Lời yêu từ miền núi đá

Địa danh Si Ma Cai theo phiên âm tiếng Mông là Xênh Mùa Ca. Truyền thuyết kể rằng: Xửa xưa, rồng của nhà trời đi kinh lý, đến miền đất này, thấy cảnh sông núi hùng vĩ như chốn bồng lai nên đã hóa thành con ngựa to cao hạ giới. Người dân nhìn thấy con ngựa lạ nơi họp chợ nên gọi là Sin Mã Cai (Chợ ngựa mới)…

Si Ma Cai hôm nay. Ảnh: Ngọc Bằng

Si Ma Cai hôm nay. Ảnh: Ngọc Bằng

Tôi lặng lẽ men theo dốc đá đến hội Gầu tào giữa tiết xuân ấm áp. Đi dưới tinh khôi hoa lê, hoa mận, hoa đào của xứ núi Xênh Mùa Ca, chợt tiếng hát bên khe thì thầm như hơi thở mùa sang, khiến bước chân tôi chầm chậm. Cố rướn người nhìn qua tán lá nơi thanh âm, nhè nhẹ gìm nhịp thở, như sợ lời ca kia lẫn vào tiếng chim “cư cứ” đang ríu rít gọi mặt trời, như sợ giai điệu ấy lẫn vào tiếng suối nguồn rủ rê róc rách, như sợ lời ca lẫn vào gió núi mây ngàn Xênh Mùa Ca huyền diệu: “Đêm đã qua sao lượn vòng đổi chỗ/Ngày đã rạng lối đi sáng tỏ/Ta lê bước về nhà/Mà hồn như còn ngủ ở thắt lưng em/Mà hồn như còn ngủ bên tà váy em/Mà ngỡ hồn anh như còn ngủ bên ngực em”. Tiếng cô gái líu lo như chim họa mi tan vào sương sớm: “Hỡi chàng trai người ơi!/Để cho mép lá không đọng giọt sương đục/để cuống lá đọng giọt sương trong/Nữ đồng trinh này muốn về cùng anh/Ta chung lều nương/ta chung chiếu chăn/ Ngày ngày làm ăn/Nuôi đàn con ngoan”… Ôi, câu hát như thực, như mơ, làm tôi thổn thức nhớ về đêm trăng huyền ảo ngày nào. Câu dân ca gầu plềnh em trao, khúc tình ca em tặng, tôi mắc nợ lời yêu của miền núi đá.

Đấy là lần đầu tiên tôi theo Vàng A Sáng đi Lễ hội Gầu tào vào cái đêm trăng huyền diệu hát ca bắt vợ, tìm chồng - một loại hình văn hóa truyền thống nuôi dưỡng tâm hồn người xứ núi, để sớm xuân nay, giữa ngạt ngào hương sắc núi rừng, bao la đất trời Si Ma Cai mà lòng dạ tôi xốn xang rạo rực.

Đón chúng tôi là ông Lý Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai, cùng những người bạn vùng cao gặp lần đầu đã thành cố tỷ. Được sự giúp đỡ của các anh, cuộc hành trình dọc dài Xênh Mùa Ca mùa hoa nở của chúng tôi bắt đầu khi những tia nắng vàng vừa kịp vén màn sương sớm.

Tuyến Quốc lộ 4D xuyên qua mảnh đất này mềm mại như eo thiếu nữ. Rồi từ trục chính đó, những ngã rẽ trải nhựa phẳng phiu tỏa về các xã, bản làng. Tôi thốt lên một câu nửa như hỏi, nửa như chính kiến sự đổi thay ngỡ ngàng với Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Xuân Thành:

- Đường uốn lượn như đi trong mơ thế này có về hết được các xã chưa anh? - và nhận được câu trả lời chắc nịch của người cán bộ trẻ:

- Về hết được mà! Hôm nay, tôi sẽ đưa nhà báo đến những xã khó nhất, xa nhất!

Trong tôi dâng lên niềm phấn chấn. Đúng là không mơ sao được? Những giấc mơ về những con đường vùng cao đã thành hiện thực. Bởi, những chính sách, đường hướng đúng, kịp thời, hợp lòng dân; bởi sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới. Trên chuyến xe dọc miền Xênh Mùa Ca, những ký ức của ngày đầu thực hiện xây dựng nông thôn mới cứ thế ùa về qua lời kể của đồng chí lãnh đạo huyện: Cả cao nguyên đá những ngày ấy dấy lên cuộc cách mạng làm đường giao thông nông thôn. Mỗi mét đường mở ra hướng đến ấm no, hạnh phúc, hướng đến văn minh, tiến bộ. Bao năm núi non cách trở đã giam hãm, đường giao thông là yếu tố tiên quyết cho sự phát triển đời sống kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, tiến đến một nông thôn mới bền vững, đó là niềm tin, đích đến của Si Ma Cai.

