Lợi thế của Indonesia trên cuộc đua tăng tốc tới châu Phi

Trong hai ngày 2 và 3/9, Tổng thống Indonesia Joko Widodo chủ trì Diễn đàn Indonesia - châu Phi (IAF) lần thứ 2 và Diễn đàn cấp cao về quan hệ đối tác nhiều bên liên quan tại tỉnh Bali (Indonesia).

Diễn đàn Indonesia - châu Phi lần này nằm trong chiến lược đa dạng hóa các đối tác chính của Indonesia cũng như định vị vai trò của Indonesia trong cuộc đua “tăng tốc xích lại gần châu Phi” với các nước lớn.

Diễn đàn Indonesia - châu Phi (IAF) lần thứ 2 và Diễn đàn cấp cao về quan hệ đối tác nhiều bên liên quan tại tỉnh Ba-li (Indonesia) trong 2 ngày 2-3/9. Ảnh: IAF.

Diễn đàn Indonesia - châu Phi (IAF) lần thứ 2 và Diễn đàn cấp cao về quan hệ đối tác nhiều bên liên quan tại tỉnh Ba-li (Indonesia) trong 2 ngày 2-3/9. Ảnh: IAF.

Dân số châu Phi đang tăng nhanh và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tăng trưởng toàn cầu, tăng từ 283 triệu người năm 1960 lên hơn 1,5 tỷ người năm 2024. Trong khi đó, Indonesia là quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới, với hơn 270 triệu người. Đây là cơ hội tốt để Indonesia đa dạng hóa thị trường sang các lĩnh vực phi truyền thống, bao gồm dầu cọ, thực phẩm và đồ uống, quần áo.

Trước đây, chính phủ Indonesia nhắm mục tiêu đầu tư vào cơ sở hạ tầng của châu Phi, nhưng vì Indonesia cũng đang cần những nguồn lực tài chính trong nước nên đã có sự điều chỉnh chiến lược. Indonesia cần những đồng minh mới và châu Phi là lựa chọn hoàn hảo vì Indonesia muốn được hưởng lợi từ các khoáng sản quan trọng của châu Phi. Tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực an ninh năng lượng trở nên rất quan trọng, xét đến việc Châu Phi nắm giữ 10 % trữ lượng dầu mỏ của thế giới. Ngoài ra, tài nguyên khoáng sản quan trọng như coban, lithium và than chì sẽ khuyến khích quá trình chế biến hạ nguồn các khoáng sản quan trọng giữa Indonesia và châu Phi. Indonesia đang tập trung vào các chính sách thúc đẩy sự tham gia của Nam bán cầu vào chuỗi cung ứng và kết nối quốc tế, cũng như hợp tác trong việc chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai, bao gồm thông qua xuất khẩu vắc-xin và các loại dược phẩm khác của Indonesia.

Không chỉ là các lợi ích kinh tế, đối với Indonesia, mối quan hệ chặt chẽ hơn với châu Phi rất quan trọng khi Indonesia tìm cách trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Khẳng định vị thế khác biệt

Indonesia đặt mục tiêu ký kết các thỏa thuận trị giá 3,5 tỷ USD tại các diễn đàn lần này với các nước châu Phi - gấp nhiều lần so với các thỏa thuận trị giá khoảng 600 triệu USD được ký kết hồi năm 2018 trong diễn đàn lần đầu tiên. Diễn đàn Indonesia-châu Phi lần thứ hai là cơ hội để Indonesia tìm cách xây dựng quan hệ đối tác mới và mở ra các thị trường thương mại mới tại châu Phi. Sự kiện này diễn ra chỉ vài ngày trước Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) tại Bắc Kinh, cho thấy sự chú ý và nguồn lực ngày càng tăng mà quốc gia Đông Nam Á này dành cho Châu Phi.

Năm 2023, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có chuyến công du đầu tiên tới châu Phi, với mục đích "tăng cường đoàn kết và hợp tác giữa các nước Nam Bán cầu". Indonesia cũng liên tục tăng số lượng viện trợ phát triển dành cho các nước Châu Phi, với 60 chương trình được triển khai trong thập kỷ qua, tập trung vào các vấn đề bao gồm an ninh lương thực, năng lượng và y tế. Năm 2019, Indonesia đã thành lập Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế và kể từ đó đã hợp tác với 23 quốc gia châu Phi trong các chương trình phát triển. Điều này cho thấy Indonesia đang tìm cách sử dụng những nỗ lực phát triển quan hệ với châu Phi như một bàn đạp cho các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn.

