Lợi trước mắt, hại lâu dài
Né đóng, nợ đóng BHXH khiến doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề khi xảy ra tai nạn lao động
Hoạt động từ năm 2014, Công ty TNHH B.D.P (tỉnh Đồng Nai) sử dụng lao động từ 26-56 người. Tuy nhiên, rất ít người được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) và tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Lý do công ty đưa ra là vì người lao động (NLĐ) không có ý định làm việc lâu dài, làm ngày nào hưởng lương ngày đó nên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm.
Né tránh trách nhiệm
Tại phiên xử phúc thẩm do TAND tỉnh Đồng Nai tiến hành vừa qua, bà Trương Thị Ngà, mẹ công nhân (CN) T.T.A, cho biết con bà bắt đầu làm việc cho Công ty TNHH B.D.P từ tháng 8-2016, với công việc là cắt, tỉa cỏ, tưới nước, vệ sinh đường trong KCN Long Đức. Thế nhưng, anh A. không được ký HĐLĐ và tham gia BHXH. Ngày 23-2-2017, anh A. được ông N.C.T, giám đốc công ty, phân công phụ trách cắt cỏ tại kho ngoại quan KCN. Trong giờ nghỉ giải lao chiều cùng ngày, A. chạy xe máy đi mua nước uống thì va chạm với ôtô và tử vong. Sau khi tai nạn xảy ra, công ty chỉ thanh toán cho gia đình A. tiền lương tháng 2-2017 (5 triệu đồng) và hỗ trợ tiền mai táng 10 triệu đồng. Cho rằng công ty chưa thực hiện đúng trách nhiệm đối với NLĐ, gia đình A. đã khởi kiện ra tòa.
Trình bày tại tòa, ông N.C.T cho biết công việc chính của A. là tưới nước (hình thức khoán công), thời gian làm việc cố định từ 18 đến 23 giờ, mức lương 153.000 đồng/ngày. Ngoài ra, A. có thể tăng ca cắt cỏ ban ngày và cũng được tính lương như công việc tưới nước. Công việc cắt cỏ là không thường xuyên, do vậy công ty không ký HĐLĐ và theo quy định cũng không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN cho anh A. Phía công ty còn cho rằng trường hợp của A. không phải là tai nạn lao động (TNLĐ) mà là tai nạn giao thông. Lỗi tai nạn là do A. nên cái chết của anh không liên quan đến công ty. Hơn nữa, công ty đã quy định CN là không được ra khỏi khu vực làm việc nhưng A. vẫn tự ý rời khỏi nên anh phải chịu trách nhiệm.
Hội đồng xét xử nhận định công việc của A. là ổn định, lâu dài và thời gian làm việc thực tế tại công ty đã kéo dài 4 tháng, nên đây không phải là việc làm thời vụ. Do đó, việc công ty không ký HĐLĐ bằng văn bản, không tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho A. là trái quy định pháp luật. Mặt khác, căn cứ điều 142 Bộ Luật Lao động và điều 12 Nghị định 45/2013/NĐ-CP thì trường hợp của A. được xác định là TNLĐ do tai nạn xảy ra trong quá trình lao động (kể cả trong thời gian nghỉ giải lao). Do vậy, dù lỗi trong vụ TNLĐ thuộc về A. thì doanh nghiệp (DN) vẫn phải chi trả bồi thường và trợ cấp cho thân nhân NLĐ theo quy định. Tòa buộc công ty phải chi trả cho thân nhân của A. 156 triệu đồng. Trong đó, tiền bồi thường thuộc trách nhiệm của DN cho NLĐ bị TNLĐ chết là 39 triệu đồng và thay cơ quan BHXH chi trả tiền BHXH do TNLĐ là 117 triệu đồng.
Chiếm dụng bảo hiểm
Không chỉ trốn đóng BHXH của NLĐ, Công ty CP T.P (tỉnh Bình Dương) còn không chấp hành lệnh triệu tập của tòa. Trước hành vi chây ì này, mới đây, TAND thị xã Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) đã quyết định đưa vụ án "Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do TNLĐ" ra xét xử vắng mặt.
Theo đơn khởi kiện, ông N.V.H làm việc tại công ty từ tháng 3-2013 và đã ký nhiều HĐLĐ xác định thời hạn. Trong thời gian làm việc, công ty có tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho ông. Tuy nhiên, kể từ tháng 8-2015, công ty có trừ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN vào lương hằng tháng của ông nhưng không đóng vào quỹ BHXH. Trưa 27-8-2016, khi đang làm việc thì ông H. bị TNLĐ, cụt mất 4 ngón tay phải (tỉ lệ mất sức lao động là 31%). Trong thời gian ông H. điều trị TNLĐ, công ty đã thanh toán chi phí điều trị và trả lương trong thời gian nghỉ. Riêng các chế độ TNLĐ do quỹ BHXH chi trả ông H. không được hưởng do DN nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN. Để đòi quyền lợi chính đáng của mình, ông H. đã khởi kiện. Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ của hồ sơ vụ án, hội đồng xét xử chỉ rõ: "Theo quy định tại điều 145 Bộ Luật Lao động, NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà người sử dụng lao động (NSDLĐ) chưa đóng BHXH cho cơ quan BHXH, thì được NSDLĐ trả khoản tiền tương ứng với chế độ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật BHXH. Bên cạnh đó, NSDLĐ phải bồi thường cho NLĐ bị TNLĐ mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra với mức: Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%". Theo tòa, khi xảy ra TNLĐ, lỗi thuộc về NSDLĐ, do vậy công ty phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông H. Tổng số tiền công ty phải bồi thường hơn 226 triệu đồng.
"Ngoài việc phải chịu trách nhiệm bồi thường cho NLĐ bị TNLĐ số tiền cao gấp nhiều lần số tiền BHXH, BHYT, BHTN phải đóng, DN trốn đóng, nợ đóng BHXH còn có thể bị thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ Luật Hình sự. Do vậy, DN nên tuân thủ luật, đừng vì lợi ích nhỏ trước mắt mà phải gánh hậu quả lớn về lâu dài".
Ông TRẦN VĂN TRIỀU, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/loi-truoc-mat-hai-lau-dai-20201124214206608.htm