế giới làm cho đời sống con người và các sinh vật cùng các hệ sinh thái giảm chất lượng, nhiều khi trở thành những thách thức nguy hiểm đối với sự sống còn trên trái đất.

Theo một báo cáo của Liên hiệp quốc, do khí hậu nóng lên, 1 tỉ người trên trái đất đang sống vùng ven biển có nguy cơ đối mặt với việc ngập lụt; 50% dân số trên thế giới nằm trong vùng nguy hiểm, 14% số loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng (báo cáo ngày 28/2/2022).

Do trái đất nóng lên, các dịch bệnh diễn ra nhiều hơn, nhiều bệnh mới xuất hiện, mùa màng cho năng suất thấp, nạn hạn hán gây thiếu nước sinh hoạt và nước cho sản xuất.

Nếu tình trạng nóng lên toàn cầu không kiểm soát ở mức độ 1,5 độ C thì trái đất sẽ còn hứng chịu nhiều hơn nữa với những thiên tai như lũ lụt, cháy rừng, sạt lở núi, lượng khí thải carbon tăng lên, nạn đói xảy ra, dịch bệnh gia tăng, số người tử vong tăng lên, sự phát triển bền vững của xã hội bị đe dọa.

Trước đây, hiện tượng biến đổi khí hậu thường do yếu tố tự nhiên gây ra, thì hiện nay, biến đổi khí hậu lại chủ yếu do con người tạo nên.

Ở Việt Nam, năm 2017 được xem là năm kỷ lục về những tác hại của biến đổi khí hậu. Năm đó, đất nước ta hứng chịu 16 cơn bão mạnh liên tiếp hoành hành. Nhiệt độ trung bình của cả nước tăng lên 0,5 – 1,0°C so với trước đó. Sự nắng nóng bất thường tạo ra cảnh hạn hán khắc nghiệt kéo dài, và tiếp theo là những cơn bão và áp thấp nhiệt đới diễn ra liên tục.

Trạm thủy văn quốc gia Hòn Dấu đưa ra một số liệu đáng được lưu tâm: trong vòng 50 năm qua, mực nước biển đã dâng cao khoảng 20cm.

Nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu có thể tóm tắt như sau:

Nguyên nhân khách quan:

Sự tái phân bố nhiệt trong đại dương, quỹ đạo trái đất thay đổi, quá trình kiến tạo núi và thềm lục địa có sự biến đổi; sự lưu chuyển trong hệ thống khí quyển.

Nguyên nhân chủ quan:

Con người đốt cháy nhiên liệu hóa thạch để tạo ra điện và nhiệt đã làm cho gia tăng lượng carbon dioxit và nitơ axit; sự phát triển công nghiệp kéo theo việc tăng rác thải công nghiệp, khí thải, dẫn đến hiệu ứng nhà kính. Mặt khác, con người đã chặt phá rừng bừa bãi, không theo một quy hoạch chặt chẽ; khai thác thủy sản quá mức làm tổn hại đến sự phát triển nhiều loại sinh vật như cua, cá và các loại hải sản, tạo ra sự mất cân bằng hệ sinh thái biển. Chiến tranh, nạn đổ rác thải độc hại ra biển… cũng là những nguyên nhân làm giảm màu xanh của trái đất.

Tự do là chính mình, thoải mái sáng tạo, theo đuổi đam mê và tận hưởng cuộc sống trọn vẹn nhất cùng thiên nhiên là ước muốn của con người. Ảnh: Roger Phạm

Tự do là chính mình, thoải mái sáng tạo, theo đuổi đam mê và tận hưởng cuộc sống trọn vẹn nhất cùng thiên nhiên là ước muốn của con người. Ảnh: Roger Phạm

Sống xanh – lối sống biết lắng nghe lời kêu gọi của trái đất

Trước sự tàn phá từ những nguyên nhân khác nhau, trái đất đã có những tín hiệu như những thông điệp kêu gọi nhân loại phải gìn giữ màu xanh của môi trường sống. Các cơ quan khoa học, các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý, hoạt động xã hội đã nhiều lần lên tiếng con người phải chung tay gìn giữ cuộc sống hạnh phúc lâu bền trên hành tinh xanh này.

