Lợi thế bất ngờ của Ukraine khi quan hệ Mỹ - Nga rạn nứt

Một số nhà quan sát cho rằng, Ukraine đang hưởng lợi từ sự thất vọng gần đây của Tổng thống Donald Trump đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột ở Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức. Nhưng đến nay, sau hơn 4.000 giờ tại vị, sự kiên nhẫn của ông Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin - người mà mới tháng trước ông còn gọi là “rất tử tế”, dường như đang cạn dần. Quan hệ hai bên đã rơi vào bế tắc khi Nga tiếp tục tăng cường các đợt tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào các thành phố của Ukraine, đồng thời nhiều lần dường như phớt lờ các nỗ lực của ông Trump nhằm làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn.

Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters

“Chúng tôi đã nhận quá nhiều điều sáo rỗng từ ông Putin, nếu các bạn muốn biết sự thật. Ông ta lúc nào cũng tỏ ra tử tế với chúng tôi nhưng hóa ra điều đó hoàn toàn vô nghĩa", ông Trump nói với các phóng viên hôm 9/7.

Quan hệ giữa ông Trump và ông Putin rạn nứt

Ông Trump và ông Putin từng có khởi đầu suôn sẻ. Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã chủ động thiết lập đối thoại trực tiếp với Tổng thống Putin và điều khiến Moscow hài lòng là nhà lãnh đạo Mỹ sẵn sàng để Nga giữ lại các vùng lãnh thổ mà họ đã chiếm được sau khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2/2022. Ông Trump cũng tuyên bố Bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập năm 2014 “sẽ vẫn thuộc về Nga”. Đồng thời, Tổng thống Mỹ nói không muốn chi thêm tiền cho việc hỗ trợ quốc phòng Ukraine - vấn đề sau đó trở nên căng thẳng khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến thăm Nhà Trắng hồi tháng 2/2025.

“Hiện tại các ông không có quân bài nào cả”, ông Trump nói với ông Zelensky trong một phát biểu được phát sóng trực tiếp. Ông cũng hối thúc Ukraine phải nhượng bộ và bắt đầu gây áp lực để Kiev ký một thỏa thuận khoáng sản.

Các cơ quan tình báo Mỹ từ lâu đã vật lộn trong việc xác định rõ mục tiêu đối ngoại của ông Putin. Với Ukraine, họ cho rằng nhà lãnh đạo Nga muốn làm suy yếu nước này tối đa nhằm ngăn cản Kiev gia nhập NATO, đồng thời khôi phục ảnh hưởng văn hóa - kinh tế của Nga tại vùng biên giới.

Những gì Tổng thống Putin thể hiện trong các cuộc đối thoại gần đây với Nhà Trắng cho thấy ông vẫn quyết tâm tiếp tục các chiến dịch tấn công. Theo phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) tại Washington, các cuộc không kích của Nga vào Ukraine đã tăng đáng kể kể từ sau lễ nhậm chức của ông Trump hồi tháng 1. Phải mất một thời gian ông Trump mới công khai thừa nhận điều này. Đến tháng 4, Tổng thống Trump tuyên bố: “Tôi không hài lòng chút nào với các cuộc tấn công của Nga vào Kiev. Không cần thiết và quá sai thời điểm. Vladimir, DỪNG LẠI!”

Trên thực tế, hai vòng đàm phán ngừng bắn gián tiếp do ông Trump làm trung gian đều thất bại. Sau nhiều cuộc điện đàm với Tổng thống Putin, ông Trump dường như đang điều chỉnh lại quan điểm và cả hành động với Nga. Tổng thống Mỹ đã chỉ đạo Lầu Năm Góc nối lại việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Nhà Trắng cũng đang tăng áp lực buộc các nước châu Âu đóng góp thêm vào nỗ lực hỗ trợ các hệ thống phòng không mà Ukraine cần để phòng thủ và một số nước đã đáp lại lời kêu gọi trên trong những ngày gần đây.

Hiện nay, Quốc hội Mỹ đang tập trung vào một dự luật lưỡng đảng mới nhằm trừng phạt nặng nề kinh tế Nga bằng cách áp thuế lên tới 500% đối với bất kỳ quốc gia nào mua, bán hoặc cung cấp dầu khí của Nga nếu Moscow tiếp tục từ chối đàm phán hòa bình với Ukraine.

Đầu tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Kuala Lumpur, Malaysia trong khuôn khổ Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Sau cuộc gặp, ông Rubio nói với báo chí rằng ông Lavrov đã đưa ra “một khái niệm mới", nhưng từ chối tiết lộ chi tiết mà chỉ cho biết: “Tôi sẽ không mô tả đây là điều đảm bảo hòa bình nhưng đó là một khái niệm mà chúng tôi sẽ báo cáo lại với Tổng thống".

