Lợi thế tuyệt đối cà phê đặc sản Lâm Đồng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Lâm Đồng là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cây cà phê, hiện nay toàn tỉnh có 172.000 ha, sản lượng đạt 515.000 tấn, trong đó diện tích cà phê chè (Arabica) khoảng 17.500 ha, chiếm 10,2% tổng diện tích. Tuy là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về diện tích (sau Đắk Lắk), song cà phê Lâm Đồng có năng suất bình quân và sản lượng cao nhất cả nước. Bên cạnh đó, Lâm Đồng có vùng sản xuất cà phê chè (Cầu Đất - Đà Lạt) được các tổ chức quốc tế đánh giá có chất lượng thuộc nhóm đầu trên thế giới; luôn được các tập đoàn cà phê đa quốc gia quan tâm như: UCC, STARBUCKS, NESTLE, OLAM, ACOM... Hiên tại, giá trị ngành cà phê chiếm 60% ngành nông nghiệp Lâm Đồng và giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động.
Phát triển cà phê đặc sản là xu thế tất yếu tham gia chuỗi giá trị toàn cầu mà Lâm Đồng có lợi thế tuyệt đối. Vì vậy, căn cứ vào tiểu vùng sinh thái và yêu cầu kỹ thuật chia thành các vùng sản xuất và vùng chuyên canh cà phê để tập trung kỹ thuật bao gồm:
Vùng có độ cao từ 900 m-1.600 m so với mực nước biển có điều kiện, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, ưu tiên phát triển cà phê chè với diện tích khoảng 25.000 - 30.000 ha, chiếm khoảng 15-17% diện tích cà phê toàn tỉnh. Vùng có độ cao từ 800 m đến 900 m so với mực nước biển có điều kiện, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, phát triển cà phê vối là chủ yếu với diện tích khoảng 130.000 - 140.000 ha, chiếm khoảng 83-85% diện tích cà phê toàn tỉnh. Xác định một số vùng sinh thái phù hợp để phát triển các giống cà phê chè cao cấp (Moka, Katura, Bourbone...) nhằm sản xuất cà phê đặc sản siêu chất lượng và cà phê hữu cơ tại thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương.
Bên cạnh nhãn hiệu “Cà phê Di Linh” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận ngày 26/10/2009, tỉnh Lâm Đồng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 3 nhãn hiệu độc quyền cho cà phê chè là “Cà phê Arabica Langbiang”; “Cà phê Cầu Đất - Đà Lạt” và thương hiệu Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành đối với cà phê Arabica.
Như vậy về mặt phân vùng sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu cà phê Lâm Đồng đã tiến hành đồng bộ; vấn đề còn lại là tổ chức lại sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị cà phê, lấy trọng tâm là chất lượng, an toàn, bền vững và tập trung xây dựng chuỗi cà phê đặc sản đi đôi với việc tuyên truyền cho người sản xuất cà phê hiểu được khái niệm cà phê đặc sản để làm cơ sở khoa học triển khai sản xuất quy mô lớn. Từ kết quả nghiên cứu và chỉ đạo sản xuất, chúng tôi đưa ra khái niệm: “Cà phê đặc sản là cà phê được sản xuất từ những giống cà phê có năng suất cao, chất lượng tốt; trồng ở những nơi có điều kiện khí hậu và đất đai đặc trưng; được tổ chức sản xuất theo quy trình canh tác nông nghiệp bền vững; các tiêu chí chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế” - (Phạm S, 2017).
Phát triển 5 vùng chuyên canh cà phê đặc sản có quy mô lớn tại các huyện: Di Linh 40.000 ha, Lâm Hà 30.000 ha, Bảo Lâm 20.000 ha, Đức Trọng 10.000 ha, thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương 4.000 ha để hình thành những vùng nguyên liệu có quy mô lớn phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Phát triển vùng sản xuất cà phê có chứng nhận theo tiêu chuẩn UTZ, 4C, Rainforest đạt 50-60% diện tích để cung cấp cà phê nhân đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Với một ngành hàng có vùng nguyên liệu lớn, do đó chế biến sâu trong ngành cà phê được xem là kim chỉ nam để ngành cà phê có thể phát triển bền vững, tạo ra giá trị gia tăng tương xứng với quy mô của tỉnh và tầm nhìn dài hạn; do đó, trong thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng luôn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mới các cơ sở chế biến sâu; đồng thời, đổi mới công nghệ, thiết bị (phân loại, đánh bóng cà phê xuất khẩu) và nâng công suất các cơ sở chế biến cà phê hiện có, để đảm bảo năng lực chế biến được 90-95% sản lượng cà phê nhân của tỉnh và đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu. Thực tế cho thấy, chế biến sâu mang lại giá cao hơn cà phê thô từ 80 - 100%; có những cà phê đặc sản chế biến sâu giá trị gia tăng đến 400 - 500%. Điều này khẳng định rằng, khi chế biến sâu giá trị gia tăng rất lớn; nếu phát triển thương hiệu tốt, cà phê chế biến sâu sẽ mang tầm thế giới.
