Lối thoát hiểm cho nhà ống

Rạng sáng 8/7, một vụ cháy lớn xảy ra tại căn nhà ống trong ngõ Thổ Quan (quận Đống Đa, TP Hà Nội) làm ba nạn nhân tử vong. Trước đó, ngày 13/5, cũng tại Hà Nội, căn nhà bốn tầng ở phố Thành Công (phường Quang Trung, quận Hà Đông) cháy khiến bốn bà cháu tử vong thương tâm. Liên tiếp các vụ hỏa hoạn khiến nhiều người thiệt mạng một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về phòng chống cháy, nổ tại nhà ống ở các đô thị.

Thông tin ban đầu về vụ cháy xảy ra ở ngõ Thổ Quan, Công an TP Hà Nội cho biết, khu vực xảy ra cháy là nhà ở kết hợp kinh doanh dịch vụ làm móng chân, móng tay. Nhà hình ống, cao 6 tầng, 1 tum, mặt tiền khoảng 2,5 m, chiều dài 24 m. Khi xảy ra cháy, lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời và dập tắt nhưng ba em nhỏ là người thân của chủ nhà đã bị mắc kẹt và tử vong.

Theo dõi tin tức và hình ảnh về vụ cháy, nhiều bạn đọc chia sẻ mất mát quá lớn với gia đình các nạn nhân và bày tỏ cần có quy định cứng về lối thoát hiểm thứ hai trong nhà ống, nhà chung cư. Cùng đó, chính quyền, người dân cần cương quyết và tự giác tháo dỡ, xóa bỏ các “chuồng cọp”, mở lối thoát hiểm cho chính mình khi hỏa hoạn không may xảy ra.

Hình ảnh từ các vụ cháy mới đây ở Hà Nội hay vụ cháy ở ngay huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) ngày 22/6 làm ba người trong một gia đình tử vong cho thấy, hầu hết những căn nhà này chỉ có một lối ra vào duy nhất ở tầng 1. Khi xảy ra cháy, ngọn lửa sẽ bít lối thoát duy nhất này; khói bốc lên cao, gây ngạt cho người trong phòng kín.

Hiện với diện tích nhà khoảng hơn 70 m2, mặt tiền khoảng 3-5 m, đa số nhà dân ở đô thị, mặt phố hay trong các ngõ nhỏ đều là nhà ống, có một cửa ra vào duy nhất. Chưa kể, để phòng chống trộm cắp, nhiều người còn lắp thêm các khung sắt, “chuồng cọp”, gia cố thêm nhiều loại cửa ra vào, kết hợp nhà ở với làm kinh doanh, dịch vụ khiến rất khó khăn cho việc cứu hộ, cứu nạn khi sự cố xảy ra.

Sau liên tiếp các vụ cháy khiến nhiều người tử vong và từ thực tế những vụ cháy đã giải cứu được những người mắc kẹt, cơ quan công an liên tục khuyến cáo mỗi nhà dân cần trang bị cho mình một lối thoát hiểm thứ hai, tạo an toàn cho chính mình, trước khi được lực lượng chức năng ứng cứu.

Lối thoát hiểm thứ hai được gợi ý ở đây có thể qua ban công, cửa sổ có mặt ngoài thông thoáng, lối lên mái nhà hoặc bằng thang sắt, ống tụt, thang dây ngoài nhà… để thoát nạn khi cần thiết. Trường hợp không thể bố trí đường thoát nạn, lối ra thoát nạn riêng hoặc lối ra phụ ở tầng 1, cần có các khu vực lánh nạn tạm thời ở các tầng tại các vị trí ban công hoặc lô-gia, được quây bằng tường và cửa chống cháy hoặc vật liệu khó cháy.

Tất cả những khuyến cáo này đang được Bộ Xây dựng cụ thể hóa để ban hành thành Tiêu chuẩn quốc gia Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế, dự kiến thực hiện trong thời gian tới. Dù quy định chưa hay sắp ban hành, vì chính sự an toàn của bản thân và gia đình, hiện không ít người đã tự giác phá bỏ “chuồng cọp”, mở lối thoát nạn khẩn cấp cho mình.

Luôn cần lối thoát hiểm riêng trong mỗi ngôi nhà ống, bởi đó là cách duy nhất giúp giảm thiểu hậu quả thương tâm khi không may sự cố cháy nổ xảy ra, đặc biệt ở những nhà kết hợp cả kinh doanh.

Hồng Tâm

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/theo-dong-su-kien/408024/loi-thoat-hiem-cho-nha-ong.html