Tương tự Indonesia, một số quốc gia châu Á khác đang tăng tốc trong quá trình tiến gần hơn đến với châu Phi. Vào tháng 7 năm nay, hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-châu Phi đầu tiên đã diễn ra tại Seoul khi chính phủ Hàn Quốc tìm cách đảm bảo quyền tiếp cận các khoáng sản quan trọng mà ngành công nghiệp công nghệ khổng lồ của đất nước phụ thuộc vào. Khu vực tư nhân của Nhật Bản đã tăng cường sự hiện diện tại châu Phi, được coi là câu trả lời cho một số vấn đề của Tokyo liên quan đến tình trạng trì trệ kinh tế. Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi trong hơn một thập kỷ.

Chỉ là một quốc gia mới công nghiệp hóa, Indonesia đang tìm cách định vị mình là đối tác tự nhiên hơn đối với châu Phi so với các nước láng giềng phát triển hơn về mặt kinh tế. Trước hết quan hệ của Indonesia với Châu Phi đã có từ nhiều thập kỷ trước. Cựu Tổng thống Sukarno đã tổ chức Hội nghị Á-Phi, còn được gọi là Hội nghị Bandung, vào năm 1955. Chính quyền của Tổng thống Jokowi đã tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình trên lục địa, đặc biệt khi giữ chức Chủ tịch Nhóm G20 vào năm 2022.

Indonesia đang thể hiện mình với các quốc gia châu Phi là có mô hình kinh tế khác so với Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc và có khoảng cách phát triển nhỏ hơn. Điều này giúp Indonesia trở nên dễ có mối liên hệ hơn đối với các quốc gia châu Phi đang trong quá trình phát triển kinh tế tương tự.

Chiến lược tăng tốc trên đường đua

Indonesia và Châu Phi chia sẻ nhiều giá trị chiến lược điều này tạo nên nhiều lợi thế cho Indonesia trên đường đua tới châu Phi. Tuy nhiên một số nhà quan sát cho rằng Indonesia cần nỗ lực hơn nữa vào hoạt động ngoại giao kinh tế của mình. Để đóng vai trò tiên phong trong con đường tới châu lục, không chỉ cần quyết tâm lãnh đạo mà còn cần năng lực trí tuệ mạnh mẽ và nguồn lực vật chất lớn để duy trì các nỗ lực ngoại giao.

Với việc Indonesia đang thúc đẩy các đầu tư trong nước hay hướng đến các khu vực lân cận, tầm nhìn dài hạn của Indonesia hiện nay với châu Phi là tìm kiếm điểm chung phù hợp giữa Tầm nhìn 2045 của Indonesia và Chương trình nghị sự 2063 của Châu Phi trong việc xây dựng một tương lai toàn diện và công bằng hơn. Cả hai tầm nhìn đều tập trung vào phát triển con người, nhấn mạnh vào giáo dục, y tế và trao quyền cho phụ nữ và thanh niên.

Indonesia cũng cần xác định các lĩnh vực chiến lược tiềm năng nhưng chưa được khai thác ở Châu Phi. Ví dụ, hợp tác trong ngành dược phẩm trong việc phát triển vắc-xin, hay thiết lập khuôn khổ hợp tác thương mại song phương mới với các quốc gia châu Phi . Ngoài ra, số lượng đại diện ngoại giao của Indonesia tại khu vực châu Phi vẫn chưa đại diện cho quy mô lợi ích kinh tế của Indonesia tại châu lục này. Do đó các chuyên gia khuyến nghị phải xem xét mở rộng các văn phòng đại diện cũng như ưu tiên các nỗ lực xây dựng lòng tin với các quốc gia châu Phi, một phần không thể thiếu trong việc thực hiện ngoại giao kinh tế của Indonesia.

Phạm Hà/VOV-Jakarta

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/ho-so/loi-the-cua-indonesia-tren-cuoc-dua-tang-toc-toi-chau-phi-post1118516.vov