Lợi thế từ CASA, lãi năm nay của Ngân hàng TPBank (TPB) có thể đạt gần 6.000 tỷ đồng

Với việc tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tăng đáng kể và dư địa cho vay còn lớn, lợi nhuận năm nay của Ngân hàng TPBank (mã cổ phiếu TPB) có thể đạt gần 6.000 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý 2/2024, tỷ lệ CASA của Ngân hàng TPBank đã leo lên vị trí thứ 5 từ vị trí thứ 7 trong quý trước.

Tính đến cuối quý 2/2024, tỷ lệ CASA của Ngân hàng TPBank đã leo lên vị trí thứ 5 từ vị trí thứ 7 trong quý trước.

Kết thúc nửa đầu năm nay, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (Ngân hàng TPBank, mã cổ phiếu TPB - sàn HoSE) ghi nhận thu nhập lãi thuần khoảng 6.663 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 2.986 tỷ đồng, lần lượt tăng 14,2% và 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó, hoàn thành 40% mục tiêu lợi nhuận sau thuế riêng lẻ năm nay.

Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán VNDirect, lợi nhuận sau thuế cả năm nay của Ngân hàng TPBank có thể đạt 5.948 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2023.

Chứng khoán VNDirect nhận định, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng TPBank trong cả năm nay có thể đạt 15,5%, chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu cho vay doanh nghiệp và cho vay mua nhà tăng cao trong nửa cuối năm 2024.

Trong đó, cho vay doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng, đặc biệt là từ nhu cầu tái cấp vốn của các nhà phát triển bất động sản và hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, cho vay vào các lĩnh vực xây dựng và sản xuất của Ngân hàng TPBank đã bắt đầu tăng lên trong quý 2/2024, nhờ sự phục hồi của ngành công nghiệp trong nửa đầu năm.

Tỷ lệ LDR của TPB thấp hơn so với các ngân hàng khác, giúp giảm áp lực tăng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi trong nửa cuối năm. (Nguồn: FiinPro, Chứng khoán VNDirect)

Tỷ lệ LDR của TPB thấp hơn so với các ngân hàng khác, giúp giảm áp lực tăng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi trong nửa cuối năm. (Nguồn: FiinPro, Chứng khoán VNDirect)

Đối với hoạt động cho vay mua nhà, Chứng khoán VNDirect kỳ vọng Ngân hàng TPBank sẽ ghi nhận tăng trưởng tích cực từ việc cho vay cá nhân để mua nhà trong nửa cuối năm 2024.

Đáng chú ý, thị trường bất động sản tại Hà Nội đang phục hồi nhanh hơn so với TP.Hồ Chí Minh, điều này mang lại cơ hội lớn cho Ngân hàng TPBank khi hơn 60% thu nhập lãi thuần của ngân hàng đến từ thị trường miền Bắc.

Bên cạnh đó, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) của Ngân hàng TPBank ước đạt khoảng 67% vào cuối quý 2/2024. Đồng thời, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn vẫn dưới ngưỡng 30%. Do đó, Chứng khoán VNDirect đánh giá Ngân hàng TPBank sẽ không phải chịu áp lực lớn về việc tăng lãi suất huy động. Qua đó, có thêm dư địa để giảm lãi suất cho vay, thu hút khách hàng mà không ảnh hưởng đáng kể đến NIM.

Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu TPB của Ngân hàng TPBank từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu TPB của Ngân hàng TPBank từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Theo Chứng khoán VNDirect, NIM của Ngân hàng TPBank trong năm 2024 sẽ cải thiện hơn so với năm 2023, đạt 4,1% nhờ mặt bằng lãi suất huy động giảm và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đã tăng lên.

Trong đó, tính đến cuối quý 2/2024, tỷ lệ CASA của Ngân hàng TPBank đã leo lên vị trí thứ 5 từ vị trí thứ 7 trong quý trước (dựa trên dữ liệu từ 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất). Chứng khoán VNDriect kỳ vọng tỷ lệ CASA của ngân hàng này sẽ tiếp tục cải thiện trong năm 2024 - 2025, nhờ vào dòng tiền từ khách hàng doanh nghiệp và khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), những khách hàng được hưởng lợi từ sự tiện lợi của nền tảng Livebank của Ngân hàng TPBank.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/loi-the-tu-casa--lai-nam-nay-cua-ngan-hang-tpbank--tpb--co-the-dat-gan-6-000-ty-dong-128451.htm