Ông Rubio cũng cho biết Mỹ đang thảo luận với các đồng minh châu Âu về khả năng cung cấp hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine.

Về phía mình, ông Trump nói rằng sẽ đưa ra một "tuyên bố lớn” về Nga vào thứ Hai (14/7) - dấu hiệu cho thấy Nhà Trắng đang điều chỉnh chiến lược với Moscow.

Nhiều nhà phân tích, từng nghi ngờ lập trường của ông Trump với Nga, giờ bắt đầu nhận thấy sự thay đổi. Ông Bill Taylor, Cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine nhận định: “Ông Trump giờ đã nhận ra rằng Tổng thống Putin chính là vấn đề".

Giới quan sát đặt câu hỏi rằng, đây là đoạn kết cho mối quan hệ thân thiện giữa ông Trump và ông Putin hay chỉ là bước lùi chiến thuật?

Ukraine hưởng lợi

Một số nhà quan sát cho rằng, Ukraine đang hưởng lợi từ sự thất vọng gần đây của Tổng thống Donald Trump đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng 6 tháng đầu đương nhiệm của ông Trump cho thấy chưa ai có thể chắc chắn điều đó sẽ kéo dài bao lâu.

Tổng thống Trump đã ưu tiên tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở Ukraine nhưng sau gần nửa năm, những nỗ lực từ Washington vẫn chưa đạt được tiến triển rõ rệt. Theo giới phân tích, Ukraine hiện là bên được hưởng lợi nhiều nhất từ sự thay đổi thái độ của ông Trump với ông Putin.

Theo NBC News, ngày 10/7, ông Trump công bố kế hoạch mới cho phép Mỹ cung cấp “vũ khí cho NATO và NATO sẽ chi trả cho chúng”, sau đó các vũ khí này sẽ được chuyển giao cho Ukraine. Thông báo này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông tuyên bố Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ năng lực phòng thủ của Ukraine. Những tuyên bố này là tín hiệu tích cực với Kiev giữa bối cảnh nước này đối mặt với các cuộc không kích UAV và tên lửa dữ dội từ Nga trong những tuần gần đây.

Mặc dù các gói viện trợ đang rất cần thiết nhưng vẫn chưa rõ chính quyền ông Trump sẽ có kế hoạch dài hạn ra sao trong việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine, cũng như mục tiêu chiến lược sẽ là gì nếu phương án ngừng bắn không khả thi.

“Để Ukraine đạt được thắng lợi đáng kể trên chiến trường, điều đó đòi hỏi một cách tiếp cận chiến lược đối với cuộc xung đột. Đây là việc mà Mỹ và NATO chưa từng thực hiện kể từ tháng 2/2022", cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton nói với Washington Examiner. Theo ông: “Tôi cho rằng đó là một trong những lý do khiến tình hình hiện nay lâm vào thế bế tắc".

Chưa đầy 5 tháng trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Trump và Phó Tổng thống JD Vance đã có cuộc trao đổi căng thẳng ngay tại Phòng Bầu dục trước sự chứng kiến của báo giới. Sau cuộc tranh luận, các quan chức trong chính quyền đã yêu cầu ông Zelensky rời đi trước khi hai bên có thể hoàn tất một thỏa thuận về khoáng sản. Thỏa thuận dự kiến cho phép Mỹ nhận lại một phần lợi nhuận trong tương lai như hình thức hoàn trả viện trợ quân sự cho Ukraine.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã tạm ngưng viện trợ và chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine sau diễn biến trên, vốn được cho là thời điểm thấp nhất trong quan hệ Mỹ - Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra.

“Tôi nghĩ ông Zelensky đã rất nỗ lực, đặc biệt là sau sự việc ở Phòng Bầu dục hồi tháng 2. Nhưng điều khiến ông ấy gặp khó với ông Trump là nhà lãnh đạo này luôn nhìn quan hệ song phương qua lăng kính quan hệ cá nhân với lãnh đạo quốc gia đó".

“Chính quyền hiện nay vẫn còn do dự trong việc triển khai một chiến dịch hỗ trợ an ninh toàn diện để giúp Ukraine đối phó hiệu quả hơn với Nga", Bradley Bowman, Giám đốc cấp cao tại Tổ chức Bảo vệ Các nền Dân chủ, nhận định với Washington Examiner.

Chuyên gia Bowman gọi thời điểm trước thềm thông báo vào 14/7 là “một bước ngoặt", dù ông lưu ý rằng ông Trump “thường dễ bị ảnh hưởng bởi người cuối cùng báo cáo cho ông".

Kiều Anh/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/loi-the-bat-ngo-cua-ukraine-khi-quan-he-my-nga-ran-nut-post1214392.vov