Lời thề Nguyên Bình của Quân đội Nhân dân Việt Nam
Hồn cốt của 10 lời thề, đó là trung thành tuyệt đối với Đất nước, với Đảng, với nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh dưới lá cờ vẻ vang của Tổ quốc.
Ngày 22/12/1944, dưới chân núi Slam Cao trong khu rừng Trần Hưng Đạo, tại xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, 34 chiến sỹ hô vang 10 lời thề danh dự, đánh dấu sự ra đời Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
"Lời thề Nguyên Bình" năm đó luôn được lớp lớp cán bộ, chiến sỹ gìn giữ, khắc ghi bởi đó là sức mạnh, là nền tảng để quân đội ta không ngừng lớn mạnh, trưởng thành...
Trong cuốn hồi ký “Từ nhân dân mà ra”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người trực tiếp thảo 10 lời thề danh dự đã ghi lại khoảnh khắc ấy: “Đứng dưới cờ, lòng tràn đầy tin tưởng, chúng tôi đồng thanh đọc mười lời thề danh dự: "Chúng tôi, đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, xin lấy danh dự của một người chiến sĩ cứu quốc mà thề dưới lá cờ đỏ sao năm cánh”…. Sau từng lời thề, những tiếng hô "Xin thề!” lại đồng thanh cất lên mạnh mẽ, vang động cả khu rừng. Tâm tư của chúng tôi trong những giờ phút thiêng liêng đó thực khó tả. Bao nhiêu chiến công oanh liệt của ông cha đời trước, của các chiến sĩ cách mạng, của nhân dân ta, phút chốc bỗng hiện ra rực rỡ trong ký ức. Nợ nước, thù nhà, oán hờn dân tộc, căm thù giai cấp, làm cho máu nóng trong người như sắp sôi lên. Chúng tôi quên đi chúng tôi là ba mươi tư con người với những súng ống thô sơ, mà thấy đây là cả một đoàn quân gang thép, rắn chắc, không sức mạnh nào khuất phục nổi, sẵn sàng quật nát kẻ thù. Tin tưởng, náo nức, cảm động”…
Từ rừng Trần Hưng Đạo và hai xã Tam Kim, Hoa Thám (huyện Nguyên Bình), chúng tôi tìm về xã Minh Tâm - nơi ở của gia đình ông Dương Mạc Thăng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng (con trai đồng chí Dương Mạc Thạch, tức Xích Thắng - Chính trị viên đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân). Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, ông Thăng bảo rằng, nơi này xưa chỉ có vài hộ đến ở, xung quanh chỉ toàn rừng cây, thú dữ. Ngôi nhà của gia đình ông Dương Mạc Thạch như là căn cứ an toàn để các đồng chí cán bộ của Đảng hoạt động cách mạng. Nơi đây đã chứng kiến nhiều thời khắc lịch sử, là nơi Bác Hồ từng 2 lần đến chỉ đạo công việc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng từng sống và chỉ đạo phong trào cách mạng ở đây. Ông kể rằng, được gặp Bác Hồ, Bác Giáp và tham gia nhiều hoạt động nên cha ông sớm giác ngộ cách mạng, trở thành cán bộ tiên phong của địa phương.
Ông Dương Mạc Thăng nhớ lại chuyện bố kể về ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân; về bữa cơm nhạt, không có muối, thể hiện ý chí, quyết tâm và tinh thần đồng cam cộng khổ: “Bác Giáp có bàn với Ban Chỉ huy đội, bữa cơm đầu tiên là bữa ăn nhạt, không có muối, không rau, vì xác định khi vào đội, thậm chí sau này đi chiến đấu sẽ có lúc khó khăn, thậm chí không có gì ăn, nên để tỏ rõ quyết tâm và chuẩn bị tinh thần vượt khó. Theo ông cụ tôi kể, khi về tập trung, các đội viên người có áo rách, người không có đủ quần áo. Cứ tưởng tượng, khi đó rét còn hơn thời bây giờ mà các chiến sỹ chỉ có 1 bộ quần áo thôi, chiến sỹ chịu đựng được cái rét đó cũng đã là quyết tâm, anh dũng rồi”.
Về thời khắc lịch sử này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có ghi lại: Giữa mùa đông khí trời non cao lạnh buốt. Trên một khoảng đất rộng giữa khu rừng đại ngàn với những hàng cây thẳng tắp, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân lần đầu tiên tập hợp đội ngũ chỉnh tề dưới lá cờ đỏ thắm.
Đại diện Liên tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng cùng với rất đông đại biểu nhân dân Tày, Nùng, Mán của hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn đến tham dự, đứng thành hai hàng hai bên bộ đội. Tôi được ủy nhiệm thay mặt Đoàn thể tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và vạch rõ nhiệm vụ của Đội với Tổ quốc.
Tại Hội nghị dân quân, tự vệ, du kích toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên ngày 24/5/1947, Tổng Quân ủy quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam đã công bố Sắc lệnh của Chính phủ ban hành "Mười lời thề danh dự" và "Mười hai điều kỉ luật dân vận" của đội viên dân quân, tự vệ và du kích. Kế đó, lễ tuyên thệ diễn ra. Mười lời thề danh dự đã được chính đồng chí Võ Nguyên Giáp long trọng đọc vang lên cùng những cánh tay vung lên đầy sắt đá hô vang: Xin thề…Xin thề.