Ngày trái đất

Cuối năm 1969, thượng nghị sĩ Hoa kỳ, ông Gaylord Nelson, đã đề xuất tổ chức một Hội thảo về môi trường nhằm nâng cao nhận thức của con người về những giá trị của môi trường tự nhiên. Ngày 22/4/1970, Gaylord Nelson đã tài trợ cho Hội thảo được tiến hành. Vào thời điểm này, việc bảo vệ môi trường tự nhiên chỉ được Hoa Kỳ chú ý. Đến năm 1990, một điều phối viên toàn quốc của Hoa Kỳ là ông Denis Hayes đã nâng vấn đề bảo vệ môi trường lên tầm quốc tế. Các sự kiện về môi trường đã được tổ chức ở 141 quốc gia. Một tổ chức các sự kiện toàn cầu, gọi là Mạng ngày Trái đất (Earth Day Network) đã điều phối việc tổ chức hội thảo về môi trường đã diễn ra tại 192 nước trên thế giới. Đến năm 2009, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố ngày 22/4 là Ngày Quốc tế Mẹ Trái đất (International Mother Earth Day).

Bản thân Nelson vẫn muốn có những Hội thảo quốc gia về "ngày môi trường", song các báo chí ở khắp nơi lại thống nhất gọi ngày môi trường là Ngày Trái đất (Earth Day).

Bắt đầu từ năm 2010, các quốc gia trên thế giới lấy ngày 22/4 làm Ngày Trái đất. Đó là ngày vận động toàn dân nâng cao ý thức và hành động để bảo vệ giá trị của môi trường tự nhiên toàn cầu.

Trong Ngày Trái đất, mọi người dừng mọi việc riêng tư, gác lại những nỗi niềm cá nhân để tham gia tuyên truyền, vận động mọi người chung tay vào việc trồng thêm cây xanh, ước vọng nhân loại cùng nhau chung sống trong ngôi nhà toàn cầu xanh, sạch và đẹp.

Bắt đầu từ năm 2015, Ngày Trái đất hàng năm sẽ được tổ chức theo một chủ đề cụ thể. Mọi người sẽ tiến hành những hoạt động phù hợp với chủ đề.

Các chủ đề của Ngày Trái đất hàng năm là nội dung trọng tâm của Ngày Trái đất trong một năm cụ thể. Nhìn chung, trong Ngày Trái đất, từng con người cần làm những công việc cần thiết để bảo vệ màu xanh cho cuộc sống của cộng đồng, của nơi mình sinh sống. Những việc đó thường là:

Dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu phố, khu vui chơi công cộng, vệ sinh ao hồ, kênh mương.

Trồng nhiều cây xanh và rau hữu cơ.

Không sử dụng túi nilon và chai nhựa.

Tận dụng thức ăn, rác hữu cơ trong bếp làm phân bón.

Tận dụng triệt để ánh sáng mặt trời, chọn dùng các thiết bị tiết kiệm điện năng, tắt hết các thiết bị điện khi không sử dụng.

Đi lại bằng các phương tiện công cộng hoặc xe đạp.

Ăn thực phẩm đúng mùa, nuôi trồng ngay tại nơi mình sống.

Giảm tiêu thụ thịt để hạn chế khí nhà kính từ ngành chăn nuôi.

Lấy hóa đơn điện tử thay vì hóa đơn giấy.

Đọc trên thiết bị số thay vì in tài liệu trên giấy.

Hội họp trực tuyến.

Viết bài tuyên truyền về Ngày Trái đất.

Tiết kiệm nước sinh hoạt.

Mua lại đồ cũ còn dùng được.

Ở Việt Nam, nạn lãng phí nguyên vật liệu như gỗ, giấy… và sử dụng các tài nguyên nước, xăng, dầu… cần nghiêm khắc xem xét lại. Việc in sách giáo khoa phổ thông là một điển hình. Người ta đưa ra thị trường 5 bộ sách giáo khoa, kèm theo sách dùng để hướng dẫn giáo viên, sách tham khảo.

Trước kia, khi chỉ dùng 1 bộ sách giáo khoa phổ thông, việc tiêu thụ giấy đã rất kinh khủng. Ngày 29/12/1999, GS.TS Nguyễn Xuân Hãn đã phát biểu tại một phiên họp của Hội đồng Quốc gia giáo dục như sau: "Giấy in sách giáo dục cần khoảng 2 triệu tấn/ năm. Trong nước chỉ cung cấp được 40%, còn lại 60% phải nhập ngoại. Song chúng ta không lo đủ giấy in sách, người dân sẽ nghĩ Chính phủ chưa quan tâm tới giáo dục, nhưng nên nhớ rằng, mỗi bộ sách giáo khoa bán ở nông thôn, người dân muốn mua phải bán 1 tạ thóc".

Bây giờ in 5 bộ sách giáo khoa, người ta sẽ ngốn bao nhiêu tấn giấy? Tại sao không đưa sách giáo khoa lên mạng và nơi có điều kiện sẽ học trực tuyến để đỡ tiền và giấy in sách giáo khoa phổ thông?

