Lỗi tại Casemiro?

Sau trận thua mất mặt 0-3 trước Liverpool trong khuôn khổ vòng 3 giải bóng đá Ngoại hạng Anh vừa qua, rất nhiều ý kiến cho rằng lỗi chính phải thuộc về tiền vệ trung tâm Casemiro, khi cầu thủ này đã không hoàn thành nhiệm vụ của mình, Nhưng đó có phải hoàn toàn là sự thật?

Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho Casemiro trong trận thua 0-3 trước Liverpool vừa qua.

Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho Casemiro trong trận thua 0-3 trước Liverpool vừa qua.

Về mặt lý thuyết, người hâm mộ Manchester United có quyền quy trách nhiệm cho Casemiro về trận thua 0-3 trước Liverpool. Đầu tiên, theo góc nhìn của khán giả thì Casemiro có liên quan trực tiếp tới 2 bàn thua đầu của Manchester United, khi cầu thủ này đã để mất bóng dẫn đến pha tấn công có bàn của các cầu thủ Liverpool. Tiếp theo, nếu nhìn vào thông số của trận đấu, thì đây vẫn là trận đấu có vẻ ngang nhau giữa 2 câu lạc bộ, khi Manchester United chiếm 53% thời lượng kiểm soát bóng, có 8 lần dứt điểm 3 lần dứt điểm chính xác, có 507 đường chuyền, 113 pha tấn công 62 pha tấn công nguy hiểm; so với 11 lần dứt điểm 3 lần dứt điểm chính xác, có 464 đường chuyền, 114 pha tấn công 59 pha tấn công nguy hiểm của Liverpool.

Một thế trận là cân bằng, không có thông số nào của Liverpool là quá vượt trội, vậy 2 bàn thua chắc chắn phải quy vào lỗi của Casemiro khi cầu thủ này là tiền vệ trung tâm, đảm nhiệm sự an toàn cho khu vực trước vòng cấm địa đội nhà. Nhưng thực tế có phải như vậy hay không? Trên thực tế thì việc đánh bại Manchester United cũng không phải là điều gì quá… bất khả thi, đến mức chính bản thân huấn luyện viên Arne Slot đã công khai “bật mí” sau khi trận đấu kết thúc về vấn đề hai cánh của Manchester United thường xuyên dâng rất cao kéo theo các tiền vệ bên trong, dẫn đến việc Casemiro hay phải độc lập tác chiến ở khu vực giữa sân.

Một khi đã là vấn đề được phát biểu một cách công khai, có nghĩa là nó đã là điều mà… ai cũng có thể thấy được. Trên thực tế thì vấn đề này của Manchester United đã có từ lâu rồi, nó xuất phát từ lối chơi không nhất quán của câu lạc bộ này dưới thời huấn luyện viên Erik ten Hag. Nó là một lối chơi không thể gọi là kiểm soát bóng khi các tiền vệ dâng quá cao để có thể tạo nên áp lực kiểm soát bóng nơi khu vực giữa sân, mà nó cũng khó lòng gọi là chuyển trạng thái, khi khả năng tranh chấp bóng cũng không phải là điểm mạnh của câu lạc bộ này.

Chính như huấn luyện viên Arne Slot của Liverpool nói, Manchester United dưới thời Erik ten Hag vẫn đang thiên hướng về chuyển trạng thái hơn, khi họ có nhiều cầu thủ phù hợp với lối chơi này. Do đó khi đội nhà có bóng, hai cánh của Quỷ đỏ thành Manchester sẽ lập tức dâng cao để đón bóng, kéo theo hai tiền vệ khác nơi tuyến giữa của câu lạc bộ này phải dâng lên “làm nhiệm vụ”. Đó là Bruno Fernandes phải nhận bóng để chuyền dài, và 1 tiền vệ nữa sẽ dâng cao đón những đường bóng 2.

Với lối đá như vậy, tiền vệ trung tâm còn lại, thường là Casemiro sẽ thường xuyên rơi vào hoàn cảnh chỉ có 1 mình ở khu vực trước vòng cấm địa. Thậm chí là ngay từ khi bóng đến chân Casemiro, thì cầu thủ này đã không còn sự hỗ trợ nào vì kể từ thời điểm đó các cầu thủ khác đã lập tức dâng cao. Và vấn đề này sinh ra ở đây, để Arne Slot hôm nay và không ít đối thủ khác trước đây lợi dụng.

Như lời Arne Slot nói, ông sẽ để 2 cầu thủ tấn công nhưng cũng rất giỏi tạo áp lực là Mohamed Salah và Luis Diaz ở lại để tạo áp lực ngay khi Casemiro có bóng. Bộ đôi này với tốc độ rất cao của mình sẽ lập tức ập đến tranh chấp bóng, tạo độ khó chuyền bóng cho Casemiro. Như vậy Casemiro sẽ phải đưa ra lựa chọn, hoặc cầm bóng thoát pressing, hoặc lập tức chuyền dài, hoặc trả bóng trở về. Nhưng thoát pressing và chuyền dài vốn không phải thế mạnh của cầu thủ này, đặc biệt khi cầu thủ này đã không còn đủ nhanh nhẹn ở độ tuổi 32, mà chuyền về thì sẽ cắt ngang nhịp độ tấn công, đủ thời gian để các cầu thủ Liverpool củng cố hệ thống phòng ngự.

Với việc liên tục phải nhận bóng và chịu sức ép như vậy, Casemiro trước sau gì cũng phải chuyền lên chứ không thể chuyền về mãi được, và khả năng chuyền lỗi sẽ xảy ra. Nhưng gì mà Liverpool làm là lập tức đoạt bóng tấn công theo bài bản đã định sẵn. Vấn đề này của Manchester United vẫn tiếp tục xảy ra kể cả khi Casemiro rời sân, và Kobbie Mainoo trám vào vị trí này. Vẫn là liên tục phải 1 đấu 2, và sai lầm vẫn tiếp tục diễn ra, để rồi bàn thua thứ 3 như là điều tất nhiên.

Qua đó có thể thấy, đây không thể xem là lỗi của riêng Casemiro, mà là lỗi của cả hệ thống chiến thuật, lỗi của chính bản thân huấn luyện viên Erik ten Hag khi không thể đánh giá đúng những gì mà cầu thủ dưới tay mình có thể làm. Để tránh lỗi và đảm bảo được lối đá như hiện tại, Manchester United cần 1 cầu thủ đủ giỏi để có thể thoải mái cầm bóng thoát pressing trước áp lực của 2,3 cầu thủ đối phương, đồng thời còn có thể phát động tấn công từ xa tốt. Mà đáng tiếc là, chắc chắn Manchester United vẫn chưa có một cầu thủ như vậy.

Hiển nhiên là không phải câu lạc bộ nào cũng đủ khả năng tạo áp lực tầm cao đối với tiền vệ trung tâm của Manchester United như vậy, nhưng để hướng tới những mục tiêu lớn thì những câu lạc bộ mạnh như Liverpool chắc chắn là… không hề thiếu. Do đó, thay vì đổ lỗi cho Casemiro, thì có lẽ Manchester United nên… đổ tiền để đưa về một tiền vệ trung tâm đúng theo ý của Erik ten Hag, nếu như vẫn muốn sử dụng vị huấn luyện viên này.

CAO DUY

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/the-thao/the-thao-quoc-te/202409/loi-tai-casemiro-d212556/