Lớn lao nguồn lực kiều bào
Việc huy động nguồn lực trí tuệ của kiều bào là rất cần thiết, cấp bách, nhất là trong những tình huống mới, khẩn thiết.
Đến ngày 23/10, Hội người Thái gốc Việt tỉnh Udon Thani (Thái Lan) tổ chức quyên góp được hơn 445 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt lịch sử, ổn định cuộc sống. Đó chỉ là sự ủng hộ trong vài ngày ngắn ngủi, con số mà Hội người Thái gốc Việt tỉnh Udon Thani mong muốn là khoảng 1 tỷ đồng.
Cũng trong ngày 23/10, cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Czech, dù đang căng mình chống chọi với đại dịch Covid-19, nhưng đã quyên góp được hơn 1 tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt và Quỹ người nghèo. Đó mới chỉ là sự ủng hộ ban đầu, việc quyên góp, ủng hộ của cộng đồng người Việt tại Czech đối với người dân trong nước vẫn tiếp tục duy trì…
Ngày 25/10, chỉ trong vòng hơn 1 giờ sau lễ phát động, cộng đồng người Việt đang sinh sống, làm ăn tại thủ đô Vientiane, Lào đã quyên góp được hơn 750 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Trung đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt lịch sử...
Đó chỉ là 3 trong số những thông tin vắn tắt đầy cảm động của bà con kiều bào ở 3 quốc gia cụ thể. Là những đóng góp, sẻ chia cụ thể, thấm đẫm nghĩa tình tương thân tương ái của những người con mang dòng máu Việt ở khắp nơi trên thế giới.
Đó chỉ là những hoạt động nhân văn, ấm lòng gần nhất liên quan đến thảm họa lũ lụt ở miền Trung. Là nghĩa cử “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” của những con dân đất Việt, dù họ sống ở bất cứ nơi đâu trên thế giới nhưng luôn hướng về quê hương với mong muốn sẻ chia, hỗ trợ, giúp đỡ.
Nhưng điều này cũng thêm một lần nữa khẳng định rằng, sự đóng góp của bà con kiều bào ở khắp năm châu luôn hết sức kịp thời, trân quý.
Với hơn 3,3 triệu kiều bào đang định cư ở trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã chứng tỏ tiềm năng kinh tế và tri thức ngày càng lớn mạnh, luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, rộng dài trên nhiều lĩnh vực, cả vật chất lẫn tinh thần, cả trí tuệ lẫn công sức, bằng những hành động, việc làm cụ thể, ý nghĩa, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở từng thời điểm khác nhau.
Trong các ngày 30-31/10 tới, thêm một sự kiện đầy ý nghĩa, có tầm nhìn thời cuộc nữa, đó là việc diễn ra Hội nghị Kiều bào đóng góp ý kiến về Chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phát triển kinh tế Việt Nam, do Bộ Ngoại giao và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là công cuộc đang diễn ra khắp nơi trên thế giới và Việt Nam cũng đã có những sự chuẩn bị, bước đi tích cực. Trong khi đó, đại dịch Covid-19 đang khiến cả thế giới phải đau đầu tìm cách đối phó, khắc phục.
Cả 2 vấn đề đều rất mới, dù là sự tất yếu được dự báo trước, hay thảm họa bất thường khó lường xảy ra, đều rất cần những chiến lược, sách lược đối phó, đề xuất giải pháp cụ thể, trước mắt cũng như lâu dài.
Trong những tình huống mới, khẩn thiết, không dễ ứng phó như vậy, việc huy động nguồn lực trí tuệ của người Việt trong và ngoài nước là rất cần thiết, cấp bách, những mong thông qua đó có được những đề xuất xây dựng chính sách, các giải pháp kịp thời và hiệu quả để giải quyết những vướng mắc đã, đang đặt ra, giúp phục hồi và phát triển kinh tế.
Đó cũng chính là cách huy động, khơi dậy nguồn lực lớn lao của kiều bào mà đất nước ta vẫn chú trọng suốt chiều dài lịch sử xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Là sự minh chứng về tình đoàn kết, sự tương thân tương ái của người Việt khắp năm châu, nhất là mỗi khi đồng bào cũng như đất nước gặp khó khăn...
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lon-lao-nguon-luc-kieu-bao-127630.html