Vào khoảng năm 2000, số tiền dân mua sách giáo khoa cho con khoảng 100 triệu USD, gần bằng tiền thu thuế nông nghiệp hàng năm (Nguyễn Xuân Hãn).

Việt Nam cũng là nơi tiêu thụ xăng rất lớn. Tính đến cuối năm 2023, tổng số xe ô tô đã đăng ký là 6.312.439 chiếc, còn tổng số xe mô tô và xe gắn máy là 74.343.176 chiếc. Hiện nay, ở nước ta cứ 1000 người thì có 55 người sở hữu ô tô.

Trong 6 tháng đầu năm, thị trường xe ô tô đã bán được 140.032 xe ô tô mới các loại, còn lượng xe máy được bán ra là 1.206.872 chiếc. Như vậy, trên các ngả đường giao thông, vào cuối tháng 6/2024 đã có 6.452.471 xe oto và 75.550.048 xe máy xuôi ngược. Khói xăng từ các xe này thải vào môi trường chắc không nhỏ.

Việc ăn uống, nhậu nhẹt ở Việt Nam đang trở thành một hiện tượng xấu. Cứ từ chập tối, các nhà hàng chật cứng khách tới ăn uống tưng bừng náo nhiệt. Ngay các thị trấn và phố chợ thôn quê, người ta cũng ăn nhậu không kém gì người đô thị.

Năm 2023, người Việt uống hết 16.350.000 lít bia các loại. Bình quân, một người Việt Nam trên 15 tuổi uống khoảng 170 lít bia/ năm. Việc uống bia rượu thường đi kèm các món ăn từ thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm, thịt thú rừng (lợn rừng, chồn, cáo, hươu, nai…). Lượng tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm và lãng phí khi dùng đã gây áp lực lớn cho chăn nuôi và dịch vụ giết mổ.

Theo một thống kê, trung bình một người dân Việt Nam tiêu thụ 39,8kg thịt lợn/ năm; lượng tiêu thụ thịt bò ít hơn: 8kg/ năm. Tổng số thịt gia cầm, gia súc mà một người Việt dùng trong một năm là 65 – 68kg/ người/ năm (2023). Số người chết vì uống quá nhiều bia, rượu mỗi năm ở Việt Nam có tới 40.000 người/ năm.

Nhiều người dùng rượu quá nhiều đã mắc các bệnh hiểm nghèo như đau dạ dày, đau gan, mỡ máu cao, đột quỵ rồi nằm liệt trên giường…

Mới chỉ sơ sơ về những tệ nạn tiêu thụ giấy quá đáng, sử dụng xăng và uống rượu, ta cũng thấy kinh hoàng. Còn bao nhiêu tệ nạn nữa như lâm tặc, cát tặc, buôn bán ma túy, thuốc giả, dùng phân hóa học bừa bãi… đã làm cho sức khỏe con người và sức khỏe trái đất bị suy giảm trầm trọng.

Vì thế, mỗi năm chỉ trông chờ vào Ngày Trái đất 22/4 để làm sạch môi trường là không đủ. Sống xanh là sống có hành vi, hành động giữ màu xanh cho môi trường sống một cách thường xuyên và kịp thời, không chờ đợi trái đất kêu cứu mới hành động.

Giờ Trái đất

Giờ Trái đất (Earth Hour) là sự kiện quốc tế diễn ra hàng năm, do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (World Wildlife Fund) tổ chức, vận động các hộ gia đình và các doanh nghiệp tắt đèn điện và các thiết bị điện không có ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong vòng 60 phút (từ 20 giờ 30 đến 21 giờ giờ 30) theo giờ địa phương ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng 3 hàng năm. Sự kiện này bắt đầu từ năm 2007 ở Sydney. Số người tham gia sự kiện này vào lúc đó hơn 2 triệu người. Nhờ các phương tiện truyền thông, năm 2008 đã có 50 triệu người hưởng ứng. Đến năm 2009, hơn 1 tỉ người ở 4000 thành phố tham gia sự kiện. Đến năm 2010, trên thế giới đã có 126 quốc gia cam kết thực hiện Giờ Trái đất.

Mục đích của việc vận động thực hiện Giờ Trái đất là:

Tiết kiệm điện năng để làm giảm lượng khí thải carbon dioxide nhằm ngăn chặn hiệu ứng nhà kính;

Làm cho con người có ý thức bảo vệ môi trường;

Giảm ô nhiễm ánh sáng.