Hồn cốt của 10 lời thề, đó là trung thành tuyệt đối với Đất nước, với Đảng, với nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh dưới lá cờ vẻ vang của Tổ quốc. Đó là nguồn sức mạnh thiêng liêng, khẳng định tinh thần đoàn kết, ý chí quyết chiến, quyết thắng, không ngại hy sinh, gian khổ quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền của tổ quốc, bảo vệ nhân dân.
Trung tá Nguyễn Quân, Cựu cán bộ Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn, nguyên Phó Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trường Đảng Tổng cục Hậu Cần, năm nay đã 95 tuổi cho rằng mình may mắn và vinh dự khi tham gia quân đội ngay từ năm 1946 và trải qua cả 2 cuộc kháng chiến của dân tộc. Cả cuộc đời binh nghiệp càng giúp ông cảm nhận sâu sắc hơn sự thiêng liêng của 10 lời thề danh dự.
Trung tá Nguyễn Quân nói: “10 lời thề của Quân đội thì điều quan trọng nhất đó là trung thành, giữ mối quan hệ giữa quân đội với Đảng, với nhân dân. Đến giờ với Đảng, vẫn thể hiện là một lực lượng trung thành nhất, sự trung thành ấy gắn với cả cuộc đời, với những người chiến sỹ. Chúng tôi vào chiến trường Miền nam năm 1968, lúc đó xác định vào chiến trường thì không mong ngày về, nhưng vẫn quyết tâm đi, vậy cái gì thôi thúc đi chiến đấu? quan trọng nhất đó chính là trách nhiệm với Đảng, với nhân dân, với độc lập tự do của Tổ quốc”.
Xứng đáng với lời thề đó, từ một đội quân với 34 chiến sỹ, quân đội ta đã từng bước xây dựng, trưởng thành. Giờ đây, dưới chân dãy Slam Cao, 10 lời thề danh dự được khắc trang trọng trên tấm bia di tích nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.
Trung tá Nguyễn Ngọc Quân, Chính trị viên Đồn Biên phòng Quang Long, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng nói: “Mỗi sáng thứ Hai hàng tuần, đứng dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc, được đọc vang mười lời thề danh dự của quân nhân, chúng tôi, mỗi quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam đều cảm thấy vinh dự, tự hào, nhận thức sâu sắc ý nghĩa của 10 lời thế danh dự của quân nhân. Bản thân tôi cùng các đồng chí cán bộ chiến sỹ trong đơn vị luôn tâm niệm và khắc ghi, từ đó luôn phấn đấu thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ trên từng cương vị công tác, đoàn kết, thống nhất, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”…
Với 34 chiến sỹ đầu tiên và lớp lớp thế hệ Quân đội nhân dân Việt Nam, 10 lời thề danh dự thiêng liêng vẫn luôn khắc ghi trong mỗi cán bộ, chiến sỹ. Không chỉ là đội quân chiến đấu, chắc tay súng bảo vệ vững chắc vùng đất, vùng biển, vùng trời của Tổ quốc, các anh còn ngày đêm mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bình yên cho nhân dân. Đặc biệt, trong những cơn thiên tai, địch họa, hàng vạn cán bộ, chiến sỹ không quản hy sinh, gian khổ trên tuyến đầu để bảo vệ nhân dân, thực hiện trọn vẹn lời thề danh dự, tô thắm thêm lá cờ vẻ vang mà Đảng, Nhân dân giao phó….
"Mười lời thề danh dự" tại Lễ thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân.
1 - Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để tiêu diệt bọn phát-xít
Nhật - Pháp và bọn Việt gian phản quốc, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước độc lập và dân chủ, ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới.
2 - Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của cấp chỉ huy, khi nhận được mệnh lệnh gì, sẽ tận tâm, tận lực thi hành cho nhanh chóng và chính xác.
3 - Bao giờ cũng kiên quyết chiến đấu, dù gian lao khổ sở cũng không phàn nàn, vào sống ra chết cũng không sờn chí, khi ra trận quyết chí xung phong, dù đầu rơi máu chảy cũng không lùi bước.
4 - Lúc nào cũng khẩn trương, hoạt bát, hết sức học tập để tự rèn luyện thành một quân nhân cách mạng, xứng đáng là một người chiến sĩ tiên phong giết giặc cứu nước.
5 - Tuyệt đối giữ bí mật cho bộ đội về nội dung tổ chức, về các cấp chỉ huy, tuyệt đối giữ bí mật cho tất cả các đoàn thể cứu quốc.
6 - Khi ra trận nếu bị quân địch bắt được, thì dù cực hình tàn khốc thế nào cũng cương quyết một lòng trung thành với sự nghiệp giải phóng của toàn dân, không bao giờ cung khai phản bội.
7 - Hết sức ái hộ bạn chiến đấu cũng như bản thân, hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận.
8 - Hết sức giữ gìn vũ khí, không bao giờ để vũ khí hư hỏng hay rơi vào tay quân thù.
9 - Khi tiếp xúc với dân sẽ làm đúng ba điều răn: không lấy của dân - không dọa nạt dân - không quấy nhiễu dân và ba điều nên: Kính trọng dân - giúp đỡ dân - bảo vệ dân, để gây lòng tin cậy đối với dân chúng, thực hiện quân dân nhất trí, giết giặc cứu nước.
10 - Bao giờ cũng nêu cao tinh thần tự phê bình, giữ tư cách cá nhân mô phạm, không làm điều gì hại đến thanh danh Giải phóng quân và quốc thể của Việt Nam.