Song song với tập trung các giải pháp kỹ thuật thâm canh, tiếp tục thu hút các dự án chế biến cà phê thì cần chú trọng công nghệ sau thu hoạch, sử dụng hệ thống tiết kiệm năng lượng trong phơi sấy cà phê. Tiếp tục quảng bá các thương hiệu chỉ dẫn địa lý đã xây dựng trong và ngoài nước, nhằm quảng bá và mở rộng thị trường xuất khẩu; đặc biệt là cà phê đặc sản, cà phê siêu chất lượng và cà phê hữu cơ; chủ động hội nhập quốc tế; xây dựng ngành hàng cà phê Lâm Đồng phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.
Từ đấy vạch ra một số giải pháp để tập trung sản xuất, đầu tư khoa học và hợp tác quốc tế… như sau:
Tập trung chỉ đạo sản xuất cà phê có chứng nhận: Trong quá trình hội nhập quốc tế, tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, do đó cà phê phải sản xuất có chứng nhận, an toàn thực phẩm là yêu cầu tất yếu, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Diện tích cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng chứng nhận trên toàn tỉnh đạt 76.000 ha với sản lượng 310.000 tấn bao gồm: chứng nhận UTZ Certified (UTZ hợp nhất với Rainforest Alliance vào tháng 1/2018, tên chính thức sau này là “Rainforest Alliance”) diện tích 21.563 ha, sản lượng 86.894 tấn; chứng nhận 4C, diện tích 53.230 ha, sản lượng 215.717 tấn; chứng nhận C.A.F.E Practices, diện tích 700 ha, sản lượng 1.700 tấn. Trong đó, diện tích cây cà phê chè được chứng nhận khoảng 5.424 ha/3.600 hộ tham gia, sản lượng đạt 12.353 tấn.
Đầu tư khoa học công nghệ trọng tâm: Xác định là cây trồng chủ lực ngành nông nghiệp, do đó trong những năm qua, tỉnh đầu tư khá toàn diện các công trình nghiên cứu khoa học từ khâu chọn tạo giống có năng suất cao, chất lượng tốt; xác định công thức bón phân hợp lý; biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp; kỹ thuật canh tác bền vững; hỗ trợ đổi mới công nghệ chế biến; đồng thời tỉnh chú trọng xây dựng và quảng bá các thương hiệu chỉ dẫn địa lý cà phê trong và ngoài nước.
Mở rộng hợp tác quốc tế toàn diện: Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế để tiếp cận các thành tựu khoa học công nghệ và nguồn lực tài chính, nhằm nâng cao năng lực quản trị. Trong thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững IDH để triển khai Chương trình Cảnh quan bền vững (ISLA) từ năm 2015 và là tỉnh đầu tiên ở Việt Nam thực hiện chương trình này. Hiện nay Lâm Đồng đang tham gia Dự án VnSAT giai đoạn 2016-2020 với nguồn vốn khoảng 129 tỷ đồng, để thực hiện các hạng mục hạ tầng nông nghiệp, nâng cao năng lực quản trị,… trong đó hỗ trợ 20 tỷ đồng trong 5 năm để triển khai 55 mô hình tái canh bền vững; trong 3 năm qua đã thực hiện với kinh phí 4,3 tỷ đồng, hỗ trợ 31 mô hình sản xuất cà phê bền vững, diện tích 27,5 ha; hỗ trợ 15,5 tỷ đồng đào tạo nông dân sản xuất cà phê bền vững; hỗ trợ 7,6 tỷ đồng đào tạo tái canh cà phê bền vững, nhằm phục vụ tái canh cà phê của tỉnh tại các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc, thu hút các dự án đầu tư nước ngoài về cà phê.
Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đưa ra các giải pháp đột phá cho ngành hàng cà phê đến năm 2025, nhằm chủ động hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu, với các giải pháp đồng bộ phát triển ngành hàng cà phê theo hướng toàn diện, bền vững và hiện đại mang tính đột phá trong thời kỳ mới, tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tiếp tục phát triển cà phê nói chung, cà phê đặc sản nói riêng, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và chủ động hội nhập quốc tế. Qua đó, đặt ra nhiệm vụ tiến hành quản lý quy hoạch và phát triển cà phê giai đoạn 2021-2025 với quy mô sản xuất theo chiều sâu, để tập trung nâng cao năng suất và chất lượng.
Tập trung chỉ đạo chặt chẽ việc phát triển diện tích tự phát, ổn định diện tích cà phê đến năm 2025 vào khoảng 170.000 ha, trong đó có khoảng 18-20% diện tích cà phê chè; nâng năng suất bình quân cà phê nhân toàn tỉnh đến năm 2025 đạt khoảng 3,6 tấn/ha, sản lượng khoảng 530.000 - 550.000 tấn/năm; tiếp tục giữ vững Lâm Đồng là tỉnh có năng suất và sản lượng cà phê cao nhất Việt Nam.
Nâng cao năng lực chế biến cà phê nhân của các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn đến năm 2025 đạt 510.000 - 520.000 tấn (chiếm 92-95% sản lượng cà phê của toàn tỉnh), trong đó 70% sản lượng được chế biến theo quy mô công nghiệp và 40% được chế biến theo công nghệ chế biến ướt.
Mặt khác, xác định khoa học và công nghệ là then chốt để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành cà phê, bởi nâng cao năng lực sản xuất giống cà phê chất lượng cao cho các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh có tính bền vững không chỉ cho giai đoạn theo kế hoạch 2013-2020 mà có tính lâu dài; xây dựng vườn sản xuất chồi giống cà phê theo hướng ứng dụng công nghệ cao; hoàn thiện quy trình nhân giống cà phê, đặc biệt cây giống phải được kiểm tra nghiêm khắc về kỹ thuật. Tiếp tục đầu tư khoa học công nghệ, ứng dụng các công nghệ canh tác, công nghệ giống (ghép chồi, trồng tái canh). Tổ chức sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ. Tăng cường quản lý quy hoạch, thực hiện việc trồng cây chắn gió, cây che bóng, nhằm tạo vườn cà phê có quy mô và sinh thái đồng ruộng chất lượng cao. Đây là vấn đề không mới đã có nhiều kết quả phân tích khoa học, vì vậy trong quá trình sản xuất cần chỉ đạo kiên quyết vườn cà phê phải trồng cây che bóng, trồng xen cây ăn quả với mật độ hợp lý (bơ, sầu riêng, mắc ca...), góp phần cải thiện tiểu khí hậu, thích ứng biến đổi khí hậu và nâng cao thu nhập.
Tiếp tục làm tốt công tác truyền thông ngành hàng cà phê: Các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến cơ sở cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân về giá trị cà phê trong tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là tuyên truyền về mục đích, yêu cầu, sự cần thiết thực hiện chương trình tái canh, cải tạo giống cà phê, sản xuất cà phê đặc sản, cà phê hữu cơ... và chủ trương, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ vay vốn đầu tư để thực hiện các chương trình này. Thực hiện các chương trình này có nhiều cách, song với mục tiêu cuối cùng làm sao để người nông dân không ỷ lại mà xem chương trình phát triển cà phê là nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống chính từng gia đình họ, một trong những nội dung quan trọng mở rộng quy mô sản xuất cà phê bền vững; góp phần xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương.
Cuối cùng là cơ chế, chính sách và phát triển thị trường: Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương trên cơ sở thực tiễn tiếp tục có chính sách thuận lợi trong việc thực hiện quy trình cho vay, xây dựng hướng dẫn cụ thể về điều kiện được vay vốn để người dân tiếp cận nguồn vốn, song ngân hàng vẫn chủ động quản lý để hạn chế tối đa rủi ro nguồn vốn đối với chương trình.
Đồng thời, Nhà nước cân đối các nguồn vốn và yêu cầu cấp thiết, tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi tại các vùng sản xuất cà phê trọng điểm của từng địa phương. Tiếp tục quảng bá các thương hiệu chỉ dẫn địa lý đã xây dựng trong và ngoài nước, nhằm quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ cà phê ở thị trường xuất khẩu; đặc biệt là cà phê đặc sản, cà phê siêu chất lượng và cà phê hữu cơ; xây dựng ngành hàng cà phê Lâm Đồng phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.