Năm 2008, ngày Giờ Trái đất được tổ chức trùng với ngày bắt đầu của Tuần lễ Quốc gia về bầu trời tối (National Dark Sky Week) ở Hoa Kỳ.

Giờ Trái đất qua các năm

Mấy năm gần đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường của Việt Nam đã chỉ đạo sự hưởng ứng của nhân dân cả nước Ngày Trái đất theo những chủ đề hướng vào trọng tâm của việc bảo vệ môi trường.

Những chủ đề như sau:

Những năng lực và phẩm chất cần thiết để tạo nên lối sống xanh

Kỹ năng xanh

Kỹ năng xanh (Green Skills) là khả năng vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm vào các hoạt động nhằm giúp cho xã hội phát triển bền vững và sử dụng tài nguyên có hiệu quả. Kỹ năng xanh là sự biểu hiện cụ thể của những năng lực và phẩm chất ở lối sống xanh.

Kỹ năng xanh là điều kiện quan trọng để con người tiến hành những việc làm xanh (Green Jobs) – những việc làm bền vững trong mọi lĩnh vực kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, hành chính) góp phần phục hồi, bảo tồn và nâng cao chất lượng môi trường.

Việc làm xanh làm giảm thiểu tác động của doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đến môi trường. Đó là những công việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, nước và những nguyên liệu thô, giảm phát thải carbon, phát thải khí nhà kính, tránh mọi hình thức gây lãng phí tài nguyên, các nguồn nguyên liệu và diện để tránh ô nhiễm môi trường. Việc làm xanh hướng đến sự bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong một công việc chuyên môn nghiệp vụ cụ thể (Professional Job), ta cần chú ý các vị trí việc làm sau đây:

Việc làm xanh (Green Jobs): Những vị trí đang góp phần vào sự bền vững của môi trường, nhưng không yêu cầu kỹ năng mới.

Việc làm xanh hóa (Greening Jobs): Những vị trí đang ngày càng có tác động lớn hơn đến sự bền vững của môi trường và đòi hỏi một số kỹ năng mới.

Việc làm xanh (Green + Jobs): Những vị trí mới được tạo ra để thúc đẩy sự bền vững của môi trường và đòi hỏi nhiều kỹ năng mới.

Việc làm không xanh (Non-green Jobs): Những vị trí không đóng góp vào nỗ lực phát triển môi trường bền vững nói chung của doanh nghiệp.

Nhằm giúp người dân có lối sống xanh, cả giáo dục chính quy và không chính quy đều phải có chương trình giáo dục những kỹ năng xanh để khi đến tuổi tham gia lao động sản xuất, mỗi người đều có ý thức về một xã hội xanh, nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh… để khi ở một vị trí trong công việc chuyên môn, họ sẽ phát huy những kỹ năng xanh của mình. Như vậy, lực lượng lao động sẽ được xanh hóa.

Hiện nay, trên các lĩnh vực lao động nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, nhiều quốc gia đang tích cực đào tạo lực lượng lao động xanh (Green Work force). Đây là lực lượng được xây dựng để góp phần làm giảm thiểu tác động của khí nhà kính lên trái đất.

Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), năm 2023, nhiệt độ toàn cầu đã đạt tới mức cao mà chưa bao giờ nhân loại phải hứng chịu. Nắng nóng hoành hành khiến các sông băng tan chảy, mực nước biển dâng cao thêm. Song, sang năm 2024 này, Giám đốc WMO – ông Omar Baddour – cho biết, nắng nóng còn gay gắt hơn so với năm 2023. Với đà này, nắng nóng năm 2025 sẽ ra sao, và nếu hiện tượng băng tan cứ tăng dần đến năm 2050 thì thế giới sẽ như thế nào?

Câu giải đáp là: Chỉ có lực lượng lao động xanh thực hiện những việc làm xanh nhằm mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng 0) đối với khí nhà kính thì toàn cầu mới thoát khỏi nguy cơ chết vì khí thải CO2, CH4 và N20 do chính con người gây ra.

Ngay từ bây giờ, các hệ thống giáo dục trên thế giới phải đào tạo thế hệ lao động xanh từ trên ghế nhà trường phổ thông, chứ đừng bỏ qua chương trình giáo dục lối sống xanh, kỹ năng xanh ở bậc học này.

Nước Ý đã đi tiên phong, đưa môn "Biến đổi khí hậu" vào từ cấp tiểu học, đồng thời, tất cả các môn thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn đều được tích hợp các kiến thức bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Hàng tuần, giáo viên đều có tiết thảo luận với các em nhỏ về những giải pháp làm xanh môi trường, tránh thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra.

