Lối thoát nào cho Vinafood II?
Bài học từ trường hợp của Vinamilk có thể là kim chỉ nam cho Vinafood II. Những đợt thoái vốn liên tiếp kể từ năm 2016 giúp SCIC thu về hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước, đồng thời giải phóng sức mạnh cho Vinamilk, giúp doanh nghiệp này vươn lên tầm cao mới.
Đầu tháng 10, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) có buổi làm việc với Ủy ban quản lý vốn Nhà nước (CMSC) để đề xuất các kiến nghị nhằm tái cấu trúc doanh nghiệp.
Đây là cuộc họp thứ 2 giữa Vinafood II với CMSC trong vòng 6 tháng qua, kể từ sau ĐHCĐ bất thường diễn ra vào tháng 3. Từ đó đến nay, Vinafood II đã liên tục đăng tải lên website của mình thư mời cung cấp dịch vụ để tìm kiếm đối tác tư vấn xây dựng chiến lược, tái cấu trúc doanh nghiệp, xây dựng hệ thống quản trị, tổ chức.
Mặc dù vậy, kết quả thu về không mấy khả quan khi không có đơn vị nào trúng tuyển. Cuộc họp mới nhất chỉ đào sâu thêm các vấn đề đang tồn đọng tại Vinafood 2 lâu nay, vốn đang ngày càng nghiêm trọng do tác động của dịch Covid-19.
Cổ phần hóa kiểu “bình mới – rượu cũ”
Báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2020 của Vinafood II cho thấy, công ty mẹ Vinafood II lỗ sau thuế 160 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty đã lỗ lũy kế gần 2.200 tỷ đồng, tương đương mất hơn 40% vốn chủ sở hữu. Cùng với đó, Vinafood II còn khoản nợ xấu 1.350 tỷ đồng, đã trích lập dự phòng gần đủ.
Năm 2018, khi Tập đoàn T&T Group rót hơn 1.200 tỷ đồng để thâu tóm 25% cổ phần Vinafood II và trở thành cổ đông chiến lược, nhiều người kỳ vọng vào một màn lột xác của Vinafood II, quay trở lại thời kỳ hoàng kim. Niềm tin này dựa trên cơ sở Vinafood II là doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo lớn nhất Việt Nam, còn T&T Group hoạt động đa ngành cũng có thế mạnh đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản.
Mặc dù vậy, sau 2 năm, những gì mà Vinafood II đạt được chỉ là những khoản thua lỗ ngày một lớn. Có nhiều lý do để giải thích cho thất bại sau cổ phần hóa của Vinafood II, song vấn đề tựu chung ở khả năng quản trị yếu kém.
Thời điểm trước khi cổ phần hóa, Vinafood II đã có nhiều năm thua lỗ, phải trích lập hàng ngàn tỷ đồng cho các khoản nợ khó đòi và các khoản thua lỗ do đầu tư ngoài ngành. Ban lãnh đạo cũ của công ty hiện cũng đang phải hầu tòa với các cáo buộc sai phạm trong quản lý doanh nghiệp và tham nhũng.
Đến khi Vinafood II cổ phần hóa, tình hình vẫn không mấy sáng sủa. Đại diện T&T Group cho biết, ngay khi trở thành cổ đông chiến lược của Vinafood II, T&T Group không chỉ trực tiếp rót vốn, mà còn từng bước hỗ trợ, tham gia vào công tác quản trị, điều hành các hoạt động chung của công ty, với nhiệt huyết cải thiện tình hình kinh doanh sản xuất, bảo vệ lợi ích chung của các cổ đông và ‘hồi sinh’ Vinafood 2 hoàng kim ngày nào.
Tuy nhiên, việc chỉ nắm 25% cổ phần tại Vinafood II khiến T&T Group không có nhiều tiếng nói. Ở chiều ngược lại, với 3/5 ghế tại HĐQT và nắm giữ 51,43% vốn điều lệ, cổ đông Nhà nước lại thiếu các chỉ đạo triệt để nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động của Vinafood II. Cách vận hành của Vinafood II, trên thực tế mặc dù đã cổ phần hóa nhưng vẫn chỉ là “bình mới – rượu cũ”.
Bên cạnh đó, mặc dù đã cổ phần hóa 2 năm nhưng Vinafood II mới hoàn thành việc tăng vốn lần 1 với vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng. Theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP đến ngày 7/1/2019, Vinafood II sẽ phải hoàn thành quyết toán vốn lần 2. Thế nhưng, đến tận thời điểm hiện tại, Vinafood II vẫn chưa hoàn thành.
