Lối thoát cho dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TP.HCM
TP.HCM đề xuất 3 phương án để đưa dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng do thành viên của Trungnam Group làm chủ đầu tư về đích sau nhiều năm trễ hẹn.
Dự án chống ngập do triều cường khu vực TP.HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) khởi công tháng 6/2016, do Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (thành viên của Trungnam Group) làm chủ đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).
Mục đích của dự án nhằm kiểm soát ngập cho diện tích 750km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.
Công trình có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng gồm 6 cống ngăn triều gồm: Bến Nghé, Cây Khô, Mương Chuối, Phú Định, Phú Xuân, Tân Thuận và tuyến đê/kè, nhà quản lý trung tâm và hệ thống SCADA, dự kiến hoàn thành sau 3 năm.
Tuy nhiên, hiện đã trễ hẹn 5 năm nhưng dự án vẫn chưa thể hoàn thành do những vướng mắc về giải phóng mặt bằng, vốn và các điều khoản trong phụ lục đồng BT.
Mới đây, Chính phủ đã thành lập tổ công tác do Phó thủ tướng Trần Lưu Quang làm tổ trưởng nhằm tìm cách gỡ nút thắt để dự án sớm về đích.
Nút thắt
Theo Công ty TNHH Trung Nam BT 1547, dự án đã hoàn thành 90% khối lượng xây dựng nhưng đang tạm dừng thi công do gặp khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn và phương thức thanh toán.
Đối với phương thức thanh toán bằng đất, mặc dù UBND TP.HCM đã chuẩn bị sẵn ba quỹ đất và xin ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ để thanh toán cho nhà đầu tư theo quy định tại Nghị định 69/2019/NĐ-CP.
Nhưng ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành vào tháng 9/2022 cho rằng, chưa có cơ sở thực hiện việc thanh toán bằng đất nên các bộ ngành đề nghị phải thực hiện rà soát pháp lý, điều chỉnh hợp đồng BT trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Việc thanh toán bằng tiền cho nhà đầu tư cũng không thể thực hiện được khi chưa có đầy đủ các điều kiện.
Cụ thể, dù UBND TP.HCM đã trình và được HĐND thành phố chấp thuận về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 nguồn vốn ngân sách địa phương để thanh toán cho dự án.
Tuy nhiên Nghị định 69/2019/NĐ-CP không quy định việc thanh toán các hợp đồng BT bằng tiền theo tiến độ khối lượng hoàn thành mà chỉ cho phép thanh toán bằng tiền tại thời điểm quyết toán công trình. Thông báo 285/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ cũng không quy định cơ chế thanh toán bằng tiền trước hoặc song song với việc thanh toán bằng đất.
Còn việc tái cấp vốn không thể thực hiện được là do thời gian giải ngân khoản vay tái cấp vốn đã hết hạn từ ngày 30/9/2020 nên ngân hàng Nhà nước dừng giải ngân cho BIDV để cho Công ty Trung Nam BT 1547 vay thực hiện dự án.
3 phương án gỡ vướng
Để dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng được tái cấp vốn trở lại, TP.HCM và nhà đầu tư phải thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án. Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án ban đầu được phê duyệt là 9.976 tỷ đồng nhưng do tiến độ dự án kéo dài, tổng mức đầu tư theo ước tính của nhà đầu tư có thể phát sinh lên khoảng 13.211 tỷ đồng.
Việc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án dự kiến sẽ mất nhiều thời gian do quá trình thương thảo với nhà đầu tư để xác định các chi phí hợp lý được tính vào tổng mức đầu tư tăng thêm. TP.HCM nhận thấy nếu chờ điều chỉnh pháp lý dự án liên quan đến việc thay đổi tổng mức đầu tư sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả chung của dự án và làm phát sinh chi phí lãi vay và các chi phí khác.
Vì vậy, để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, TP.HCM đã chủ động nghiên cứu đưa ra ba giải pháp gỡ vướng cho dự án.
Thứ nhất, TP.HCM sẽ ủy thác ngân sách khoảng 1.800 tỷ đồng cho Quỹ đầu tư phát triển thành phố (HFIC) để đơn vị này cho nhà đầu tư vay. Sau khi công trình được nghiệm thu, thành phố sẽ thanh toán cho nhà đầu tư theo hợp đồng BT và các phụ lục. Nhà đầu tư sau đó thanh toán nợ với HFIC và đơn vị này hoàn lại ngân sách thành phố khoản vốn đã nhận ủy thác.
Thứ hai, thành phố đề xuất phương án thanh toán cho nhà đầu tư khối lượng đã hoàn thành bằng cả đất và tiền. Với phần giá trị trả bằng tiền, thành phố kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo ngân hàng Nhà nước hướng dẫn ngân hàng BIDV chưa thu nợ và tiếp tục cấp vốn để nhà đầu tư hoàn thành công trình. Sau đó TP.HCM và nhà đầu tư sẽ nghiệm thu, thanh toán phần còn lại theo các thỏa thuận, hợp đồng BT và các phụ lục.
Thứ ba, HFIC sẽ cho nhà đầu tư vay để nhà đầu tư hoàn thành công trình nhưng đối chiếu các quy định, HFIC cho biết dự án này chưa đáp ứng các điều kiện để thẩm định, quyết định cho vay từ nguồn vốn hoạt động của đơn vị.
Trong các phương án trên, giải pháp thứ nhất được đánh giá thuận lợi vì ngân sách thành phố không tạm ứng trực tiếp cho nhà đầu tư mà ủy thác để HFIC cho vay theo quy định đối với quỹ đầu tư phát triển địa phương. Điều này có cơ sở pháp lý thực hiện nên được xem là khả thi nhất.