Ai đã từng đến Si Ma Cai trên những con đường mòn chênh vênh hiểm trở khi xưa mới hiểu sự quyết liệt của các cấp chính quyền và sự đồng thuận của Nhân dân. Tôi nhớ và ấn tượng mãi câu nói của lão nông Tráng Seo Sẩu trên “cổng trời” Quan Hồ Thẩn, khi hỏi về những con đường mòn qua rừng đá năm xưa: “chỗ nào rộng nhất cũng chỉ vừa bụng con trâu chửa lọt qua thôi”. Đá núi, nắng gió mênh mông, nhọc nhằn cách biệt là thế, vậy mà người dân vẫn bền gan, vững chí, đồng lòng xây dựng, bảo vệ phên dậu quê hương. Đến nay, giấc mơ xưa như cổ tích. Người Si Ma Cai tự hào về bản lĩnh vùng cao mình. Thử nghĩ, với hơn 515,5 km đường giao thông nông thôn xuyên dọc ngang xứ đá về những bản làng xa xôi, mỗi năm đường lại dài, rộng thêm. Có phải là kỳ tích của xứ núi? Giờ đây xe ô tô tải lăn bánh về tất cả các xã, thôn hẻo lánh. Theo tuyến đường rộng mở, lâm, nông, thổ sản chảy về xuôi, văn minh, hiện đại từ xuôi ngược dốc đến bản làng. Cuộc sống người dân đổi thay từng ngày.

Xuân về trong tinh khôi hoa lê. Ảnh: Ngọc Bằng

Xuân về trong tinh khôi hoa lê. Ảnh: Ngọc Bằng

Nhìn bản đồ, tôi hình dung Si Ma Cai như cái bình vôi xù xì, gai góc trên thượng nguồn biên ải. Núi non trập trùng, vực sâu hiểm trở, thuộc địa tầng Tây Côn Lĩnh, địa hình chia cắt mạnh. Vậy mà bao đời nay, người dân chung thủy đồng lòng xây dựng, bảo vệ quê hương, bao đời vật lộn với đá núi, thâm canh trên đá, đá thương người bảo vệ cây ngô, cây lúa nặng bông sai hạt, hoa trái bốn mùa. Vào mùa này, đến nhà nào cũng vàng óng lúa ngô trên sàn, trên gác, ấm màu no đủ. Đến nay, bình quân lương thực đã đạt 350 kg/người/năm, tuy chưa cao nhưng đó là bước tiến dài trên con đường xóa đói, giảm nghèo.

Trong những năm vừa qua, bằng những chính sách đúng, áp dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, tạo thế mạnh sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm trên diện tích canh tác, hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả và cây dược liệu. Si Ma Cai phấn đấu đến năm 2025, đưa diện tích cây ăn quả ôn đới chất lượng cao lên 650 ha, mỗi năm đưa ra thị trường khoảng 2.000 tấn quả; chú trọng các cây dược liệu có giá trị cao như đương quy, tam thất, đẳng sâm, cát cánh… thành sản phẩm dược liệu đặc hữu.

Cùng với những bước tiến trong phát triển kinh tế, Si Ma Cai cũng đánh thức tiềm năng giàu có của địa phương, bảo tồn, phát huy, biến tiềm năng, di sản thành tài sản. Trên cung đường khám phá Xênh Mùa Ca, anh Trần Hoài Long, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Si Ma Cai chia sẻ với các thành viên trong đoàn về những đường hướng phát triển du lịch theo hướng xanh của Si Ma Cai đã và đang phát triển hiệu quả. Rồi về đề án bảo tồn và phát huy văn hóa để phát triển du lịch, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững. Mục tiêu là bảo tồn các lễ hội truyền thống, duy trì làng nghề dệt thổ cẩm, chạm khắc bạc, nấu rượu, làm hương. Đề án còn coi trọng việc xây dựng tuyến, điểm du lịch, các sản phẩm du lịch; khuyến khích người dân xây dựng các cơ sở lưu trú, các homestay...

Xuân về, trên các sườn núi miền đá cổ Xênh Mùa Ca lại tinh khôi hoa mận, hoa lê, lại rực rỡ hoa đào, hoa tớ dầy… Tiếng khèn lại dìu dặt thiết tha vang lên gọi bạn. Con đường xuân uốn lượn sườn núi rợp tán hoa, váy áo xập xòe bung nở như ngàn sắc xuân trẩy hội. Bên sườn non, những lời thủ thỉ hẹn hò như thêm phần tình tứ.

Ôi Xênh Mùa Ca! Lời yêu thương không vơi cạn!

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/363951-loi-yeu-tu-mien-nui-da