Hệ quả của việc chậm quyết toán vốn khiến nguồn vốn để duy trì hoạt động kinh doanh của Vinafood II suy yếu. Tính tới cuối năm 2019, Vinafood II đang vay ngắn hạn hơn 2.200 tỷ đồng, chủ yếu là vay ngân hàng để kinh doanh.
Sang năm 2020, những diễn biến phức tạp trên thị trường lúa gạo tiếp tục khiến hoạt động kinh doanh của công ty thêm phần khó khăn. Trước kia, những đơn vị như Vinafood II hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa vào các hợp đồng xuất khẩu lúa gạo của chính phủ như Phillipines, Malaysia. Tuy nhiện, hình thức đó nay đã bị hủy bỏ, chuyển sang hình thức giao dịch tư nhân.
Vinafood II khó lòng cạnh tranh với các doanh nghiệp tư nhân trường vốn, công tác dự báo thị trường tốt, bộ máy tinh gọn, nắm bắt thị trường nhanh nhạy thường mua lúa, mua gạo nguyên liệu và gạo thành phẩm để xuất khẩu rất đúng thời điểm.
Nếu tình hình quản trị và kinh doanh vẫn tiếp diễn như hiện nay, Vinafood II có thể sẽ rơi vào tình trạng mất thanh khoản, dẫn đến đình trệ kinh doanh.
Bài học từ Vinamilk
Trên thực tế, vấn đề tại Vinafood II không mới, thậm chí là khá cũ khi nó từng xảy ra tại nhiều doanh nghiệp được cổ phần hóa với tỉ lệ sở hữu vốn Nhà nước vẫn ở mức cao.
Còn nhớ năm 2015, ĐHCĐ của Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) diễn ra căng thẳng và gay gắt giữa Ban quản trị công ty với nhóm cổ đông Nhà nước mà đại diện là SCIC (khi đó nắm giữ trên 45%). Mâu thuẫn bùng nổ sau khi đã âm ỉ từ lâu, xuất phát từ những quan điểm quản trị doanh nghiệp khác nhau, mà vấn đề chủ yếu là do “sức ì” mà SCIC gây ra cho Vinamilk.
Thời điểm đó, Vinamilk đã là doanh nghiệp dẫn đầu ngành sữa. Song sự xuất hiện của nhiều đối thủ mới trên thị trường khiến tốc độ tăng trưởng của công ty ngày càng chậm lại. Ban quản trị công ty vì thế đứng trước sức ép phải thay đổi chiến lược để đưa công ty tiếp tục tiến lên.
“Sức ì” của cổ đông Nhà nước chỉ được giải tỏa sau khi SCIC quyết định thoái vốn khỏi Vinamilk. Những đợt thoái vốn liên tiếp kể từ năm 2016 giúp SCIC thu về hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước, đồng thời đưa tỷ lệ sở hữu của SCIC tại Vinamilk giảm dần từ 45% xuống mức 30% vào thời điểm hiện tại.
Với 30% tỷ lệ sở hữu, SCIC không còn quyết định tới hoạt động của Vinamilk. Được “giải phóng”, kết quả kinh doanh của công ty trong giai đoạn 2015 – 2019 vẫn tốt lên thấy rõ. Tính tới cuối năm 2019, doanh thu của công ty đạt 56.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 10.500 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 40% so với năm 2015. Người thu về lợi ích lớn nhất, đương nhiên là các cổ đông của Vinamilk, trong đó có cổ đông Nhà nước.
Bài học từ trường hợp của Vinamilk có thể là kim chỉ nam cho Vinafood II. Mặc dù bản thân Vinafood II hoạt động không tốt như Vinamilk, song trong ngành lúa gạo, vị thế Vinafood II không hề nhỏ khi đã từng là công ty đầu ngành. Với nền tảng và truyền thống sẵn có, nếu giải quyết được nút thắt trong quản trị, Vinafood II vẫn còn cơ hội hồi sinh.
Một lý do được đưa ra để Nhà nước tiếp tục nắm giữ tỷ lệ biểu quyết đa số tại Vinafood II được cho là để đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, theo một chuyên gia kinh tế cho rằng hiện nay Nhà nước đã có nhiều công cụ để quản lý vấn đề này.
“Dịch Covid-19 đã cho thấy rõ Chính phủ có nhiều biện pháp, chẳng hạn thông qua các quy định pháp luật để kiểm soát, điều tiết các mặt hàng chiến lược thiết yếu như lúa gạo. Vì vậy, Nhà nước không nhất thiết phải nắm quyền chi phối tại các doanh nghiệp này”, vị chuyên gia nhận định.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/loi-thoat-nao-cho-vinafood-ii-1603351005849.htm