Lối thoát khủng hoảng
Sau gần 10 năm nội chiến, Xy-ri vẫn chìm trong khủng hoảng, do xung đột, nguy cơ khủng bố tiềm ẩn, cùng các biện pháp trừng phạt đơn phương của phương Tây. Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo về cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng ở Xy-ri, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ, thúc đẩy hồi hương người tị nạn và tái ổn định cuộc sống của người dân Xy-ri.
Sau gần 10 năm nội chiến, Xy-ri vẫn chìm trong khủng hoảng, do xung đột, nguy cơ khủng bố tiềm ẩn, cùng các biện pháp trừng phạt đơn phương của phương Tây. Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo về cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng ở Xy-ri, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ, thúc đẩy hồi hương người tị nạn và tái ổn định cuộc sống của người dân Xy-ri.
Cuộc xung đột giữa các phe phái đối địch ở Xy-ri bùng phát từ đầu năm 2011 đã đẩy quốc gia Trung Ðông vào cuộc nội chiến kéo dài. Chiến tranh đã khiến hàng triệu người Xy-ri phải chạy tị nạn sang các nước trong khu vực, và hàng triệu người khác mất nhà ở, phải sống tị nạn ngay trên quê hương mình. Làn sóng người tị nạn Xy-ri từng khiến nhiều quốc gia láng giềng và khu vực cũng lao đao bởi những hệ lụy về kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế, thông qua sự hỗ trợ của LHQ và cơ chế đối thoại A-xta-na do Nga, I-ran và Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy, các giải pháp tìm kiếm hòa bình cho Xy-ri đạt những tiến triển tích cực, hướng tới chấm dứt giao tranh, tạo điều kiện soạn thảo Hiến pháp mới theo lộ trình chuyển tiếp chính trị.
Tuy nhiên, việc hồi hương người tị nạn và giúp họ trở lại cuộc sống bình thường là một thách thức với Chính phủ Xy-ri. Tổng thống Xy-ri B.Át-xát đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây khiến hơn năm triệu người Xy-ri đang sống tị nạn ở các nước trong khu vực không thể hồi hương. Theo số liệu của chính quyền Ða-mát, trong 17 triệu dân Xy-ri, 5,5 triệu người đang sống tị nạn trong khu vực, chủ yếu ở Thổ Nhĩ Kỳ và hơn 6 triệu người khác phải sống tị nạn trên chính lãnh thổ Xy-ri. Tổng thống Xy-ri cũng cáo buộc rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) đang cản trở dòng vốn đổ vào Xy-ri phục vụ công cuộc tái thiết. Ðiều này cũng làm giảm cơ hội việc làm ở các lĩnh vực có thể thu hút nhiều người tị nạn Xy-ri trở về quê hương làm việc.
Chính phủ Xy-ri đối mặt khó khăn chồng chất khi nội chiến tàn phá đất nước nặng nề, kinh tế rơi vào khủng hoảng. Tổng thống Xy-ri Át-xát cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng kinh tế ở nước này trầm trọng là do hàng tỷ USD của người Xy-ri không thể gửi về nước vì các ngân hàng ở nước ngoài kiểm soát chặt chẽ.
Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt chống chính quyền Ða-mát ảnh hưởng nghiêm trọng kinh tế Xy-ri, đồng nội tệ mất giá, dẫn đến giá cả tăng vọt. Ðạo luật Caesar của Mỹ về Xy-ri, có hiệu lực hồi tháng 6 vừa qua, đã hạn chế các nguồn hỗ trợ tái thiết và duy trì sức ép đối với Tổng thống Át-xát. Xy-ri thiếu nhiên liệu trầm trọng và buộc phải tăng giá bánh mì khi nguồn dự trữ lúa mì ngày càng cạn kiệt... Những khó khăn khiến tâm trạng thất vọng gia tăng trong người dân, những người đã quá mệt mỏi vì chiến tranh liên miên gần 10 năm qua.
Trong các cuộc thảo luận của Hội đồng Bảo an LHQ (HÐBA) về Xy-ri, cũng như tại Hội nghị quốc tế về hồi hương người tị nạn Xy-ri, do Chính phủ Xy-ri tổ chức gần đây, cộng đồng quốc tế đã tái khẳng định cam kết vững chắc về ủng hộ đất nước Xy-ri độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Không có giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột Xy-ri và chỉ có thể tìm một giải pháp hòa bình cho Xy-ri thông qua tiến trình chính trị do chính người dân Xy-ri lãnh đạo và thực hiện với sự hỗ trợ của LHQ, tránh mọi sự can thiệp của nước ngoài vào tình hình quốc gia Trung Ðông.
Trong nỗ lực ổn định tình hình Xy-ri, việc tìm giải pháp cho vấn đề người tị nạn được coi là một trong những nhân tố quan trọng. Việc tạo điều kiện hồi hương người tị nạn Xy-ri và giúp tái thiết các khu vực bị ảnh hưởng phù hợp luật pháp quốc tế, như quy định trong Nghị quyết số 2254 của HÐBA LHQ, là trách nhiệm của Chính phủ Xy-ri cũng như cần sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, nhằm đem lại hòa bình và ổn định cho quốc gia Trung Ðông.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/loi-thoat-khung-hoang-624765/