Tiêu dùng xanh

Tiêu dùng xanh (Green Consumption) là phương thức tiêu thụ như mua và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi tường (bao gồm các thực phẩm, lương thực, đồ dùng sinh hoạt, các dụng cụ kỹ thuật cho cá nhân và gia đình…). Những sản phẩm ấy không gây hại cho sức khỏe con người và cộng đồng người, bảo vệ vật nuôi, cây trồng và không đe dọa hệ sinh thái tự nhiên. Tiêu dùng xanh xuất phát từ ý thức con người phải bảo vệ sức khỏe và đời sống của chính mình, đồng thời phải bảo vệ các nguồn tài nguyên cho thế hệ tương lai, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình và xã hội.

Có 2 vấn đề liên quan mật thiết đến tiêu dùng xanh

Thực phẩm xanh (còn có tên là thực phẩm sạch). Để có được thực phẩm xanh, người ta quy định nghiêm ngặt về quy trình sản xuất từ khâu cây giống đến khâu thu hoạch, hoàn toàn không có hóa chất độc hại, hoocmon tăng trưởng, chất kích thích và kháng sinh biến đổi gen, chất phụ gia nhân tạo, hóa chất bảo vệ thực vật.

Việc làm ra thực phẩm xanh có thể với giá thành cao, nhưng dùng thực phẩm xanh là sự lựa chọn cần thiết. Đối với nhiều người, lựa chọn thực phẩm xanh là nguyên tắc phải tuân thủ.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ yêu cầu trên bao bì thực phẩm xanh phải ghi rõ các chỉ số:

- Thực phẩm được sản xuất từ các nguyên liệu hữu cơ 100%.

- Thực phẩm chứa ít nhất 95% thành phần là hữu cơ.

- Thực phẩm bằng hữu cơ có chứa ít nhất 70% thành phần là hữu cơ.

Gia dụng xanh là những đồ dùng được sản xuất để phục vụ sinh hoạt trong gia đình của con người mà quá trình sản xuất chúng ít tác động xấu đến môi trường. Chúng được thiết kế và sản xuất bằng vật liệu thân thiện với môi trường, góp phần tạo nên một hình thức sống và phát triển bền vững của con người.

Những đồ gia dụng xanh thường được chế tạo đáp ứng với những nhu cầu sau:

Không tiêu thụ nhiều điện.

Trọng lượng nhỏ, hiệu quả sử dụng cao.

Tuổi thọ cao.

Độ ồn thấp.

Sử dụng an toàn.

Khi vận hành không gây ra bụi, chất gây độc hại, gây dị ứng…

Thời trang xanh là xu hướng thời đại trong cách ăn mặc như quần áo được sử dụng thân thiện với môi trường, kéo dài thời hạn sử dụng, hướng tới sự toàn vẹn sinh thái từ khâu thiết kế tới tay người tiêu dùng.

Thời trang nhanh đang lùi bước dẫn trước xu hướng thời trang xanh. Nhiều năm qua, các công ty may mặc đã tung ra thị trường những kiểu quần áo, các đồ trang phục bán ra thị trường với giá phải chăng, được khách hàng tiêu thụ rất nhanh do đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Song, hiện nay, xu hướng chung của những thế hệ trẻ là thích thể hiện bản lĩnh của mình hơn là tìm các kiểu ăn mặc kiểu mới. Họ ủng hộ các công ty may mặc thân thiện với môi trường, và họ cũng sẵn sàng mua đồ cũ hợp túi tiền. Vì thế, rất nhiều hãng may mặc và đồ dùng đã thu mua vải bạt cũ làm các ví đựng tiền, những ba lô đựng quần áo sách vở đeo vai, những đôi giày được chế biến từ bã cà phê, thời trang cao cấp từ xơ dừa, sợi thân chuối, tre…

Một ví dụ thú vị: Giai đoạn 2021-2023, công ty Faslink đã phát triển vải sợi S. Café , liên kết với các đối tác dệt may nội địa, ứng dụng rộng rãi nguồn vải sợi S. Café cho các sản phẩm như tất chân (vớ), jeans, các loại quần… Faslink đã cung ứng 3 triệu sản phẩm từ sợi S. Café cho hơn 40 nhãn hàng thời trang như Owen, Yody, Coolmate, Routine…

Sẽ có lúc, nhiều khách hàng vào các cửa hàng cà phê, nhâm nhi ly cà phê Việt Nam thơm lừng trong bộ đồ từ mũ đội đầu, quần áo đến đôi giày đều làm từ bã cà phê - tại sao không?

GS.TS Phạm Tất Dong

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/loi-song-xanh-su-cuu-roi-loai-nguoi-179241110145836772.htm